Khi đánh bắt khơi xa và hoạt động đơn lẻ, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro. Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) bước đầu đáp ứng được mong mỏi của ngư dân, tạo thêm điểm tựa để bà con an tâm bám biển. Tuy nhiên, là mô hình mới nên hoạt động nđnc hiện còn rất nhiều khó khăn, cần sớm có cơ chế đặc thù.
Các ngư dân hoạt động đơn lẻ đánh bắt ngoài khơi xa sẽ giảm
bớt được nhiều rủi ro nếu được sự hỗ trợ của nghiệp đoàn nghề cá.
Kết nối ngư dân Khánh Hòa có lực lượng lao động trên biển khoảng 60.000 người. Trong đó, có khoảng 10.000 người làm việc trên 900 con tàu khai thác trên vùng biển xa, chủ yếu tập trung ở ngư trường Trường Sa và DK1. Theo nếp cũ, những con tàu này hoạt động đơn lẻ trên biển nên gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro.
Thực hiện chủ trương thành lập NĐNC của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cuối năm 2013, NĐNC phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang được thành lập, với 112 đoàn viên. Sau đó, NĐNC các phường Xương Huân, Vĩnh Thọ và xã Phước Đồng tiếp tục được thành lập. Đến nay, bốn nghiệp đoàn này đã có hơn 1.100 đoàn viên, tăng gần gấp đôi so với lúc mới thành lập.
Ông Huỳnh Văn Dạ, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang, chủ tàu KH-96599 TS công suất 820 CV cho biết: "Tham gia NĐNC, khi đánh bắt, đoàn viên được tổ chức theo tổ, đội để tiện hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khi tìm nguồn cá cũng như trong những lúc bị sự cố trên biển. Thí dụ như một tàu bị hỏng máy, anh em trong tổ, đội chạy tới giúp đỡ phụ tùng, cách khắc phục, sửa chữa. Chúng tôi yên tâm hơn trước khi ra khơi". Chủ tịch NĐNC phường Vĩnh Thọ Nguyễn Văn Tính chia sẻ: “Công việc nghiệp đoàn mới mẻ quá. Chúng tôi phải học tập rất nhiều. Nhưng được sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên, NĐNC chúng tôi đang từng bước ổn định. Hiện nay, nghiệp đoàn chia thành sáu tổ, đội, đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng vươn khơi. Hiệu quả thấy rõ, năng suất lao động tăng lên, hoạt động khai thác tốt hơn. Trước đây, mạnh ai nấy làm, nhiều tàu gặp luồng cá nhiều, đánh không hết, bỏ đi rất uổng. Nay anh em trong nghiệp đoàn ới gọi nhau, đến cùng khai thác. Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân trên địa bàn phường vào sinh hoạt trong nghiệp đoàn. Và ngày càng có nhiều ngư dân muốn vào nghiệp đoàn với chúng tôi”.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hòa, NĐNC ra đời nhằm tạo nơi sinh hoạt, kết nối ngư dân trong sản xuất cũng như trong đời sống. Qua thực tế, nghiệp đoàn nắm bắt thuận lợi, khó khăn; tâm tư nguyện vọng; đồng hành, giúp đỡ ngư dân an tâm bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển. Đến nay cả bốn NĐNC của Khánh Hòa đều đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, nội dung sinh hoạt; tập trung xây dựng tổ chức nghiệp đoàn, chăm lo đời sống đoàn viên; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khai thác hải sản của các thuyền viên và chủ tàu; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới, tình hình thời sự biển, đảo... Cần có cơ chế đặc thù
Có thể nói, bước đầu, NĐNC đáp ứng được mong mỏi của bà con ngư dân về một tổ chức của riêng mình, không chỉ xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa chủ tàu với người lao động mà còn đại diện cho mình trong các mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hòa, là mô hình mới nên hoạt động của NĐNC còn rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như về sinh hoạt, với đặc thù làm nghề khai thác hải sản xa bờ, mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ 20 đến 25 ngày, việc duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng là rất khó khăn. Hoặc như kinh phí hoạt động của các nghiệp đoàn chủ yếu dựa vào nguồn thu đoàn phí, với mức thu từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/người/tháng. Số này chỉ đủ sử dụng thăm hỏi đoàn viên, chưa đủ để mở rộng hoạt động.
Để NĐNC phát huy được vai trò của mình trong mọi tình huống, ông Hòa cho rằng, cần xác định rõ NĐNC không phải là một tổ chức bình thường trong hệ thống tổ chức công đoàn, bởi, những đoàn viên của tổ chức này vừa lao động sản xuất, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việc làm thế nào để ngư dân liên kết thật tốt, khai thác thật tốt nguồn tài nguyên biển quốc gia; làm thế nào để ngư dân hỗ trợ nhau thật tốt để tự vệ hiệu quả khi gặp bất trắc trên biển cũng như sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo... đang là những câu hỏi lớn cầu sự trả lời cụ thể, rõ ràng để hoạt động NĐNC không theo hướng hành chính hóa, không rơi vào hình thức. Không chỉ vậy, NĐNC cần xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng như ngành thủy sản, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng... để tạo sự gắn kết chặt chẽ trong hoạt động, tạo được sức mạnh tổng hợp trên biển.
NĐNC trực thuộc tổ chức công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực thủy sản, song, do tính chất đặc thù như trên đã nói, NĐNC cần sự quan tâm của chính quyền, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần cho hoạt động NĐNC. Các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân chung tay giúp sức, tạo điều kiện thật tốt để lực lượng đoàn viên NĐNC yên tâm vươn khơi, bám biển.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hòa cho biết: Thời gian tới, nhiệm vụ của các cấp công đoàn là tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cá nhân, đoàn viên, người lao động chung tay giúp sức để ngư dân an tâm bám biển. Đồng thời, hỗ trợ phát triển vững mạnh các NĐNC đã thành lập; tiếp tục hình thành thêm các NĐNC ở TP Cam Ranh, các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Từ đó, tạo nhiều điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.
Theo nhandan.com.vn