Cập nhật: 03/06/2016 08:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lên Tam Đảo, thích nhất là đi xe máy, bởi Tam Đảo quá gần, chỉ cách Hà Nội chừng hơn 80km, đường lại thoáng rộng dễ đi, chả thế, bất cứ mùa Đông hay mùa Hè, nhất là những ngày cuối tuần, thị trấn này luôn rơi vào tình trạng... cháy phòng. 

Cũng bởi, Tam Đảo không rộng, đi bộ thì mỏi chân mà đi ô tô thì chẳng bõ trèo lên trèo xuống và... say vì vắt vẻo qua mấy cung đường vòng. Vì thế, còn gì tuyệt hơn là ngồi trên yên xe máy, nghe gió đại ngàn thổi mát lạnh trên da mặt, thêm một chút khó chịu vì chênh lệch độ cao, nhưng bù lại, đường rất vắng, ta có thể nghe được tán thông reo vi vút trên cao, thấy đám mây vừa sà xuống tán cây phía trước giờ đã ở ngay trên đầu mình. Mây Tam Đảo cứ thoắt ẩn, thoắt hiện như thế, như sinh ra từ núi, đùn ra từ núi rồi lại mất hút vào cây. Chỉ toàn là mây trắng, khiến ta thấy như mình cũng bồng bềnh trong mây vậy.

Ở Tam Đảo, buồn nhất và thích nhất cũng là khi trời mưa. Mưa mù mịt, tối sầm trời đất. Đã mưa thì rất lạnh, nhưng mưa đến nhanh thì cũng tạnh rất nhanh. Đó là lúc Tam Đảo thực sự là Tam Đảo. Mây kéo vần trên các đỉnh núi, mây bò lan trên tán cây, mây quét cái đuôi trắng bông mềm phơ phất của mình trên mặt, trên tóc người. Đưa tay ra có thể nắm được một nắm mây. Giơ tay lên có thể với tới mây. Mây biến đổi nhanh trong chớp mắt. Trong khi đó, bầu trời trên cao bắt đầu trong như vừa được lọc, xanh ngăn ngắt, những tia nắng đầu tiên ló rạng sau mây càng khiến Tam Đảo trở nên diễm lệ hơn. Những lúc ấy, bạn đừng chỉ mải ngắm núi, ngắm mây. Hãy chọn một sườn phong quang nào đó, nhìn xuống thành phố Vĩnh Yên xa xa ẩn hiện trong lớp mây ngũ sắc bồng bềnh dưới kia, nơi bạn vừa đi qua để lên Tam Đảo, sẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết vị trí mà mình đang đứng.

Tam Đảo không chỉ là thiên đường của mây mà còn là "thiên đường” của su su nữa. Nếu buổi trưa thức cùng Tam Đảo, lang thang qua các sườn núi nắng rờ rỡ, sẽ bắt gặp những hình ảnh vô cùng thú vị. Một chú chó nằm ngủ gật trên đồi đầy hoa, vài cậu bé tắm trưa dưới dàn su su xanh mỡ màng, hẳn bạn sẽ thấy, Tam Đảo đã chuyển vào Hè, tiết mùa Hè chỉ có vào mỗi khi trưa nắng gay, nắng gắt. Cái nắng ấy đột ngột mất hút khi bạn lần mấy chục bậc thang nhỏ xíu quanh co để xuống với Thác Bạc. Con thác không to nhưng sâu hun hút và nước thì lạnh tê. Đến nơi đây, bạn không thể không để ý những đôi dép cắt cụt mõm rất đặc trưng của ngành du lịch xứ mình.

Buổi chiều, lang thang sâu vào rừng quốc gia Tam Đảo, đón ánh hoàng hôn lặn xuống từ phía chân trời xa, ngắm biển mây mênh mông vờn quanh chóp núi, chắc chắn, bạn sẽ tự hỏi, vì sao lại gọi nơi đây là Tam Đảo? Núi được gọi là Tam Đảo vì ở khoảng giữa dãy có 3 ngọn núi cao vút: Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị tính từ Tây Bắc xuống Đông Nam, tựa như 3 hòn đảo nổi bồng bềnh giữa biển mây bao phủ.

Tam Đảo cũng là chốn tâm linh hội tụ giữa khí núi, mây rừng, dọc đường lên có đền thờ Cậu bé Trường Sinh, có các phủ, các tòa, có Tây Thiên, đặc biệt là Trúc Lâm Thiền Viện, ngôi chùa như ẩn giấu cả lòng thiền tịnh vô biên của Phật môn mà ai đã đến một lần thì không bao giờ có thể quên được

ở chốn này, nhà văn Hồ Anh Thái từng viết truyện ngắn "Maratong ở Tam Đảo xứ lạnh”, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cũng từng viết "Trên cao mờ sương”. Nhiều nhà văn nhà thơ cũng thường lên trại sáng tác ở Tam Đảo để viết tiểu thuyết. Còn bạn, nếu không phải nhà văn, nhà thơ, chẳng phải họa sĩ, cũng không phải người ăn chay niệm Phật tu hành, bạn hãy làm một vòng Tam Đảo về đêm. Bỏ qua những hiệu ăn rực rỡ ánh đèn, sà xuống những quán ngô nướng, sắn nướng, bánh đa nướng ngửi mùi mít, mùi măng, mùi su su và những lâm thổ sản mà chợ cóc này bày bán buổi chiều, nghe sương đang thấm trên vai, nghe mây đang vờn trên đỉnh đầu, luồn qua các khe núi để thấy cái lạnh của xứ này chẳng giống với Sapa đượm màu thổ cẩm, Đà Lạt mộc mạc hồn nhiên cao nguyên. Đêm về khuya, bạn chìm vào giấc ngủ mà ngỡ như theo mây bay vào gối có cả tiếng thác réo xa xa, tiếng con chim rừng, thú rừng nào đó kêu những âm thanh miền sơn cước. Để sáng mai khi tắt máy, thả cho xe chạy xuôi suốt mười mấy cây số đường dốc, bạn sẽ thấy, mây Tam Đảo tiễn mình đi mà lưu luyến chẳng muốn rời./.

ST

 

Tệp đính kèm