Bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, nhiều cán bộ, công chức năng lực yếu kém nhưng vẫn... được tăng lương!
Theo Nghị quyết của Quốc hội, từ 1/5/2016, lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng.
Thông tin này thực sự là tin vui với những người làm công ăn lương, sau 3 năm "giậm chân tại chỗ" nay lương mới tăng.
Tuy nhiên, lương tăng kèm theo đó là hàng loạt nỗi lo về cân đối ngân sách, về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, về chất lượng của từng cán bộ công chức, viên chức… và liệu rằng, tất cả đều xứng đáng được tăng lương?
Nếu ai đó đặt câu hỏi ở đơn vị, cơ quan bạn có người “ngồi chơi xơi nước” rồi cuối tháng vẫn lĩnh lương không? Câu trả lời chắc chắn là “có”. Bởi cách đây vài năm đã có vị lãnh đạo đưa ra con số có tới 30% cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Ấy vậy mà nhiều người còn bảo con số này còn thấp, vì thực tế còn nhiều người hàng tháng “lĩnh oan” tiền ngân sách mà không có cách nào để loại ra khỏi bộ máy.
Ngân sách Nhà nước đang phải cáng đáng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hùng hậu, thế nhưng trong số này, theo một vị chuyên gia về tiền lương, chỉ 30% là làm việc thực sự, 30% thì chỉ đâu đánh đấy, số còn lại là “ăn không ngồi rồi”. Vậy thử hỏi, tăng lương thì ai lợi, người làm việc hay người ngồi chơi?
Hệ lụy của bộ máy cồng kềnh khiến cho việc chi trả lương vẫn mang tính “cào bằng”, cả làng đều vui, người làm việc và người không làm việc đều không sống được bằng lương. Và cách để nhiều người “kiếm thêm” là tăng cường sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Người dân muốn làm được việc, muốn được trả nhanh thì phải lót tay, có phong bì. Chính vì vậy, tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra ở khắp nơi nhưng ít người bị tố giác, ít người bị xử lý. Vì sao vậy? Câu trả lời có trong kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015. Đó là người dân chỉ đứng ra tố giác tình trạng tham nhũng khi bị bắt buộc phải chi số tiền đút lót từ 25 triệu đồng trở lên, thay vì 5,5 triệu so với 4 năm trước. PAPI 2015 cho thấy có sự gia tăng đột biến ở tỷ lệ người dân phải chi "lót tay" để làm xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ). Ước tính có khoảng 44% số người làm thủ tục cấp Sổ đỏ phải đưa hối lộ mới làm xong thủ tục trong năm 2015, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính là 24% trong năm 2014.
Còn với doanh nghiệp thì lại là một câu chuyện vô cùng dài về những cách công chức, viên chức “hành” để moi tiền, bắt chẹt. Trong đối thoại của Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra mới đây tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp đã nêu bức xúc của mình về thủ tục hải quan, thuế, về công tác thanh tra, kiểm tra… khiến doanh nghiệp quay cuồng, quanh năm ngày tháng chỉ lo tiếp đoàn ra, đoàn vào mà không toàn tâm toàn ý cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vụ khởi tố chủ quán phở Xin Chào ở quận Bình Chánh (TP HCM) mới đây cũng là một ví dụ điển hình về năng lực cán bộ, về sự lạm dụng luật pháp để đe nẹt người dân, doanh nghiệp. Dù câu chuyện đã đi đến hồi kết nhưng đây cũng là một trong những lý do khiến chúng ta phải suy nghĩ về chất lượng đội ngũ những người thực thi pháp luật hiện nay. Và liệu người dân vẫn phải làm việc để nộp thuế nuôi những cán bộ, công chức như vậy thì có công bằng?
Rõ ràng, nhiều người rất ngại khi đến “cửa quan” vì những thói nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Nhưng nếu có phát hiện, xử lý những tiêu cực trong bộ máy công quyền cũng rất khó vì rất nhiều “con cháu, họ hàng”. Và thực tế đã có những địa phương "cả họ làm quan" mà báo chí đã phản ảnh.
Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hoạt động kém hiệu quả lại hay vòi vĩnh, vơ vét cho bản thân… là lực cản đối với sự phát triển của xã hội. Cách hành xử này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của ngân sách Nhà nước. Người dân, doanh nghiệp bị làm khó sẽ không thể phát triển sản xuất kinh doanh, không có doanh thu để nộp thuế, ngân sách không có tiền để chi trả lương cho một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả…
Chúng ta đã và đang tiến hành tinh giản biên chế nhưng việc này cũng không phải đơn giản. Không đơn giản nhưng vẫn phải quyết tâm làm vì như vậy mới công bằng với những người làm việc thật và họ cần phải được trả lương xứng đáng với hiệu quả công việc, công sức họ đã bỏ ra./.
Theo Vũ Hạnh/VOV.VN