Hơn 95% giáo viên cảm thấy vất vả khi đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Khi không chấm điểm, học sinh lười học hơn còn phụ huynh ít quan tâm đến con.
Thay vì chấm điểm, giáo viên nhận xét phần bài tập của học sinh như thế này
Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT bắt đầu áp dụng từ tháng 10/2014 với việc đổi mới việc đánh giá học sinh Tiểu học không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số.
Theo đó, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; những lời nhận xét động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên...
Việc đánh giá bằng điểm số chỉ được thực hiện thông qua bài kiểm tra giữa và cuối kỳ học. Học sinh sẽ được tổng hợp đánh giá trên cơ sở theo dõi mức độ nhận thức, kỹ năng và điểm số của các bài kiểm tra cuối kỳ.
Sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 30, nhiều nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên đã bày tỏ ý kiến, nhìn nhận lại việc đánh giá học sinh Tiểu học không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số. Vấn đề này được tranh luận sôi nổi tại diễn đàn khoa học “Đánh giá kết quả một năm thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT đánh giá học sinh Tiểu học” (Thông tư 30) do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức ở Hà Nội.
Hơn 95% giáo viên vất vả khi đánh giá học sinh theo Thông tư 30
Thông tư 30 được kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt trong đánh giá học sinh từ nặng về kiến thức sang kỹ năng, năng lực, nhận thức… Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết: Hội đã tiến hành khảo sát ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT.
Qua phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp 630 giáo viên tiểu học ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, có 95,2 % số giáo viên được hỏi đều khẳng định thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn so với trước đây, nhất là với giáo viên ở vùng nông thôn.
582 trong số 630 giáo viên cho rằng, phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 92,47 phút.
Riêng với các giáo viên dạy các môn: Nhạc, mỹ thuật, thể dục thường dạy nhiều lớp và phải nhận xét từ 200-300 học sinh trở lên cho nên rất vất vả và trên thực tế họ cũng không có điều kiện theo dõi từng học sinh. Ví dụ, tại Trường tiểu học thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên dạy Mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét 789 học sinh.
Đáng chú ý, một số thầy giáo, cô giáo cho rằng, việc nhận xét kết quả học tập của học sinh khá khó vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp. Dẫn đến hiện tượng một số giáo viên tìm cách đối phó như đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như bông hoa, ngôi sao, mặt người cười, mếu...
Nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như "em học tốt", "em cần cố gắng hơn"... mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào.
Cha mẹ ít quan tâm đến con, học sinh không chăm học như trước
Qua khảo sát còn cho thấy, không chỉ cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày không nhận được các bằng chứng điểm số về kết quả học tập.
Về phía học sinh, các em không bị áp lực về điểm số nên thoải mái hơn, tự tin hơn, chủ động hơn nhưng không chăm học như trước và thiếu động lực học tập.
Đặc biệt, trả lời câu hỏi: “Thực hiện đánh giá học sinh theo thông tư 30, có khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập không”? có 63,6% số giáo viên được khảo sát trả lời là “không”.
Với câu hỏi: “Sau một thời gian thực hiện đánh giá học sinh theo thông tư 30, tinh thần học tập của học sinh như thế nào”? Có 63,7% cho rằng, học sinh lười học hơn trước, 30,5% cho rằng “bình thường”, chỉ 5,9% cho là “học sinh chăm học hơn trước”.
Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy, đối với cán bộ quản lý đều ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ GD-ĐT là cần tiếp tục thực hiện Thông tư 30. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên (hay giáo viên hỏi về ý kiến cha mẹ học sinh)- những người đang trực tiếp thực hiện Thông tư 30 thì cho rằng, muốn quay về đánh giá bằng điểm số.
Cách thức nhận xét ngắn gọn, chung chung mà nhiều giáo viên Tiểu học đang thực hiện để nhận xét học sinh
Thông tư 30 khó áp dụng đối với sĩ số lớp đến 60 học sinh
Với các ý kiến phát biểu tại diễn đàn, nhiều nhà khoa học đều tán thành, Thông tư 30 là chủ trương tốt và theo xu thế cần thiết phải đổi mới. Tuy nhiên, do triển khai vội vàng, chưa nghiên cứu kĩ nên nhiều điểm còn bất cập cần sửa đổi.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, ông đã đến tận các trường, dự giờ, gặp gỡ giáo viên học sinh và nhận được rất nhiều ý kiến. Trong đó, các cán bộ quản lý cho biết học sinh lười học hơn, nếu không sửa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Việc áp dụng Thông tư 30 rất máy móc, không tính đến điều kiện làm việc của giáo viên nên nhiều lớp học sinh đông, ở miền núi còn tình trạng lớp ghép nên tạo áp lực rất nặng nề cho đội ngũ giáo viên giảng dạy.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết lấy thí dụ, ở Anh, học sinh mỗi lớp tiểu học từ 15- 25 em, do hai cô phụ trách, một cô giáo viên chính, một cô trợ giảng chuyên giúp đỡ học sinh yếu. Lương của cô giáo khoảng 61 triệu đồng/tháng. Trong khi ở ta, nhiều đô thị, số học sinh lên đến 60 em/lớp. Hoàn cảnh như vậy mà bắt giáo viên đánh giá từng em thường xuyên và ghi vào sổ từng nhận xét ấy thì khó kham nổi.
