Ngày nay, du lịch sinh thái đang trở thành một bộ phận quan trọng của ngành du lịch. Tham gia du lịch sinh thái con người được hòa nhập vào thiên nhiên, tìm được những giây phút thư giãn lại góp phần bảo vệ môi trường và bảo lưu nền văn hóa bản địa.
Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng sông Hồng, song lại có một vùng trung du chuyển tiếp lên vùng núi cao. Sự đa dạng về địa hình đã tạo cho Vĩnh Phúc một hệ thống sinh thái đa dạng. Vùng đồng bằng với nhiều sông suối, đầm hồ, vùng trung du và vùng núi Tam Đảo có nhiều suối thác là điều kiện xây dựng nhiều hồ nhân tạo. Vườn quốc gia Tam Đảo cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đây là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc phát triển du lịch sinh thái. Trong các điểm du lịch sinh thái mới được hình thành tại Vĩnh Phúc, có một địa chỉ đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch, đó là: Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo.
Từ Vĩnh Yên, đi theo quốc lộ 2B, đến km 13 sẽ thấy tấm biển “Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo” phía bên phải. Từ cổng đi hơn 1km là tới khu đang cứu hộ gấu, nơi đây hiện ra khung cảnh thanh bình, yên ả trong một thung lũng xinh đẹp có tên Chắt Dậu, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo. Trung tâm Cứu hộ gấu Tam Đảo đi vào hoạt động từ 4/2008, có tổng diện tích 1,2 ha được đầu tư với số tiền trên 3,3 triệu USD, có thể nuôi nhốt 200 cá thể gấu cùng một lúc. Khu cứu hộ được xây dựng bao gồm 3 nhà cách ly, cứu hộ, nuôi nhốt gấu, khu chế biến thức ăn cho gấu, hệ thống xử lý nước thải hiện đại… Cuối 2013, khi giai đoạn 2 hoàn thành, toàn bộ trung tâm cứu hộ gấu sẽ rộng tới 12 ha với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt. Khi đó, Trung tâm đủ khả năng tiếp nhận 250 cá thể gấu. Về cơ bản, hiện nay Trung tâm được chia 2 khu riêng biệt gắn với hoạt động cứu hộ gấu: Khu thứ nhất bao gồm một trạm cách ly và các cơ sở phẫu thuật, có sức chứa tới 100 cá thể gấu trong chuồng và trong các lồng lớn. Toàn bộ ngôi nhà có hàng lưới thép và bảo vệ trực canh nghiêm ngặt như một doanh trại; Khu thứ hai rộng rãi hơn, được chia thành các khu nhỏ: chuồng, khu phục hồi chức năng cho gấu, khu bán tự nhiên ngoài trời và khu chăm sóc đặc biệt cho những cá thể gấu tàn tật.
ở Việt Nam hiện có hơn 4.000 con gấu đang bị nuôi nhốt trong các ổ cũi, lồng sắt thuộc các trang trại, nhà hàng, khách sạn không khác gì cảnh “cầm tù” và bị rút mật. Ngoài tự nhiên chỉ còn chưa đầy 100 con gấu sinh sống trên lãnh thổ nước ta. Vì thế, Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo ra đời với mục đích giải thoát những con gấu không may mắn, đưa chúng trở lại thiên nhiên, nhằm bảo tồn loài gấu đã được liệt vào Sách đỏ trước nguy cơ bị săn bắt, nuôi nhốt và tận diệt. Đây là nơi cứu hộ gấu vào loại hiện đại nhất châu á, thuộc dự án của Tổ chức Động vật châu á (Animals Asia Foundation - AAF).
Trọng tâm của Trung tâm cứu hộ nhằm chấm dứt hoạt động nuôi gấu trang trại, với một trung tâm giáo dục, vườn thảo dược, khu tham quan cho khách và khu nhà ở cho nhân viên. Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu của những thành viên trong Trung tâm là làm sao mang lại sức khỏe, niềm vui cho từng cá thể gấu được cứu hộ.
Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, các bác sĩ và điều dưỡng viên ở Trung tâm phải làm việc một cách miệt mài, chăm bẵm cho chúng từng ngày. Điều thú vị ở chỗ, khi về đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên, ghi rõ hồ sơ theo dõi lai lịch, sức khỏe. Hiện tại, Trung tâm đang có tất cả hơn 70 con gấu, mỗi con mang một tên khác nhau. Có con mang tên Việt Nam, chẳng hạn Yên Bái, Chiến Thắng. Lại có con mang tên nước ngoài, như Olly, Mausi, Mara...
Khi vào tham quan, đầu tiên du khách sẽ được ghé thăm khu cách ly, phục hồi. Để vào bên trong, mỗi người phải mang thêm một đôi ủng và bước lần lượt qua 3 thùng nước dung dịch tẩy rửa, sát trùng ở cửa. Khu nhà này hiện có hơn 20 con gấu đang trong thời kỳ “dưỡng bệnh”. Hai dãy nhà dài, được chia nhiều ô rộng rãi. Bên trong, mỗi chuồng gấu đẹp và đầy đủ tiện nghi, chẳng khác nào một “khách sạn” cho động vật. Các nhân viên chăm sóc gấu còn bố trí cả võng, xích đu để khi hứng chí, các chú gấu tự trèo lên làm một giấc nồng, hoặc đung đưa như leo cành cây trong rừng. Bên dưới, chuồng trại được lau chùi, quét dọn sạch thường xuyên. Đây là tiêu chuẩn chung của các trung tâm chăm sóc và phục hồi sức khỏe gấu trên thế giới.
Tiếp đến du khách sẽ được tham quan khu bán hoang dã. Đây là khu đẹp nhất Trung tâm cứu hộ gấu với với 2 dãy có 24 chuồng nuôi đặt ở giữa, hai bên là khuôn viên bán tự nhiên rộng 5.000m² với thảm cỏ, hồ, núi, hang, xích đu. Đây là khu vực dành cho những chú gấu đã được chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, có không gian để vận động và tập lại những thói quen. Để đề phòng gấu có thể leo rào ra ngoài, bao quanh khu gấu đôi có hai lớp rào, bên ngoài bằng lưới thép cao hơn 2 mét, bên trong bằng dây điện trần. Sau 45 ngày phục hồi, các chú gấu được chuyển sang khu nuôi dưỡng bán hoang dã để tập thói quen sống bầy đàn. Vì vậy, những chú gấu tại đây thường béo tốt và có những tập tính gần như tự nhiên.
Để gấu có thể phục hồi sức khỏe và phát triển tốt, việc chuẩn bị và cho gấu ăn là rất quan trọng. Thực đơn của gấu bao gồm rất nhiều loại rau, củ quả và không thể thiếu những món ăn khoái khẩu của gấu như nước mật ong ướp đá, yến mạch chứa trong hồ lô, sữa chua trộn lẫn quả khô, kem phết, dầu mẻ xịt,… Thức ăn được cho vào trong ống tre, hộp nhựa, gáo dừa, được treo cao trong chuồng để gấu trèo lên nhâm nhi, liếm láp, vừa tốt cho sức khỏe gấu, vừa giúp chúng lấy lại bản năng.
Hoạt động tham quan trung tâm cứu hộ gấu với trọng tâm là giáo dục cộng đồng, làm cho du khách có nhận thức tích cực đối với môi trường sống và cơ hội bảo tồn loài gấu. Ngay khi bước vào Trung tâm, khách tham quan được vây quanh bởi rất nhiều thông điệp vui nhộn, mang tính giáo dục, bảo vệ môi trường và quyền lợi của động vật. Khách sẽ ra về với lòng tôn trọng các loài động vật và hiểu rằng mọi sinh vật có quyền có cuộc sống không bạo tàn, không bị khai thác. Hiện nay Trung tâm cứu hộ gấu đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức phi chính phủ và những nhân vật nổi tiếng…
Từ khi thành lập cho đến nay, hàng năm số lượng du khách đến tham quan Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo đều tăng. Điểm du lịch này trở thành một nét mới trên hành trình đến với Vĩnh Phúc, khám phá Tam Đảo của du khách../.
ST