Thành công của cuộc bầu cử không chỉ ở số lượng cử tri đi bầu cao, mà quan trọng là ý thức của cử tri đối với lá phiếu của mình...
Hơn 4 tháng chuẩn bị, kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021- một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị đã chính thức khép lại.
Đây là cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 14 trong lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành của Quốc hội Việt Nam và là lần thứ 2 diễn ra cuộc bầu cử đại biểu dân cử 4 cấp trên toàn quốc. Thành công của cuộc bầu cử không chỉ ở số lượng cử tri đi bầu cao, mà quan trọng là ý thức của cử tri đối với lá phiếu của mình đã có một bước tiến dài với tinh thần “ dân là chủ, dân làm chủ”.
Thật xúc động biết bao khi ngày chủ nhật 22/5 năm nay, trên dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng nhuộm đỏ sắc cờ Tổ quốc. Người miền xuôi cũng như người miền ngược, người lính nơi địa đầu Tổ quốc hay những ngư dân quanh năm bám biển, người công nhân trong nhà máy- xí nghiệp hay nông dân trên ruộng đồng, những em sinh viên lần đầu đi bỏ phiếu hay những người bị tạm giữ, tạm giam… tất cả đều gác lại những công việc thường nhật để thực hiện quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình.
Hầu hết cử tri đều ý thức được rằng: họ cần bầu cho ai và họ mong muốn điều gì cho tương lai của chính mình thông qua mỗi lá phiếu. Trước và trong cuộc bầu cử, nhiều cử tri đã không giấu diếm nói lên nhu cầu của mình về nhà ở, bệnh viện, trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả nông sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động trong hội nhập quốc tế hay giữ gìn biên giới, hải đảo… Họ mong muốn, các đại biểu dân cử phải là những người đầu tiên mà họ tìm đến, khi xảy ra những điều bất trắc, chuyển hóa tiếng nói của họ thành chủ trương, chính sách, pháp luật chứ không phải là “người đến sau” và nói những chuyện “đã rồi”.
Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cử tri cần những người “hết lòng vì nước, vì dân”, được dân tín nhiệm cử ra, thay mặt cho dân để tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội.
Còn Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân thì cho rằng “điều đáng mừng là cử tri đã rất quan tâm chứ không thờ ơ với việc gạch ai, bầu ai. Người ta có sự lựa chọn đắn đo suy nghĩ, cân nhắc thận trọng”. Chính bởi vậy, những ứng cử viên muốn tái cử lần này phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe đó.
Quan sát cuộc bầu cử ở Việt Nam, giới truyền thông quốc tế đã phải thừa nhận, cuộc bầu cử lần này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của người dân đối với tiến trình xây dựng bộ máy nhà nước.
Rất nhiều điểm mới đã được ghi nhận tại cuộc bầu cử lần này như việc tăng tỷ lệ số dư đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, lần đầu tiên vận hành Hội đồng bầu cử quốc gia, công tác kiểm phiếu có sự chứng kiến của ứng cử viên và nhà báo, hay như người bị tạm giam, tạm giữ cũng có quyền bầu cử… Đó chính là những bước cụ thể hóa Hiến pháp 2013- bản Hiến pháp dân chủ, vì con người, tôn trọng quyền con người.
Một cuộc bầu cử diễn ra an ninh, an toàn là điều mà cử tri cả nước mong đợi, bất chấp những lôi kéo, bất chấp những âm mưu phá hoại của các thế lực xấu. Cả hệ thống chính trị từ TW đến địa phương đã vào cuộc, dốc sức, dốc lòng trong nhiều ngày, nhiều tháng. Thực tế đó cũng thể hiện niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền. Hơn thế, nó cũng góp phần giữ gìn hình ảnh của một quốc gia an toàn, ổn định trong mắt bạn bè quốc tế.
70 năm trước, bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, nhân dân ta đã bầu ra Quốc hội đầu tiên, đánh dấu bước phát triển mới của Nhà nước Việt Nam độc lập. Cùng với sự phát triển không ngừng trong mọi lĩnh vực của đất nước, 70 năm sau, cử tri của nước Việt nam độc lập ấy lại ghi thêm những dấu ấn mới về quyền làm chủ của mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn: mỗi lá phiếu là một viên gạch để xây dựng quê hương, đất nước./.
Theo Hương Giang/VOV.VN