Theo các chuyên gia Mỹ, có ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua tại ĐBSCL.
Hội thảo về biến đổi khí hậu và hạn hán tại Việt Nam,
do Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) tổ chức.
Đảm bảo hệ thống giữ nước tự nhiên, kết hợp giữa trồng lúa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản là những giải pháp được các chuyên gia Mỹ đề xuất nhằm đối phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là nội dung thảo luận chính của một hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) tổ chức gần đây về biến đổi khí hậu và hạn hán tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia Mỹ, có ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong 100 năm qua tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nguyên nhân lớn nhất là hiện tượng thời tiết bất thường El Nino, khiến lượng mưa ít hơn, đẩy mực nước sông Mekong xuống rất thấp.
Nguyên nhân thứ hai và cũng sâu xa hơn chính là sự quản lý yếu kém về nguồn nước, từ hệ thống thủy lợi cho đến các nhà máy thủy điện. Hệ thống giữ nước tự nhiên tại khu vực Đồng Tháp Mười và Long Xuyên vốn thường xuyên trữ một lượng nước lớn trong suốt mùa mưa cho đến mùa khô đã cạn kiệt do bị sử dụng quá mức cho sản xuất lúa gạo.
Yếu tố thứ ba là các đập thủy điện của Trung Quốc tại thượng nguồn sông Mekong. Ông Brian Eyler, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson cho biết: “Các đập này đang giữ lượng nước gấp hai lần vịnh Chesapeake, một vịnh lớn nằm gần thủ đô Washington của Mỹ. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong thời gian qua cũng khiến các nhà máy thủy điện sản xuất ít điện hơn, do đó lượng nước chảy qua các đập này cũng giảm”.
Tuy nhiên, ông Eyler cũng nêu rõ là tác động của các đập thủy điện Trung Quốc lớn tới mức nào thì cần phải có những nghiên cứu khoa học cụ thể. Không chỉ ảnh hưởng đến mực nước của sông Mekong, các đập thủy điện của cả Trung Quốc và Việt Nam còn giữ lại một lượng phù sa rất lớn, khiến đất canh tác tại ĐBSCL trở nên thiếu dinh dưỡng.
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, Richard Cronin cho biết: “Các đập thủy điện khổng lồ tại Vân Nam, Trung Quốc cản lại tới 8% lượng phù sa chảy qua sông Mekong từ Vân Nam vốn rất cần thiết cho sự bồi đắp cũng như tăng độ màu mỡ của ĐBSCL hàng năm. Điều tương tự cũng diễn ra đối với một số đập thủy điện trên các con sông như Sekong và Serepok tại Tây Nguyên.”
Theo các chuyên gia Mỹ, Việt Nam và các nước nằm tại hạ nguồn sông Mekong cần đề nghị các nhà máy thủy điện Trung Quốc thông báo về kế hoạch xả nước cụ thể để có thể chủ động điều tiết nguồn nước. Trước ý kiến cho rằng đây là giải pháp bị động và thiếu bền vững, chuyên gia Brian Eyler nhận định khả năng Trung Quốc không xả nước trong một thời gian dài vì một lý do nào đó là khó khả thi.
Ông Brian Eyler nói: “Đây là vấn đề khu vực. Trung Quốc không thể giữ mãi nước vì dưới hạ lưu không chỉ có Việt Nam mà còn có Lào, Thái Lan và nhiều nước khác. Vì vậy, giải pháp tối ưu ở đây là thảo luận với Trung Quốc để điều tiết lưu lượng nước xả từ thượng nguồn sông Mekong. Hơn nữa, các công ty thủy điện Trung Quốc cũng phải xả nước để sản xuất điện cho mục đích kinh tế. Đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều bên.”
Về giải pháp cải thiện nguồn nước dự trữ tự nhiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng cần giảm tốc cuộc chạy đua tăng sản lượng lúa tại ĐBSCL, đồng thời dỡ bỏ hệ thống đê bao ngăn lũ được xây dựng để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ. Do hệ thống đê này ngăn nước lũ vào hai vùng trữ nước rất quan trọng là Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên nên lượng nước ngọt tại chỗ không đủ để sử dụng cho canh tác vào mùa khô cũng như để đẩy lùi nước mặn xâm nhập.
Theo các chuyên gia Mỹ, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt sẽ thường xuyên hơn nhưng đây là vấn đề toàn cầu và cần giải pháp lâu dài. Việc cần làm trước mắt là hạn chế những ảnh hưởng do con người trực tiếp gây nên, chẳng hạn như thủy điện. Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, Richard Cronin cho biết:
“Thủy điện tạo ra năng lượng nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh lương thực. Cá không thể vượt qua đập để vào sông sinh sản, phù sa ngày một giảm. Chúng ta không tẩy chay thủy điện nhưng vấn đề ở đây là xây ở đâu, số lượng như thế nào, có giải pháp nào thay thế không?”
Các chuyên gia Mỹ cũng khuyến nghị ĐBSCL cần tìm cách thích nghi với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn, chẳng hạn như đưa vào các loại giống cây trồng có khả năng chống chọi với điều kiện nước nhiễm mặn và đất ít dinh dưỡng hơn. Nuôi trồng thủy sản, bao gồm nuôi tôm cũng được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhưng quan trọng nhất vẫn là kết hợp giữa trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.
Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, Brian Eyler phân tích: “Không phải tất cả mọi người đều có thể nuôi tôm. Nuôi tôm cũng có các tác động tiêu cực đến môi trường vì các vật tư đầu vào trong quá trình sản xuất. Nuôi tôm phải sử dụng nhiều loại thức ăn nhập khẩu trong khi trồng lúa lại được nội địa hóa nhiều hơn. Nếu tất cả mọi người ở đây đều nuôi tôm cả thì dĩ nhiên là giá tôm sẽ xuống thấp và cách thức này sẽ trở nên kém hiệu quả hơn so với việc kết hợp giữa nuôi cá, tôm với trồng rau và các loại cây trái có giá trị cao như dưa hấu, đu đủ…"
Ngoài ra, du lịch sinh thái cũng là một thế mạnh mà người dân địa phương cần phát huy tối để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng di cư lên thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống./.
Theo Nhật Quỳnh, Vũ Hợp/VOV.VN - Washington