Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, từ đầu năm tới nay, Formosa đã dùng tổng cộng 51 tấn hóa chất và hiện vẫn tồn kho khoảng 248 tấn.
Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Formosa được cấp phép dùng hóa chất
Thông tin trong buổi họp báo Chính phủ tối 5/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, ngay sau khi sự việc cá chết hàng loạt xảy ra tại Hà Tĩnh, phía bộ đã tổ chức kiểm tra khu công nghiệp Formosa.
Cụ thể, 2 đoàn chức năng đã tiến hành kiểm tra việc vận hành, hoạt động của Formosa có đúng các quy định trong lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách không và đặc biệt là việc sử dụng hóa chất của đơn vị này.
Thứ trưởng cho biết, theo quy định, hóa chất phải có đăng ký sử dụng tại Bộ Công Thương và chỉ khi có xác nhận của cơ quan quản lý thì các đơn vị mới được nhập về để dùng.
Theo kết quả kiểm tra, chỉ tính riêng những tháng đầu năm nay, lãnh đạo ngành công thương cho hay, Formosa đã nhập khẩu 224 tấn hóa chất chia làm 43 loại khác nhau.
Mục đích nhập khẩu theo khai báo của những loại hoá chất này nhằm làm sạch bề mặt kim loại, khử khuẩn, chất keo xử lý nước, hóa chất ức chế ăn mòn hóa học,... "Từ đầu năm tới nay, công ty đã sử dụng 51 tấn hóa chất và hiện còn tồn trong kho 248 tấn," lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, những loại hoá chất trên của Formosa hoàn toàn được đăng ký và chấp thuận sử dụng. Ông cho rằng, hóa chất có mức độ độc hại khác nhau nhưng quan trọng là việc sử dụng đúng quy trình.
Các địa phương báo cáo chậm, thụ động
Trả lời thêm về vấn đề nhận được nhiều quan tâm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận, đây là vụ việc lần đầu tiên diễn ra trên diện rộng nên cơ quan chức năng vẫn chưa có kinh nghiệm xử lý.
Đây là vấn đề theo ông đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rút kinh nghiệm các bộ, ngành địa phương. Theo Thủ tướng, thông tin báo cáo từ các địa phương lên Thủ tướng Chính phủ vẫn còn chậm và thụ động.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần của Chính phủ là "không loại trừ tổ chức, cá nhân nào."
Ngoài ra, chủ trương giải quyết vụ việc từ phía Chính phủ là mời chuyên gia nước ngoài kết hợp cùng chuyên gia trong nước để xem xét, đánh giá dựa trên kết luận khoa học và chứng xứ xác đáng.
Cũng liên quan tới việc chuyên gia nước ngoài vào cuộc, trước đó, sáng 4/5, đoàn chuyên gia quốc tế đã có mặt ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) và bắt đầu quá trình phân tích nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường. Đây là đoàn khoa học nước ngoài đã được chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà mời vào Việt Nam làm việc.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh đã vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.
Trước đó, từ đầu tháng Tư, hàng chục người dân nuôi cá lồng bè ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Hải (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và khu vực biển Vũng Áng đã phải chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt, gần như toàn bộ số cá nuôi trong lồng bè.
Hiện tượng này sau đó được phát hiện tại nhiều khu vực biển khác dọc về phía Nam tới tận Thừa Thiên - Huế.
Trong cuộc họp báo tối 27/4, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu 2 nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt: Thứ nhất là do con người, đó là việc xả thải nước thải gây ô nhiễm môi trường và thứ hai là do thời tiết, sự xuất hiện của thủy triều đỏ./.
Theo QUẢNG - DŨNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/bo-cong-thuong-formosa-duoc-phep-dung-hang-tram-tan-hoa-chat/384612.vnp