Điểm dừng chân tiếp theo đưa chúng ta về với Phúc Yên – Nơi mà ngày 21/12/1958 đã lưu giữ dấu chân của Bác. Năm 1958, năm đầu tiên tỉnh Vĩnh Phúc triển khai phong trào Hợp tác hóa nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Trung ương về cải tạo XHCN. Vĩnh Phúc đã có kinh nghiệm xây dựng thí điểm ở 5 HTX thuộc các huyện từ năm 1956, 1957.
BÁC HỒ TRÊN ĐƯỜNG ĐI THĂM ĐƠN VỊ BỘ ĐỘI Ở PHÚC YÊN NGÀY 21/12/1958
Trong đó HTX Lai Sơn, xã Cộng Hòa, Tam Dương trở thành một điển hình tiên tiến được đón Bác về thăm. Bước vào thời kỳ cải tạo XHCN mà mục tiêu chính của Vĩnh Phúc là tiến hành tập thể hóa trong nông nghiệp. Đến cuối năm 1958, toàn tỉnh đã xây dựng được 244 HTX nông nghiệp bậc thấp trong 99 xã ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh. Giữa tháng 12/1958, Tỉnh ủy, UBHC tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, bao gồm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, các thành viên trong Ban quản lý HTX như kế hoạch, kiểm soát, kế toán... để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể ở nông thôn. Đây là lớp cán bộ quản lý đầu tiên ở miền Bắc do tỉnh mở và đã nhận được sự giúp đỡ mọi mặt của Ban công tác nông thôn Trung ương. Là lớp đầu tiên, cũng là thí điểm của Trung ương về nội dung chương trình; vấn đề mở lớp, đối tượng chiêu sinh và quan trọng hơn là Trung ương phổ biến kinh nghiệm để tháo gỡ những khó khăn về công tác quản lý nói chung một mô hình sản xuất mới ở nông thôn, đó là làm ăn tập thể trong HTX nông nghiệp. Nhiều vấn đề cần được quán triệt sâu hơn như: Chính sách tập thể hóa tư liệu sản xuất, ở bậc thấp thì vấn đề hoa lợi như thế nào; những giá trị ngày công làm trực tiếp và gián tiếp trong HTX; vấn đề phát triển văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng... Mặt khác, công tác nghiệp vụ cũng được bồi dưỡng cho học viên như chấm điểm, khoán công việc, thanh toán, phân phối. Đồng thời nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo HTX lần đầu tiên trong đời quản lý hàng trăm mẫu ruộng, hàng ngàn nhân khẩu về phương hướng, kế hoạch sản xuất, phân phối, lưu thông. Lớp bồi dưỡng của tỉnh Vĩnh Phúc đặt tại thị xã Phúc Yên (Nơi cơ quan của tỉnh đặt trụ sở thời kỳ này). Là địa phương có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, lại là nơi có nhiều kinh nghiệm về công tác cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, nên Vĩnh Phúc được Trung ương tin tưởng giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng về nông nghiệp, về an ninh quốc phòng (trong đó có cả việc Quân ủy Trung ương lấy Vĩnh Phúc làm thí điểm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự).Với vị thế như vậy, Trung ương mà đặc biệt là Bác Hồ rất quan tâm đến Vĩnh Phúc. Năm 1958, năm bắt đầu thực hiện cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Ngày 21/12/1958 Vĩnh Phúc lại có được vinh dự to lớn đón Bác về thăm. Ở lớp bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp của tỉnh tổ chức tại Phúc Yên, Bác dành nhiều thời gian để phân tích về kinh tế nông nghiệp nói chung và HTX nói riêng. Người nhấn mạnh về lợi ích của HTX, của lối làm ăn mới, làm ăn tập thể. Đó cũng là con đường tất yếu để đi lên CNXH. Bác đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề dân chủ. Áp dụng vào thực tế những lời dặn dò, động viên sâu sắc của Người, Phúc Yên ngày nay đã vươn lên trở thành một đô thị loại III, đời sống nhân dân đều ở mức khá trở lên, kinh tế, giáo dục phát triển, du lịch đang dần dần trở thành thế mạnh nơi đây… hiện tại di tích nơi Bác nói chuyện với cán bộ HTX nông nghiệp ở Phúc Yên đã không còn, thay vào đó là những tòa nhà, công ty mọc lên. Để tưởng nhớ sự kiện trọng đại đó, UBND Thị xã Phúc Yên đã cho xây dựng một khu tưởng niệm Bác ở giữa trung tâm với khuôn viện rộng gần 2000m2. Mỗi khi có dịp quan trọng, hội hè, hay đạt được thành tích, cán bộ và nhân dân Phúc Yên lại đến khu tưởng niệm để báo công và dâng những đóa hoa thơm lên Bác.
