Cập nhật: 27/05/2016 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi trường đại học giảm xuống còn một nửa so với năm 2015.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia 2016, các trường đại học, cao đẳng và Sở Giáo dục- Đào tạo địa phương đang gấp rút hoàn thành các khâu chuẩn bị theo kế hoạch, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cả nước có 120 cụm thi, gồm 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi do các Sở Giáo dục -Đào tạo chủ trì. Hiện Bộ Giáo dục -Đào tạo đã tổng hợp và gửi dữ liệu thí sinh đăng ký dự thi cho các đơn vị phụ trách cụm thi để xếp số báo danh và xây dựng phương án tổ chức thi chi tiết. Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm so với năm 2015, trong khi cụm thi do các trường đại học chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên công tác tổ chức thi ở các cụm thi này đều nhẹ nhàng hơn.

Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cụm thi do trường đại học chủ trì giảm xuống còn một nửa so với năm 2015 và số lượng thí sinh dự thi ở mỗi cụm cũng giảm nhiều. Vì vậy, việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực cho kỳ thi này của các trường đại học chủ trì cụm thi cũng thuận lợi hơn.

Ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, đơn vị phụ trách cụm thi số Ba tại Hà Nội cho biết: Trường Đại học Thủy lợi năm nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho phụ trách cụm thi số 3, gồm có 3 quận và 3 huyện. Cụm thi năm nay với số lượng thí sinh cũng khoảng độ 16.000 đến 17.000 và công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, văn phòng phẩm đều được nhà trường chuẩn bị gần như hoàn tất, không có khó khăn gì. Về công bố điểm thi, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của chúng tôi rất mạnh. Hiện nay, nhà trường có 4 đường truyền Leased Line, đảm bảo đủ cho mấy chục nghìn thí sinh đăng nhập cùng lúc.

Đối với các cụm thi do trường đại học chủ trì ở các tỉnh cũng hoàn thành phương án chọn địa điểm thi, bố trí nhân lực tham gia công tác coi thi, chấm thi. Với các cụm thi có dưới 10.000 thí sinh, điểm thi đều được bố trí tại trung tâm tỉnh lỵ, tạo thuận lợi trong công tác tổ chức thi, cũng như bố trí chỗ ăn ở cho thí sinh, người nhà thí sinh và cán bộ làm công tác coi thi.

Ở một số cụm thi có trên 10.000 thí sinh như Nghệ An (hơn 21.500 thí sinh), Thanh Hóa (hơn 20.000 thí sinh)..., các điểm thi được bố trí rộng ra các huyện lân cận, nhưng đều đảm bảo thuận tiện trong việc đi lại và có chỗ ăn ở cho thí sinh.

Tại các cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, điểm thi được bố trí đều ở huyện, thị xã để thí sinh không phải di chuyển quá xa tới điểm thi. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết, cụm thi do Sở chủ trì có 24 điểm thi ở 11 huyện, thị xã, với hơn 200 phòng thi.

Dự kiến, Hòa Bình sẽ huy động khoảng 1.000 cán bộ, giáo viên, công an... tham gia tổ chức kỳ thi này. Do cụm thi được bố trí rải đều ở tất cả các huyện, thị xã nên việc tổ chức ăn, ở cho cán bộ coi thi sẽ vất vả hơn.

Ông Nguyễn Quang Vinh nói: “Với các học sinh thì nếu phải di chuyển quá xa thì nơi ăn chốn ở rất khó. Chính vì vậy, có những điểm thi chỉ khoảng 4 phòng thi, phục vụ cho khoảng 100 em học sinh. Bởi vì cách huyện lỵ khoảng 60 km, về huyện lỵ thì không có chỗ ăn chỗ ở, mà các cháu đi quá xa như thế thì cũng rất khó khăn cho người nhà. Hiện nay, chỗ ăn chỗ ở cho các thầy cô giáo khi lên làm việc thì chúng tôi có hệ thống nhà công vụ. Cũng có thể có một số khó khăn nhất định thì các thầy cô giáo sẽ phải ở ngay ở phòng học, nhưng chúng tôi sẽ nhờ chính quyền địa phương có những trang thiết bị tối thiểu để ăn, ở”.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành đầy đủ các quy chế, văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi, đồng thời tổ chức tập huấn về tổ chức thi, chấm thi... cho các Sở Giáo dục- Đào tạo, trường đại học, cao đẳng tham gia tổ chức thi.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Về cơ bản, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đã tương đối đầy đủ. Sở Giáo dục -Đào tạo các địa phương cũng báo cáo đầy đủ về việc bố trí giáo viên coi thi, chấm thi; các trường ĐH cũng khảo sát địa điểm đặt điểm thi tại các tỉnh. Các trường đại học chủ trì cụm thi và các Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với nhau để trình UBND tỉnh thành lập các Ban chỉ đạo thi tại tỉnh để chỉ đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh phối hợp với trường đại học tổ chức tốt kỳ thi.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, làm việc với một số địa phương nhằm hỗ trợ giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong công tác chuẩn bị tổ chức thi./.

Theo Minh Hường/VOV.VN

Tệp đính kèm