Ngoài ra, việc áp dụng Thông tư 30 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ học sinh đánh giá con như thế nào nên chưa có trường nào áp dụng được việc kết hợp này, đồng thời khiến phụ huynh có tâm lý lo lắng vì không biết học lực của con mình ra sao, cần chỉ bảo hướng dẫn con thêm những gì.
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Đánh giá theo Thông tư 30 khiến kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh không được định lượng, không biết mức độ đạt được khi tham chiếu với chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu cần cơ bản. Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét có thể thiếu tác nhân kích thích hình thành nhu cầu, động cơ học tập của học sinh và động lực dạy của giáo viên.
Trong khi đó, đại diện phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Bích Huệ chia sẻ: Khi thực hiện đánh giá về “Mức độ hình thành và phát triển năng lực” và “Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất” là khó thực hiện vì đó là cả một quá trình lâu dài chứ không thể nhận xét đánh giá hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng…
Trước một số băn khoăn về cách đánh giá mới theo Thông tư 30, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo viên sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, nếu vất vả hơn mà có sự đổi mới, phù hợp với quá trình phát triển thì có thể chấp nhận được.
Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: Nhìn chung giáo viên ngại đổi mới, không muốn thay đổi và thích cho điểm. Thực tế tại một số tỉnh, huyện, xã và các trường, những giáo viên được tập huấn về Thông tư 30 bài bản thì không có băn khoăn, trăn trở điều gì và đều thực hiện tốt.
Tuy nhiên, để Thông tư 30 thật sự hiệu quả cũng cần giảm số lượng học sinh trong lớp. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để trợ giúp cho nền giáo dục. Cùng với việc có một số điều chỉnh để thông tư gắn với thực tế sẽ tạo được sự đồng thuận thực hiện tốt hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam Trần Kiều khẳng định, chủ trương trong Thông tư 30 của Bộ GD- ĐT là đúng và ủng hộ hình thức nhận xét bằng lời hoặc bằng chữ viết. Tuy nhiên, nhận xét như thế nào và làm thế nào để bảo đảm độ tin cậy của những nhận xét ấy là điều cần chú ý.
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương nêu quan điểm, đổi mới phương pháp đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, thay đổi cần phải từng bước, nơi nào có điều kiện thì làm trước, nơi nào chưa có điều kiện thì làm sau. Giáo dục là vấn đề rất nhạy cảm, đụng tới từng gia đình, từng thành viên trong xã hội cho nên khi nhìn nhận điều gì phải rất thận trọng để khi thực hiện cố gắng không phải điều chỉnh.
Bộ Giáo dục nói gì?
Giải đáp những ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Khi áp dụng cái mới, chắc chắn sẽ có nhiều khiếm khuyết. Nhất là khi so sánh với chương trình mới, đã thấy có nhiều điều ở Thông tư 30 cần phải thay đổi. Tuy nhiên, nếu thấy khó mà không làm thì không bao giờ đổi mới được, mà phải bắt tay vào làm mới dần dần tháo gỡ được khó khăn.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học và giáo viên, rút kinh nghiệm để Thông tư 30 được thực hiện ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, điều khó nhất vẫn là đổi mới nhận thức của ngay từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đến các phụ huynh, học sinh.
Một số cán bộ quản lý giáo dục còn chưa tích cực đổi mới trong công tác quản lý chất lượng chuyên môn dẫn đến việc chỉ đạo vẫn gây áp lực, quá tải cho giáo viên. Mặt khác, để thực hiện đổi mới đánh giá thành công đòi hỏi các thầy, cô giáo cũng phải có năng lực để tự chủ bởi nếu không chủ động bắt tay vào làm thì không thể lường trước được hết những khó khăn./.
Theo Bích Lan/VOV.VN