BÁC HỒ NÓI CHUYỆN VỚI CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO XÃ VÀ BAN CHỦ NHIỆM HTX-NN LẠC TRUNG VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH RUỘNG ĐẤT
Ngày 25/1/1961 thôn Lạc Trung, xã Bình Dương đã được đón Bác về thăm. Lạc Trung là một thôn của xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Dương là một xã nổi tiếng về vận dụng chiến tranh du kích, đánh địch, giữ làng. Vì thế, trong những năm bị thực dân Pháp kìm kẹp, Bình Dương là một trong những xã bị địch tàn phá nặng nề nhất. Hàng trăm ngôi nhà bị đốt, ruộng vườn bị phá, cây cối bị xe tăng, đại bác của địch quần nát, cả xã hoang tàn như “xa mạc”. Hòa bình lập lại, nhân dân Bình Dương đã khôi phục lại cuộc sống trên đống tro tàn, đổ nát. Là nông dân, ai cũng hiểu giá trị của màu xanh cây cối trên đường làng, ngõ xóm, trong vườn tược và màu xanh của đồng ruộng. Sau những tháng ngày khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, Bình Dương khắc phục dần những tổn thất do địch gây ra trong chiến tranh. Từ năm 1958 - 1960, Bình Dương đã hoàn thành tập thể hóa nông nghiệp với 100% hộ nông dân vào làm ăn tập thể trong HTX nông nghiệp. Thôn Lạc Trung đã hoàn thành việc xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp và có phong trào trồng cây khá của xã. Phong trào trồng cây của thôn Lạc Trung đã trở thành một điển hình của cả xã, rồi của huyện, của tỉnh và cả miền Bắc. Năm 1961, là năm thứ hai thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về trồng cây gây rừng, thôn Lạc Trung đã đạt kết quả rất lớn. Từ bình quân chung toàn huyện 2 cây/một người năm 1960, Lạc Trung đã đạt con số 10 cây một người. Với thành tích như vậy, Lạc Trung đã nổi tiếng toàn miền Bắc. Thật bất ngờ và cũng thật tự hào, Lạc Trung được đón Bác Hồ về thăm ngày 25/1/1961. Sáng hôm ấy, trời giá rét, Bác về Lạc Trung thăm động viên phong trào. Cùng đi với Người có đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy. Trước khi nói chuyện với cán bộ, nhân dân Lạc Trung và Bình Dương, Bác đi thăm vườn ươm cây của HTX, thăm một số nhà dân, đi dưới những tán cây của đường làng, rồi ra cánh đồng có những hàng cây trồng trên bờ ruộng, ven kênh mương. Nói chuyện với nhân dân, Bác khen ngợi Lạc Trung nói riêng, Bình Dương nói chung, nhưng cũng nhắc nhở, phê bình các nơi khác trong huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc chưa trồng cây được như Lạc Trung. Từ phong trào trồng cây, cụ Võ Văn Tần, một cán bộ miền Nam tập kết về sống tại xã Bình Dương đã được Đảng, Nhà nước phong Anh hùng lao động. Ở thôn Lạc Trung hồi đó có một tổ trồng cây 5 người, có một người là thương binh chống Pháp hạng 3/4 làm tổ trưởng, lập nhiều thành tích xuất sắc, được bầu kiện tướng và chiến sỹ thi đua trồng cây 3 năm liền (1960-1962), được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Ba đó là cụ Lê Văn Bốn. Những tình cảm mà Bác đã dành cho Lạc Trung ngày ấy mới thực sự là những phần thưởng cao quý. Từ sau ngày Bác về thăm, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lạc Trung nói riêng, xã Bình Dương nói chung đã thực hiện tốt lời dạy của Bác, đạt thành tích xuất sắc không chỉ về trồng cây, mà trở thành một đơn vị điển hình về nhiều mặt của huyện Vĩnh Tường và của cả tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng giống như bao địa phương khác được vinh dự đón Bác về thăm, người dân Lạc Trung cũng lập một đền thờ và nhà lưu niệm để tưởng nhớ và kỷ niệm về lần gặp gỡ Bác. Đến đây, chúng ta được nghe từ những nhân chứng sống kể những câu chuyện cảm động về cuộc gặp gỡ với Bác, được ngắm một Lạc Trung cây xanh rợp bóng mát, đó là những cây trồng mà Bác đã đích thân hướng dẫn và động viên anh chị em xã viên nơi đây trồng lên, để ngày nay chúng ta thấy một Lạc Trung không còn là “sa mạc” mà đã biến thành “thiên đường” của rất nhiều loại cây và rau trồng khác nhau; trở thành nơi cung cấp rau và cây giống cho cả tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh lân cận.
