Cập nhật: 25/05/2016 08:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sự ra đời và phát triển của mô hình kết hợp quân dân y (KHQDY) là một đặc thù của y tế Việt Nam. Qua hàng chục năm phát triển, đây là một trong những biện pháp quan trọng, là "cánh tay nối dài" trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.

Trao tủ thuốc, dụng cụ cấp cứu trên biển tặng

ngư dân tỉnh Phú Yên chuyên đánh bắt xa bờ.

Những năm gần đây, công tác KHQDY ngày càng được tăng cường với mục tiêu hướng đến là xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân. Chương trình lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang ở các vùng trọng điểm, chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, biên giới, biển, đảo làm nhiệm vụ trọng tâm. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban quân dân y cấp bộ, mười năm qua, Chương trình KHQDY đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội; thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng; xây dựng tiềm lực y tế; góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh gây ra và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2005 - 2015 của chương trình KHQDY là tham gia củng cố y tế cơ sở ở các địa bàn vùng khó khăn. Các hoạt động cụ thể được triển khai như thành lập các phòng khám, bệnh xá quân dân y, hỗ trợ nâng cấp các trạm y tế quân dân y, thành lập và đầu tư cho các bệnh viện quân dân y tuyến tỉnh... Đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng được một hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới. Các phòng khám quân dân y thật sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào và tại đây, các “chiến sĩ áo trắng” quân y, quân dân y đang hằng ngày, hằng giờ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào và giúp người dân phát triển kinh tế. Ngoài công tác khám, chữa bệnh, quân y Bộ đội Biên phòng còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng, chống sốt rét, phòng, chống lao, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); tham gia vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tổ chức cai nghiện ma túy, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình... Tại biên giới biển, trên các đảo quy mô dưới xã, các xã đảo, các phòng khám của quân y biên phòng thật sự là chỗ dựa cho bà con ngư dân trên biển mỗi khi bị bệnh, không chỉ đơn giản là cấp thuốc chữa bệnh và hơn thế là cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở y tế trên đất liền.

Bảo đảm y tế cho nhân dân vùng biển, đảo là một vấn đề hết sức đặc thù, khó khăn, nhưng lại có tính chiến lược trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ban quân dân y cấp bộ đã nghiên cứu, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Đề án đã và đang trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại cho các bệnh viện, trung tâm y tế trên các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô; triển khai hệ thống Telemedicine cho các phòng mổ trên huyện đảo: Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Thổ Chu... Hiện, các đơn vị chức năng cũng đang chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng sáu trung tâm tiếp nhận cấp cứu và điều trị đặc thù cho biển, đảo.

Quá trình triển khai cũng cho thấy KHQDY cũng là giải pháp hiệu quả, đáp ứng kịp thời cho các tình huống đột xuất về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai, thảm họa. Đến nay, các quân khu, địa phương đều xây dựng kế hoạch KHQDY trong phòng, chống dịch bệnh; từ đó, việc huy động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất và phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng đơn vị để tham gia phòng, chống dịch được chủ động hơn và có thể hỗ trợ, kêu gọi hỗ trợ từ các địa phương lân cận. Để chủ động ứng phó đại dịch, bảy bệnh viện dã chiến truyền nhiễm cũng đã được thành lập. Đây là các bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm được thành lập trên cơ sở điều động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc... từ các bệnh viện quân y và các đơn vị quân đội sẵn sàng thu dung, điều trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm hoặc dịch bệnh lạ. Ở tuyến dưới, các địa phương cũng thành lập nhiều tổ, đội cơ động phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó các tình huống.

Đáng chú ý, những năm qua, tình hình thiên tai, thảm họa liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương và quân dân y là lực lượng tiên phong trong cấp cứu, vận chuyển làm giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân. Hàng trăm tổ quân y có mặt kịp thời tại các khu vực trọng điểm, phối hợp y tế các địa phương cấp cứu, điều trị cho nhân dân và làm vệ sinh môi trường; giúp dân sớm ổn định cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở việc tham gia xây dựng, củng cố cơ sở y tế, chương trình KHQDY cũng tập trung đào tạo và nghiên cứu khoa học, đã góp phần quan trọng vào việc bổ sung nhân lực cho ngành y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; đồng thời, đã xây dựng được nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, phù hợp tình hình hiện nay. Học viện Quân y, các trường đại học y, dược trên toàn quốc đã đào tạo hàng trăm bác sĩ theo địa chỉ, tạo nguồn bác sĩ bổ sung cho tuyến y tế cơ sở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Nhiều trạm y tế quân dân y tại khu vực biên giới như: Phòng khám quân dân y khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Phòng khám quân dân y Ba Thu (Long An), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp)... không chỉ bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn mà còn tham gia khám, chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào, Cam-pu-chia...

Trong 10 năm qua, các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu 6.641 người; khám bệnh, cấp thuốc cho 84.072 lượt người; thu dung điều trị 16.018 trường hợp; phẫu thuật 12.550 ca. Lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn, hiệu quả nhiều trường hợp bệnh nhân rất nặng như: đa chấn thương, viêm ruột thừa cấp, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp, tai biến do lặn sâu, tai biến mạch máu não... Bộ Quốc phòng đã điều động 62 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm