Theo truyền thuyết dân gian vùng đất tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Sách “Truyền thuyết Hùng Vương” ghi sự tích hát Xoan như sau: “Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được, vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời, miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún, ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ, vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương, Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là hát Xuân”. Sau này vì kiêng tên húy các vị thành hoàng ở một số làng nên hát Xuân được gọi chệch là hát Xoan. Từ đó điệu hát Xoan được truyền rộng rãi trong dân chúng, nhất là nam nữ thanh niên và được tổ chức thành phường hát, đi hát ở các đình, các lễ hội trong và ngoài địa phương. Mỗi phường xoan đều có một ông trùm đứng đầu. Ông trùm là người có kinh nghiệm hát Xoan và giỏi chữ Hán/Nôm. Phường Xoan luôn được duy trì từ 15 đến 18 người. Trừ ông trùm, các thành viên trong phường thường là thanh niên từ 16 đến 18 tuổi. Trong phường hát Xoan, người con trai được gọi là Kép, người con gái được gọi là Đào. Trong khi hát, Kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; Đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa,… Ngoài ra, khi phường Xoan được mời đến trình diễn nơi khác, trong phần hát hội còn có sự tham gia của trai, gái đại diện cho cộng đồng sở tại.
Hát Xoan
Từ vùng đất tổ Hùng Vương, điệu hát Xoan đã lan tỏa đi các vùng lân cận, trong đó có làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường. Cũng giống như ỏ Phú Thọ, hát Xoan ở làng Hoàng Thượng có 3 hình thức chính: Hát thờ cúng các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội (là hình thức để nam nữ giao duyên). Âm nhạc trong hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm. Giai điệu mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói. Nhạc cụ trong hát Xoan rất đơn giản, chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Bài hát được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Trong khi hát còn có các điệu múa kết hợp cùng với việc sử dụng các đạo cụ như: Quạt, phách tre, nậm rượu… Lời hát thường được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ.
Hát Xoan ở đình Hoàng Thượng
Theo các cụ cao niên làng Hoàng Thượng thì trước kia, theo lệ, cứ vào dịp làng Hoàng Thượng mở hội khai xuân (từ mồng 7 - 10 tháng Giêng hàng năm), phường Xoan làng Phù Ninh, xã Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ về hát tại đình Hoàng Thượng. Bởi lẽ đó, có rất nhiều người ở làng Hoàng Thượng được đóng Đào, Kép để hát giao lưu. Ngoài việc hát vào các ngày lễ hội, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở Hoàng Thượng cũng mời phường Xoan ở Phù Ninh về hát những lúc có việc vui nên mối quan hệ giữa hai làng rất thân thiết, gắn bó.
Đình Hoàng Thượng
Tuy nhiên, đến thời kỳ đất nước có chiến tranh, phường Xoan Phù Ninh không còn tổ chức hát ở Hoàng Thượng được như trước đây; cũng từ đó loại hình nghệ thuật hát Xoan ở Hoàng Thượng dần mai một. Hiện nay, làng Hoàng Thượng chỉ còn 10 Đào nữ (đều là các cụ từ 60 đến 85 tuổi) và không còn Kép nam. Người thuộc nhiều bài hát nhất trong số các Đào nữ trước đây là cụ bà Lưu Thị Huyền, hiện nay đã 85 tuổi, khỏe mạnh và vẫn có khả năng truyền dạy loại hình nghệ thuật này. Các Đào nữ làng Hoàng Thượng còn nhớ được một số bài hát Xoan cổ như: “Mừng Vua”, “Mừng đình - Mừng dân”, hát đúm, hát đối đáp, giao duyên…
Trình diễn hát Xoan
Khúc hát rước Vua (rước Thành Hoàng từ miếu về đình trong dịp lễ hội khai xuân tháng Giêng hàng năm) có lời như sau:
Tam Thanh một cánh huê mua, dân ta là ta thi đỗ ấy mấy rước vua về thờ
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Tam Thanh một cánh huê vàng, dân ta là ta thi đỗ ấy mấy cả làng quận công
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Tam Thanh một cánh huê vông, dân ta là ta thi đỗ ấy mấy quận công rước về
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Tam Thanh một cánh huê chè, dân ta là ta thi đỗ ấy mấy ông nghè quận công
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Tam Thanh một cánh huê quỳ, dân ta là ta thi đỗ ấy mấy vinh quy rước về
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Tam Thanh một cánh huê nghề, dân ta là ta thịnh vượng ấy mấy đuề huề phúc ông
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Tam Thanh một cánh huê hiên, dân ta là ta thi đỗ ấy mấy quan viên đuề huề
Len lấy len là len lấy hồ là len, ớ len la len lấy hồ là len,
Rô hò là rô lên vậy ê hề ối a là a
Bài hát “mừng Vua” (được hát khi rước Vua về đến đình làng):
Thơ nhang rằng công minh chính trực
Vị vi thần biến hóa vô cùng,
Đức tại tâm người cầu lấy phúc
Sắc phong choi chói đệ nhất Vua đây,
Sách có chữ rằng sĩ nhiệm khuông vô biên giới
Con chúc Vua trăm tuổi Người ngự ngai vàng
Bài “Mừng đình - Mừng dân”:
A bước sang năm mới tháng xuân, dân ta có tiệc thờ thần nghiêm trang
A nhắc trông lên thấy bốn chữ vàng “Thánh cung vạn tuế” mừng làng hôm nay
A nghìn vàng chất lại thành cây, muôn thu chất lại xem tày đế đô
A hoa kia nở bên Ngô, khen ai khéo họa địa đồ hoa mới bay sang
A chúc mừng các cụ hai hàng, con xin chúc bài hoa nở, hoa kia nhí nụ lại nở ra hoa
A nghiên bút khai hoa, ngoài tô phấn bảng, chỉ thêu nên hạc lại hóa đôi rồng
A con mừng các cụ ông lên trăm tuổi lẻ, năm nay Quý Tị là niên, nhà Vua kéo bảng nên đền khoa thi.
A đôi bên văn võ chầu về, nhà vua kéo bảng nên thi ba ngày
A thơ phú rằng khen văn là hay, nhà vua kéo bảng găng tay đề huề
A đồn rằng kẻ chợ nhà quê, đồn rằng Hoàng Thượng hữu dư anh tài, trai thì bước lên lâu đài, lại đỗ quan tú quan cai trong triều
A con lại mừng dân làng ta đây, vua chuộng chúa yêu, đã lắm quan võ lại nhiều quan văn
A con lại mừng dân làng ta đây có tiệc thờ thần, đứng lại dần dần làm lễ nghiêm trang
A con lại mừng đình dân ta đây, tựa mái hướng Nam, long chầu hổ phục song loan chầu về
A con lại mừng dân làng ta đây của cái đầy khê, dân khang vật thịnh bốn bề giàu sang
Với tâm tưởng luôn nhớ về loại hình nghệ thuật dân dã truyền thống, hiện nay các Đào nữ ở Hoàng Thượng đang dần truyền lại các bài hát Xoan cổ cho các thế hệ sau; câu lạc bộ hát chèo xã Kim Xá cũng đang tìm hiểu, tiếp cận để học hát Xoan với mong muốn, các điệu hát Xoan sẽ được ngân vang trong lễ hội, hoạt động văn hóa ở Hoàng Thượng - Kim Xá như truyền thống xưa kia. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền và nhân dân địa phương - những chủ nhân của loại hình di sản văn hóa độc đáo này.
ST