Tiếng nói, chữ viết là linh hồn của mỗi dân tộc; giữ gìn tiếng nói, chữ viết của một dân tộc chính là bảo vệ, gìn giữ linh hồn của dân tộc ấy.
Cụ Trần Tân Long, xã Quang Yên (huyện Sông Lô) đọc lại sách cổ viết bằng chữ của người Cao Lan do ông cha để lại
Được ông Vi Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên (huyện Sông Lô) dẫn đường, chúng tôi tìm đến nhà cụ Trần Tân Long ở thôn Xóm Mới. Cụ Long là một trong số ít người còn lưu giữ những tư liệu về loại chữ viết cổ của dân tộc Cao Lan. Cụ lấy trong kho sách cổ 3 cuốn: Vạn sự, Hợp hôn và Kinh tâm Bảo giám, bìa các cuốn sách đã ngả màu vàng thậm, một số trang bị mất góc nhưng chữ viết còn đậm và rõ. Cụ cho biết, chúng là những cuốn sách cổ của người dân tộc Cao Lan do ông, cha để lại. Trước kia, những cuốn sách này được lưu hành phổ biến, song từ những năm 60 của thế kỷ XX trở đi, người dân ít sử dụng loại sách này. Lý do là sách được viết bằng loại chữ viết cổ của dân tộc Cao Lan, viết theo thể chữ tượng hình Hán Nôm, rất khó đọc. Vài chục năm nay, các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc học đã tiến hành La-tinh hóa cách phát âm ngôn ngữ dân tộc Cao Lan.
Hiện nay, ở Quang Yên có 1.845 người dân tộc Cao Lan sinh sống. Ông Vi Đình Quang nhẩm đi tính lại, rồi đếm trên đầu ngón tay được 6 người trong số đồng bào dân tộc Cao Lan ở Quang Yên hiện còn biết chữ của dân tộc mình, trong đó, có 4 người có thể đọc viết thành thạo, 2 người chỉ biết chứ không sõi. Cụ Long, cụ Lợi, cụ Lăng Trị là những người thành thạo chữ viết truyền thống của dân tộc nhưng các cụ đều đã già. Mong muốn của các cụ là truyền lại tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho thế hệ con cháu để gìn giữ đến mai sau. Nhiều năm nay, các cụ mở lớp dạy chữ viết cho người dân tộc Cao Lan trong xã. Học phí cả năm chỉ là là nắm xôi, con gà mà học trò cũng chỉ lác đác vài người. Năm 2009, thôn Xóm Mới phục dựng 1 lớp dạy chữ ở nhà văn hóa thôn. Người đứng lớp là cụ Trần Tân Long. Cụ cho biết, ban đầu, lớp có hơn 40 người. Nhưng lâu dần họ bỏ hết, chỉ có 2 người theo đến buổi học cuối cùng. Cụ hỏi mọi người tại sao lại bỏ học, họ bảo, một ngày đi xây, đi xách vữa cũng được trăm nghìn bạc, ngồi học chữ mãi mà chẳng thấy tiền đâu. Anh Hoàng Văn Hội (thôn Xóm Mới) từng theo lớp học chữ của cụ Long nhưng cũng bỏ học giữa chừng. Anh cho biết, học chữ Cao Lan rất khó, dù kiên trì, chăm chỉ nhưng không phải ai cùng học được.
Năm 2010, CLB dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới được thành lập. Ông Hoàng Giang Lâm, Chủ nhiệm CLB cho biết, ngoài sinh hoạt văn nghệ, CLB còn dạy chữ và truyền bá tiếng dân tộc cho các thành viên. Tại đây, những người trẻ được học hát Sình ca, làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Cao Lan. Những bài hát Sình ca được viết bằng chữ viết truyền thống của dân tộc, vì vậy, khi học hát, các thành viên được học luôn cả chữ.
Việc duy trì chữ viết của đồng bào dân tộc Cao Lan hiện nay là do nhu cầu của việc thờ cúng, lưu truyền phong tục tập quán và các hoạt động tôn giáo. Cụ Trần Tân Long cho biết thêm, khi một đứa trẻ sinh ra, gia đình đón thầy cúng đến cúng bái và đặt tên cho đứa trẻ bằng chữ của dân tộc Cao Lan. Điều này giống với phong tục của người Sán Dìu ở xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo). Trong số 13 thôn của xã Đạo Trù thì có tới 11 thôn có 100% người dân tộc Sán Dìu sinh sống. Ở đây, chữ viết của họ được bảo tồn bằng việc mở các lớp dạy chữ như ở Quang Yên. Mỗi khóa học kéo dài từ 3 – 9 tháng và thường chỉ có từ 1 – 2 học sinh. Ông Lam Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù cho biết, hiện nay, hầu hết người dân tộc Sán Dìu ở địa phương đều nói tiếng dân tộc nhưng chỉ có khoảng 5% số người trẻ trong xã biết chữ của dân tộc mình. Những bài hát Soọng cô được ghi chép bằng loại chữ viết đã được phiên âm theo hệ chữ cái Latinh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 29 dân tộc thiểu số đang sinh sống, trong đó, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Dao, sống tập trung ở các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên. Mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng, một số dân tộc có hệ thống chữ viết riêng. Hiện nay, đa số các dân tộc còn giữ được tiếng nói, song, chữ viết rất khó bảo tồn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của xu thế hội nhập, toàn cầu hóa khiến lớp thế hệ trẻ tập trung học chữ Quốc ngữ và ngoại ngữ nhằm phục vụ cho công việc. Bà Nguyễn Thị Diện, Trưởng ban Ban Quản lý Di tích, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, cho đến nay, Ban Quản lý Di tích chưa thực hiện khảo sát, thống kê ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; chưa xây dựng phương án bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số hiện nay chủ yếu tự phát trong nhân dân. Các hoạt động bảo tồn ở các địa phương chưa hiệu quả do thiếu kinh phí hoạt động. Bà Diện đề nghị, thời gian tới, tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí để khảo sát, thống kê và thực hiện các biện pháp bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo BaoVinhPhuc