Mới đây, trang tin cogitASIA thuộc Chương trình châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Mỹ, đã đăng bài của giáo sư sinh thái và sinh học biển tại Đại học Miami, Mỹ, John McManus với nhan đề "Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo như thế nào."
Tàu nạo vét, bồi lấp trái phép của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: EPA)
Trong bài viết tác giả đã phân tích làm rõ cách Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô xinh đẹp tại Biển Đông.
Theo bài viết, các rạn san hô cấu thành một trong các hệ sinh thái đa dạng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên thế giới. Trên thực tế, các rạn san hô là nơi cư trú của hàng nghìn loài sinh vật biển, cung cấp lương thực cho hàng triệu người đồng thời có thể giúp làm giảm những tác động xấu của thời tiết khắc nghiệt tới cuộc sống của người dân ven biển.
Thật không may, các rạn san hô trên thế giới đang bị xuống cấp nghiêm trọng, hiện thế giới đã mất khoảng 19% diện tích san hô, khoảng 60%-75% đang chịu tác động trực tiếp từ con người.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn tại của các rạn san hô và vấn đề ô nhiễm môi trường, các hoạt động đánh bắt cá… cũng có những tác động không nhỏ tới các rạn san hô trên thế giới.
Các rạn san hô tại các đảo san hô và ở các khu vực đảo xa đất liền trước đây vốn ít bị tác động trực tiếp bởi con người vì chúng nằm ở những khu vực tách biệt và cách xa nơi con người sinh sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các rạn san hô này đã và đang bị tổn thương nghiêm trọng vì chúng nằm ngay tại các khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị và quân sự.
Các hoạt động nạo vét, tôn tạo đảo nhân tạo tại khu vực Biển Đông là ví dụ điển hình. Tại đây, các hoạt động tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo và nạo vét các kênh tại khu vực các đảo san hô đã gây ra những thiệt hại đáng kể đối với hệ sinh thái cùng các rạn san hô độc đáo, những thiệt hại đó có lẽ sẽ khó có thể phục hồi được theo thời gian.
Theo bài viết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các hoạt động tôn tạo, nạo vét là những hoạt động gây nguy hại nhiều nhất đối với các rạn san hô. Trước hết, các hoạt động nạo vét không chỉ hủy diệt các rạn san hô tại các khu vực nạo vét mà còn làm ảnh hưởng đến phần lớn các rạn san hô xung quanh. Bên cạnh đó, việc phục hồi của các rạn san hô từ chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các hoạt động nạo vét là rất chậm, thậm chí không thể phục hồi.
Đầu những năm 1940, Bermuda, quốc đảo tự trị của Anh ở Bắc Đại Tây Dương, đã tiến hành các hoạt động tôn tạo xây dựng sân bay, hoạt động này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các rạn san hô tại đây, đến nay các rạn san hô tại đây thậm chí vẫn chưa hết bị ảnh hưởng. Việc tôn tạo cũng đã làm một số loài cá tại khu vực bị tuyệt chủng. Điều này cho thấy việc nạo vét, tôn tạo đảo là những tác động gây ra nguy hiểm nhiều nhất cho các rạn san hô.
Những tác động của việc nạo vét tại quần đảo Trường Sa hiện đang làm dấy lên quan ngại đặc biệt của dư luận, vì các đảo san hô ở đây có chức năng kết nối giữa các rạn trong toàn khu vực và sự đa dạng sinh học cao tại đây chính là điều kiện đảm bảo cho cho nhiều loài sinh vật tại đây tồn tại. Các nhà khoa học chứng minh rằng, một thuộc tính quan trọng của các đảo san hô ở Biển Đông là sự đa dạng của các loài sinh vật.
