Cập nhật: 08/06/2016 08:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Căn cứ vào chữ khắc ở mặt trước cây thiên đài, tục gọi là cây hương bằng đá dựng ở sân chùa, ta biết chùa Kính Phúc được hưng công vào năm thứ hai, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1706), đời vua Lê Dụ Tông, húy Duy Dương, do ông Ngô Quang Toàn trụ trì tại chùa Kính Phúc (lúc đó còn gọi là am cỏ) tên chữ là Phúc Thái, tên phật là Huyền Ninh, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tích ở xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai gia tâm công đức và đứng ra hưng công.

Chùa nhìn theo hướng Tây - Nam, trong khuôn viên có diện tích 1.352m2. Cổng chùa xây kiểu tam quan. Hai cột phương đăng ở giữa cao hơn hai cột phương đăng ở phía ngoài. Mặt ngoài cột ghi hai đôi câu đối, nay chữ còn chữ mất, chưa được phục chế lại. Ngay sau cổng là Tự môn Sở, với lối kiến trúc 2 tầng 8 mái, 4 mái nhỏ ở trên, 4 mái lớn ở dưới. Tự môn Sở thực chất là "nơi làm việc tại cổng chùa" của các chức sắc 3 làng, họp bàn để thống nhất chủ trương chung, mà không họp riêng ở từng đình Hương Canh, Ngọc Canh hay Tiên Canh.

Vào thập kỷ 80 của thế kỷ 20, người ta dựng một cái Tam quan án ngữ trước mặt Tự môn Sở, biến Tỳ môn Sở thành một bộ phận của quần thể chùa Kính Phúc. Tự môn Sở do cụ Nguyễn Lâm đề xướng và đứng ra hưng công, nhằm phổ biến những cải cách tiến bộ, chống hủ tục vào thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939).        

Sau Tự môn Sở là một sân rộng. Qua sân đến tòa tiền đường gồm 5 gian, 2 dĩ, được nối với tòa thượng điện. Hệ thống chịu lực gồm 52 cây cột gỗ, 14 bộ vì kèo theo dạng thức "chồng rường" "Kèo chống nóc". Đây mới chính là chùa Kính Phúc. Cuối năm 2011 cho đến hết năm 2012, chùa Kính Phúc được Nhà nước đầu tư tân tạo lại. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc trực tiếp quản lý việc thi công. Xem trên thượng lương cũ, ta đọc được dòng chữ: "Lê triều Cảnh Hưng ức vạn niên, nhị thập nhị tuế, tại Tân Tỵ, trọng xuân, thập tam nhật, Mão thời, trùng tu, Thụ trụ thượng lương đại cát vượng".

Nghĩa là: "Triều vua Cảnh Hưng bền vững muôn năm, năm thứ 22 - Năm Tân Tỵ, tháng 2 mùa xuân, ngày 13, lúc 6 giờ sáng, trùng tu chùa, đặt cây nóc rất tốt lành thịnh vượng".

Như vậy, lần trùng tu này tính theo dương lịch là vào năm 1761. Từ lúc ông Ngô Quang Toàn và bà Nguyễn Thị Tích dựng chùa Kính Phúc bằng ngói gạch, tới lúc trùng tu đại quy mô theo như mẫu, còn lại ngày nay đã 55 năm. Lại từ năm 1761 cho đến khi Nhà nước ta phục chế, chùa Kính Phúc đã trải qua 306 năm. Trước sau cộng lại, chùa Kính Phúc đã vào tuổi thọ 369 năm. Với cơ ngơi hoành tráng, kín trên bền dưới bằng vật liệu được chọn lọc, chắc chắn chùa Kính Phúc sẽ còn tồn tại lâu dài, để các thế hệ sau chiêm ngưỡng, thừa hưởng.

Theo hành lang ra phía sau thì đến Lầu chuông. Lầu này được phục hưng vào năm 1998, sau khi tái lập huyện Bình Xuyên. Trên lầu, có một cái chuông đường kính khoảng 60cm, cao chừng 1m, không khắc niên đại, chỉ có 4 chữ "Kính Phúc Tự Chung" đúc nổi trên vai chuông và một chiếc khánh chiều ngang cỡ 80cm, cao 50cm, có 4 chữ "Tự Đức Tân Mùi" đã hoen rỉ và khó đọc. Như vậy, chiếc khánh được đúc vào niên hiệu Tự Đức thứ 24, năm 1871, đến nay (2013) đã được 142 năm.

Đi qua lầu chuông thì đến nhà Mẫu, xây dựng theo kiểu nhà cấp 4. Trên trán tường đề 3 chữ "Phúc Linh Tự". Điều rất lạ là trong cùng một khuôn viên, vừa có chùa Kính Phúc lại vừa có chùa Phúc Linh. Thiết tưởng 3 chữ "Phúc linh tự" nên đổi là "Thánh mẫu cung" có lẽ dễ hiểu hơn.

Quần thể chùa Kính Phúc đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin ra quyết định công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa năm 2000.

Chùa Kính Phúc có cả một hệ thống hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng rực rỡ. Đây là những di sản vô giá để lại cho hậu thế.

Sau khi hoàn thành công việc tu bổ, tôn tạo lại chùa, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã cho phục chế lại hệ thống các bức hoành phi và câu đối ở chùa Kính Phúc theo mẫu cũ, làm cho chùa Kính Phúc càng thêm uy nghi, rực rỡ.

ST

Tệp đính kèm