Ngày 9/6, tại Bắc Giang, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tổ chức hướng dẫn kỹ thuật xông lưu huỳnh cho quả vải xuất khẩu.
Chuyên gia tư vấn nước ngoài hướng dẫn lý thuyết xông
lưu huỳnh cho quả vải. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Tại đây, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đã hướng dẫn chi tiết kỹ thuật xông lưu huỳnh cho quả vải bằng lý thuyết và thực hành cho các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các kỹ thuật đóng gói, bao bì, nhãn mác, phương thức vận chuyển vải khi xuất khẩu.
Theo chuyên gia quốc tế Michel Jahiel Piere, xông lưu huỳnh là kỹ thuật không quá khó để thực hiện, tiết kiệm chi phí, đặc biệt có tác dụng giúp cho trái vải tươi lâu. Nếu sử dụng kỹ thuật xông lưu huỳnh, trái vải có thể giữ được tươi từ 5-6 tuần. Áp dụng phương pháp này doanh nghiệp có thể tận dụng được những điều kiện cơ sở vật chất sẵn có tại nhà máy và hầu như không phải đầu tư thêm thiết bị.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Cục Xúc tiến Thương mại) cho biết xông lưu huỳnh là yêu cầu bắt buộc của một số thị trường như EU, Trung Đông.
Với việc chuyển giao kỹ thuật xông lưu huỳnh đến với nhiều doanh nghiệp sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu cho quả vải Việt Nam. Đồng thời, kỹ thuật này còn nâng cao năng lực cho đội ngũ xúc tiến thương mại địa phương thông qua các hoạt động huấn luyện và kết nối để doanh nghiệp và các đơn vị xúc tiến thương mại hỗ trợ lẫn nhau.
Đánh giá về phương pháp này, bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, kỹ thuật xông lưu huỳnh là kỹ thuật dễ làm, rẻ tiền, phù hợp với cơ sở vật chất hiện nay. Tuy nhiên, kỹ thuật này sẽ làm tạm thời mất màu quả vải, nhưng sau một thời gian quả vải sẽ tái tạo lại màu.
Khi áp dụng kỹ thuật này, các doanh nghiệp cũng cần phải chú ý kiểm soát, khống chế kỹ thuật, liều lượng xông, bao bì và phương pháp bảo quản sau khi xông để đảm bảo nồng độ lưu huỳnh ở dưới mức cho phép.
Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO Nguyễn Xuân Việt chia sẻ: "Chúng tôi rất quan tâm đến kỹ thuật xông lưu huỳnh, hi vọng với kỹ thuật này quả vải được bảo quản lâu hơn, giúp doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang được các thị trường khó tính, góp phần làm tăng giá trị quả vải."
Vụ vải thiều năm 2016 tỉnh Bắc Giang ước thu hoạch khoảng 130.000 tấn, dự kiến tiêu thụ trong nước khoảng 78.000 tấn, số còn lại là xuất khẩu; trong đó tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Australia, EU./.
Theo ĐỒNG THÚY (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/huong-dan-ky-thuat-xong-luu-huynh-cho-qua-vai-xuat-khau/390240.vnp