Cập nhật: 18/05/2016 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

5 năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Nhà sàn Bác Hồ

Học tập đạo đức của Người chính là những công việc hàng ngày bằng cái tâm trong sáng, có ích cho đời. Từ thực tế cuộc sống đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng.

Quan điểm vì con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một triết lý nhân sinh cao cả, kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc và nhân loại và thời đại.

Vinh dự được mang họ Bác Hồ, bà Hồ Thị Vôi, người dân tộc Pa Kô ở xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị luôn tự nhủ phải học theo tấm gương của Bác ở tấm lòng nhân ái. Nuôi 4 đứa con nhỏ, gia đình khó khăn, nhưng thấy những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, bà đã đem về nuôi dưỡng. Để nuôi được 10 đứa trẻ, vợ chồng bà trải qua bao cực nhọc, vất vả, chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, lo cho đàn con từ bữa ăn, giấc ngủ. Bao khó khăn, vất vả nhưng với tấm lòng bao dung, nhân ái, bà đã đùm bọc, dạy dỗ các con khôn lớn.

Bà Hồ Thị Vôi bộc bạch: “Gia đình tôi mặc dù khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn ủng hộ, nhận nuôi các cháu. Vì lời Bác đã dạy, chúng ta sống với nhau có tình có nghĩa. Tôi học tập từ Bác về tấm lòng nhân ái. Thấy các cháu mồ côi, không nơi nương tựa, không người thân, tôi và gia đình mong các cháu sống như mọi đứa trẻ khác, được vui chơi, được đi học, được sống hạnh phúc. Tôi không nghĩ được nhiều, chỉ bằng tình yêu thương của người phụ nữ và muốn mình là người mẹ của các cháu”.

Cũng như bà Hồ Thị Vôi, tấm lòng của bác sĩ Trần Thị Hải Vân dành cho bệnh nhân, ai cũng mến phục. Nhớ lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”, bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Hải Vân, Trưởng Khoa Tâm thần trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, luôn thể hiện tình cảm yêu thương của mình với từng bệnh nhân, nhất là đối với trẻ em mắc bệnh tự kỷ.

Bác sĩ Vân sẵn lòng làm cánh tay nâng đỡ, chở che cho những đứa trẻ mắc bệnh. Chưa được đào tạo chuyên sâu về chữa bệnh tự kỷ nên bác sĩ Vân phải tự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về điều trị tự kỷ; từ đó vạch ra kế hoạch giáo dục cho trẻ tự kỷ. Nhiều em mắc bệnh tự kỷ nay đã xuất viện, hòa nhập tốt với cuộc sống.

Bác sĩ Vân tâm sự: “Đối với chúng tôi, công tác tại Bệnh viên tâm thần là một nơi có tính chất đặc thù. Vì vậy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lại càng phải phát huy nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ học Bác phải học rất nhiều, học từ điều nhỏ nhất đơn giản nhất. Chúng tôi có những phong trào phát động học tập Bác từ những quy tắc ứng xử, thái độ tôn trọng yêu thương bệnh nhân, xem bệnh nhân như người ruột thịt của mình”.

Bà Hồ Thị Vôi và bác sĩ Trần Thị Hải Vân là hai trong số nhiều điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, từ miền xuôi tới miền ngược, từ đồng bằng tới những vùng núi xa xôi đã xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Vụ Trưởng, Trưởng bộ phận chuyên trách thực hiện Chỉ thị 03, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, cần nhân lên những tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo đạo đức của Bác.

Bà Phương Hoa nói: “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, xuất hiện rất nhiều tấm gương, những câu chuyện rất cảm động, những việc làm rất bình dị. Vì cuộc sống chung của xã hội, họ đã hy sinh và làm những việc tưởng chừng như không quan trọng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của rất nhiều con người.

Từ đó tạo cho chúng ta một niềm tin rất lớn vào tác dụng của việc học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa cũng như nhân cách tốt đẹp cho con người Việt Nam”./.

Theo Phương Cúc/VOV.VN

Tệp đính kèm