Tại các đảo san hô, có tới hơn 6.500 loài sinh vật biển đã được ghi nhận, trong đó có khoảng 571 loài cư ngụ trong các rạn san hô, chiếm hơn một nửa số loài sinh vật cư trú tại các rạn san hô được biết đến trên thế giới. Sự phát triển và đa dạng cao của các rạn san hô ở Biển Đông thể hiện sự độc đáo của các rạn san hô tại đây và vai trò quan trọng của chúng đối với toàn bộ hệ thống san hô trong khu vực. Bên cạnh đó, các đảo san hô còn được xem là nơi cư trú an toàn cho một số loài sinh vật biển có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
Như vậy, các hoạt động nạo vét ở Biển Đông không chỉ đe dọa làm loài tuyệt chủng nhiều loài sinh vật biển mà còn vi phạm các cam kết của các nước trong khu vực về việc bảo tồn đa dạng sinh học quy định tại Công ước về dạng sinh học và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Dữ liệu viễn thám gần đây cho phép định lượng sự mất mát của các rạn san hô do các hoạt động tôn tạo ở quần đảo Trường Sa gây ra. Tại thời điểm trước cải tạo, hầu hết các đảo san hô đều ngập nước, diện tích nổi trên mặt nước tại các đảo san hô này hầu như không có. Ước tính, để bồi đắp được 10.7 km2 diện tích đảo nhân tạo, Trung Quốc đã hủy hoại một khu vực diện tích san hô rộng lớn lên tới 11,6 km2. Diện tích đất tôn tạo trên thực tế nhỏ hơn so với diện tích rạn san hô bị phá hủy vì các rạn san hô mất đi không chỉ do các hoạt động cải tạo đất gây ra mà còn do các hoạt động nạo vét các lạch nước cho tàu thuyền ra vào các khu vực này.
Các hoạt động bồi đắp, nạo vét tại các rạn san hô là nguyên nhân gây ra những tác động nghiêm trọng nhất, vì các hoạt động này được thực hiện bằng phương tiện hút nạo vét, tức là, cắt và hút các vật liệu từ dưới đáy biển và bơm chúng lên để bồi đắp tạo thành đất nổi trên mặt nước biển. Với cách làm này, các rạn san hô sinh thái sẽ bị suy thoái thậm chí bị hủy diệt hoàn toàn.
Ngoài ra, hoạt động nạo vét và bơm hút cũng làm nhiễu loạn đáy biển, có thể tạo ra các dòng cát chảy, có thể gây ra hiện tượng dò rỉ từ các khu vực đã được bồi đắp, do đó có thể tạo ra những đám mây lớn phù sa lớn bao phủ và làm tổn thương các rạn san hô trên đường chúng đi qua.
Các dòng chảy của cát cũng có thể mài mòn các rạn san hô làm ảnh hưởng tới sự sống của vô số các loài sinh vật biển. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của các ấu trùng san hô mới. Đó là lý do tại sao không thấy có dấu hiệu phục hồi tại các khu vực nạo vét mặc dù chúng đã chấm dứt sau nhiều thập kỷ. Hơn nữa, những rạn san hô bị san lấp để xây dựng các đảo nhân tạo sẽ dần bị xuống cấp theo thời gian, dẫn đến hiện tượng sụt lún, tích tụ do đó những những hoạt động bồi đắp và nạo vét tại các đảo nhân tạp sẽ thường xuyên diễn ra và những rạn xung quanh sẽ có thể phải đối mặt với các hoạt động tôn tạo, nạo vét mãn tính và chịu thiệt hại sinh thái lâu dài.
Bảo vệ các rạn san hô là đòi hỏi cấp bách, là trách nhiệm của mọi người và cần sự chung tay của tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. Tại Trường Sa, hoạt động đơn phương của các bên tranh chấp rất dễ tạo ra xung đột quốc tế, từ đó có thể gây ra hậu quả khó lường cho hệ sinh thái nơi đây, đồng thời gây thiệt hại không thể phục hồi đối với các rạn san hô được coi là tài sản thiên nhiên độc đáo của khu vực và thế giới. Do đó, cần có phương pháp tiếp cận đa quốc gia để giải quyết vấn đề này.
Một trong những khả năng mà các quốc gia có thể nghiên cứu tham gia là thiết lập một khu bảo tồn biển đa quốc gia tại khu vực tranh chấp. Điều này có thể giúp bảo vệ đa dạng sinh học biển đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình trong khu vực. Việc các quốc gia tham Công ước quy định về bảo tồn các nguồn lợi ở biển Nam Cực là một tiền lệ thành công có thể nghiên cứu để áp dụng để bảo vệ hệ sinh thái ở Biển Đông./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-huy-diet-cac-ran-san-ho-o-bien-dong-de-xay-dao-nhan-tao/388734.vnp