BÁC HỒ VỀ THĂM HTX-NN LẠC TRUNG NGÀY 25/1/1961
Trong những lần về thăm Vĩnh Phúc, chưa bao giờ Bác báo trước, hoặc có báo trước thì cũng chỉ về thăm các thôn, xóm, HTX tiêu biểu trong tỉnh, nhưng vào ngày 2/3/1963 Bác đã chính thức về thăm Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc. Sau 3 năm tiến hành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế 1957 -1960, Vĩnh Phúc đã thu được những thắng lợi toàn diện. Riêng đối với nông nghiệp, đến cuối năm 1960 toàn tỉnh có 107.944 hộ nông dân (đạt 92,68% tổng số hộ nông dân) đã vào làm ăn tập thể trong 1.350 HTX nông nghiệp. Với thành tích đạt được, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là tỉnh thuộc loại khá của miền Bắc về cải tạo XHCN. Phát huy những thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm Lần thứ nhất (1960-1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng. Bước vào việc thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh những thuận lợi, Vĩnh Phúc cũng gặp nhiều khó khăn lớn. Nhưng bằng lỗ lực phi thường của toàn quân, toàn dân Vĩnh Phúc đã khắc phục được những khó khăn cơ bản về thiếu nước, hàng nghìn diện tích được gieo trồng, cày cấy, nhân dân vừa phấn khởi vui mừng vì thoát hạn thì vào thời điểm lịch sử này Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc lại có niềm vui to lớn đó là được Bác Hồ về thăm ngày 2/3/1963. Đó là một ngày đẹp trời, cả thị xã Vĩnh Yên rực rỡ cờ hoa đón Bác. Cán bộ đảng viên, nhân dân tập trung tại công viên thị xã chào đón Bác. Bác cùng đồng chí Bộ trưởng Nông nghiệp gặp gỡ các cán bộ chủ chốt của tỉnh đang tập trung tại trụ sở. Sau khi gặp gỡ, chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và một số cơ quan đại diện, Bác cùng đống chí Kim Ngọc (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thời gian đó) ra gặp gỡ và nói chuyện với 16.000 người dân Vĩnh Phúc. Tại cuộc mít tinh, Bác đã căn dặn rất nhiều điều ý nghĩa và quan trọng. Bác cùng động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tỉnh. Cuối cùng, Người giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh “…Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta…”. Vườn hoa thị xã nơi Bác nói chuyện với nhân dân trong tỉnh ngày nay đã được xây dựng trở thành Bảo tàng tỉnh, trụ sở nơi gặp gỡ các cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã được tu sửa trở thành trụ sở chính của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
BÁC HỒ LÀM VIỆC VỚI TỈNH ỦY VĨNH PHÚC NGÀY 25/1/1961
Vào ngày 16/7/1963, nhân một chuyến đi công tác tại khu nghỉ mát Tam Đảo, Bác đã tới thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III. Đây là một vinh dự lớn lao mà không phải tỉnh nào cũng có được. Thị xã Vĩnh Yên bây giờ đã lên thành phố, Vĩnh Phúc cũng đang dần trở thành một trong những tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất miền Bắc, toàn tỉnh đang trên đà phấn đấu để hiện thực hóa lời căn dặn của Người. Hiện nay, tại trung tâm thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành riêng một khu rộng và cao ráo để xây nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch và để kỷ niệm những lần Bác về thăm. Nhà lưu niệm nằm trên khu Đồi Cao, thuộc phường Ngô Quyền, Vĩnh Yên. Ở đây có nhiều cây do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các nước bạn trồng lưu niệm mỗi khi về thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc. Cũng tại nơi đây, dưới tán cây lim già Bác đã ngồi nói chuyện và căn dặn các đồng chí đảng viên. Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Vĩnh Yên thường xuyên được đón tiếp các đoàn khách trong nước, nước ngoài đến dâng hương, trồng cây lưu niệm. Đây cũng là địa chỉ đỏ, nơi tham quan và giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc, học tập nhân cách Hồ Chí Minh.
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ THĂM ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC NGÀY 2/3/1963
Du lịch theo dấu chân Bác trên miền đất Vĩnh Phúc sẽ trở thành trải nghiệm thú vị vì nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung luôn mong muốn được tìm hiểu rõ hơn, dõi theo từng bước chân của Người - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới./.
ST