Cập nhật: 03/06/2016 08:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một nghiên cứu mới đây cho thấy không chỉ tuổi tác , lối sống của người mẹ khi mang thai có ảnh hưởng tới thai nhi và sức khoẻ của đứa trẻ sau khi ra đời mà điều này cũng có ý nghĩa tương tự trong mối quan hệ cha- con.

Được công bố trên tạp chí American Journal of Stem Cells  mới đây, nghiên cứu cho thấy rằng tuổi của  người cha, tình trạng uống bia rượu, chế độ ăn, thể trạng cân nặng và tình trạng căng thẳng tâm lý có thể ảnh hưởng đến nguy cơ dị tật bẩm sinh ở đứa con. Nhóm nghiên cứu đạt được kết luận này sau khi tiến hành rà soát các nghiên cứu trước đây đã điều tra mối liên hệ giữa người cha và những biến đổi gen di truyền ở cả người và động vật. Qua đó, Joanna Kitlinska, nữ tiến sĩ, phó giáo sư hóa sinh và sinh học phân tử và tế bào tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown ở Washington, DC, Hoa Kỳ và các đồng nghiệp đã xác định một số yếu tố có thể ảnh hưởng sự phát triển của đứa con ngay từ khi hoài thai.

Tuổi càng lớn càng có nguy cơ

Nhiều bằng chứng cho thấy,  độ tuổi của người cha khi thụ thai có tác động tới việc con cái mang dị tật bẩm sinh, mắc chứng tự kỷ, hoặc bệnh tâm thần phân liệt sau này.

Rượu bia không chỉ có hại cho sức khoẻ của cha

Chúng ta đều biết việc lạm dụng rượu bia có hại ra sao cho sức khoẻ. Nhưng các nghiên cứu còn cho thấy mối liên quan của thói quen nhậu nhẹt này  ở người cha đối với một số tình trạng xấu về sức khoẻ  của con cái họ. Đó là tình trạng nhẹ cân của trẻ khi ra đời, cũng như việc giảm kích thước não  tổng thế và suy giảm chức năng nhận thức.

Cha béo phì, con cũng dễ béo phì

Nghiên cứu còn cho thấy, nếu người cha bị béo phì rất có khả năng dẫn tới nguy cơ  béo phì ở con cái. Theo đánh giá, đi cùng với béo phì là rối loạn chuyển hoá, tiểu đường,thậm chí phát triển bệnh ung thư não. Ngược lại, có các bằng chứng cho thấy, nếu ngày từ thời niên thiếu, người cha có chế độ ăn uống lành mạnh có thể giảm đáng kể nguy cơ con cái họ sau này tử vong vì bệnh tim mạch.

Stress và khiếm khuyết hành vi

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy rằng sự căng thẳng tâm lý của cha có thể làm tăng nguy cơ con cái có những khiếm khuyết về hành vi sau này.

Việc đời sau thừa hưởng phần nào từ đời trước các đặc điểm như trọng lượng, chiều cao, mức độ nhạy cảm với bệnh tật, tuổi thọ hay thậm chí là trí thông minh thuộc lĩnh vực nghiên cứu về di truyền học. Và kết quả của nghiên cứu trên được giải thích bởi một quá trình được gọi là di truyền biểu sinh. Môi trường sống, lối sống của một cá nhân sẽ tác động tới hệ gen biểu sinh, trực tiếp ảnh hưởng và làm  thay đổi AND , thay đổi di truyền biểu sinh cho tới các thế hệ sau. Điều này đã được chứng mình trong các nghiên cứu về các dấu hiệu di truyền biểu sinh từ mẹ. Giờ đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các thao tác trong quá trình di truyền biểu sinh khi sản xuất tinh trùng ở chuột có sự ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái qua nhiều thế hệ. Nghiên cứu của Kitlinska và đồng nghiệp đưa ra một kết luận:  Tuổi khi thụ thai, lối sống và tình trạng  phơi nhiễm môi trường của người cha hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con mình, và thậm chí cả cháu của mình.

"Chúng tôi đã biết các môi trường dinh dưỡng, nội tiết tố và tâm lý được cung cấp bởi người mẹ vĩnh viễn làm thay đổi cấu trúc cơ quan, phản ứng tế bào và biểu hiện gen ở con. Và giờ đây, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điều tương tự : Người  cha với lối sống của mình có thể được phản ánh trong phân tử kiểm soát chức năng của gen. Bằng cách này, một người cha có thể ảnh hưởng đến không chỉ đời con của mình, mà cả các thế hệ tương lai. "-  TS Joanna Kitlinska  kết luận .

Nghiên cứu này đem đến khuyến cáo cho ai muốn có những người thừa kế mạnh khoẻ bằng cách thay đổi lối sống của chính mình.

Minh Tuấn

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm