Cập nhật: 10/06/2016 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước đây, ở mỗi làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ thông thường chỉ có đình và chùa là những công trình văn hoá, tín ngưỡng. Cá biệt một số làng có cả một quần thể di tích, ví dụ: cụm di tích lịch sử văn hóa Quan Lạn (Quảng Ninh), cụm di tích lịch sử văn hoá Lưỡng Quán (Vĩnh Phúc),… 

Cụm di tích lịch sử văn hoá Lưỡng Quán thuộc thôn Lưỡng Quán 1, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 20 km. Ngày 28/01/2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ra 3 quyết định xếp hạng  cụm di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, gồm có: Chùa Hương Sơn, được xếp hạng theo quyết định  số: 291/QĐ-UBND; đền Lưỡng Quán, được xếp hạng theo quyết định số: 284/QĐ-UBND; miếu Nghè Lưỡng Quán, được xếp hạng theo quyết định số: 298/QĐ-UBND. Cùng với đình làng Lưỡng Quán được Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cấp bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh ngày 13/02/2004, cụm di tích này là một quần thể di tích rất phong phú, bao gồm đình, chùa, đền, miếu nghè và từ chỉ. Trước đây chúng tôi đã có bài viết về đình Lưỡng Quán đăng trên Bản tin du lịch Vĩnh Phúc số tháng 9/2010. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về 3 di tích mới được xếp hạng nêu trên.

- Chùa Lưỡng Quán    

Chùa Lưỡng Quán tên chữ là Hương Sơn tự, nằm trong khuôn viên của đình làng tại thôn Lưỡng Quán 1. Chùa được xây dựng vào năm thứ 7 đời vua Lê Hy Tông (1681). Giống như các ngôi chùa khác, Hương Sơn tự là nơi thờ Phật. Chùa gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, mặt bằng kiến trúc hình chữ đinh, với diện tích là 84,5m2.

Trước đây, chùa cũ được xây dựng tại thôn 3 của làng Lưỡng Quán. Sau Cách mạng tháng Tám, giai đoạn 1945 – 1946, chùa là điểm hội họp và liên lạc thường xuyên của cán bộ cách mạng trong xã. Trong kháng chiến chống Pháp, để thực hiện mục tiêu “Tiêu thổ kháng chiến”, năm 1949 nhân dân cùng du kích đã tháo rỡ và  đốt chùa Hương Sơn (cùng với đình Lưỡng Quán), với quyết tâm không để thực dân Pháp dùng ngôi đình làm căn cứ đóng quân. Các tượng Phật, chuông, khánh, hoành phi, đồ thờ tự khác,…được chuyển lên thờ tại một nhà ngang ở thôn  Lưỡng Quán 1. Đến tháng 6 năm 1999, được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhân dân Lưỡng Quán đã cung đức tiền của, công sức xây dựng lại ngôi chùa mới hiện nay. Những đồ thờ tự, di vật của ngôi chùa cũ được chuyển về ngôi chùa mới.

Tượng trong chùa được tạc bằng gỗ mít, các cánh cửa được sơn son thếp vàng, mái chùa lợp bằng ngói mũi hài hai lớp với ý nghĩa âm dương hoà hợp. Hiện trong chùa còn một chiếc khánh đồng (tên gọi Hán Việt là Hương Sơn tự chú tạo khánh); một quả chuông đồng (tên gọi Hán Việt là Hương Sơn tự chung). Các hiện vật này do người dân trong làng và khách thập phương công đức, đúc vào năm thứ 19 niên hiệu Minh Mệnh (1838).

 - Đền Lưỡng Quán

Đền Lưỡng Quán có tên chữ là Đền Thiện, đền thờ Tam Thánh, tọa lạc cạnh khuôn viên của đình, với diện tích là 273m2. Đền quay về hướng Nam, phía trước có ao to người dân quen gọi là ao Đền, với diện tích khoảng 4 sào Bắc Bộ. Đền có bố cục mặt bằng kiểu chữ U, gồm: toà nhà ngang thờ Tản Viên Sơn Thần và Hưng Đạo Đại Vương (Trần triều hiển thánh); hai dải vũ: dải bên phải thờ Tam toà Thánh Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải), dải bên trái thờ riêng Mẫu Thượng Ngàn và 12 vị Sơn Trang. Đền được xây bằng gạch chỉ, tường trát vôi, mái lợp ngói âm, các loại gỗ được sử dụng đều là gỗ tốt như lim, sến, vàng tâm, với nhiều bức chạm rồng, phượng rất công phu, mang đậm phong cách truyền thống. Đền được xây dựng vào năm thứ 2 đời vua Tự Đức (1849). Đây là di tích duy nhất ở Lưỡng Quán được bảo lưu tương đối nguyên trạng từ khi xây dựng đến nay.

Hiện đền còn lưu giữ được nhiều đồ tế tự quý, như: 3 bộ ỷ, cao từ 1,05 đến 1,10m, đều sơn son thếp vàng; ấn và hòm sắc, vốn là những di vật có từ thời tạo đền. Riêng những tài liệu chữ Hán liên quan đến đền đều bị hỏng nát vì thường xuyên bị nước lũ sông Hồng xâm hại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đền là nơi đào hầm bí mật cất giấu cán bộ hoạt động cách mạng – đội ngũ chỉ đạo của các cuộc mít tinh, biểu tình chống địch ở vùng ven sông Hồng.

Năm 2005, khu nhà phía bên phải được tu sửa hoàn chỉnh, đồng thời  các khu vực  khác cũng được sửa sang, quét vôi lại, làm cổng khoá để bảo vệ đền. Sang  năm 2006, Ban Quản lý đền tiếp tục cho sửa lại phần mái của đền chính. Hiện nay đền Lưỡng Quán là công trình có kiến trúc đẹp, mang phong cách truyền thống.

 - Miếu Nghè Lưỡng Quán

Cho đến nay chưa tìm ra nguồn tài liệu nào liên quan đến ngôi miếu Nghè ở Lưỡng Quán, nhưng người dân trong làng khẳng định đây là công trình kiến trúc ra đời sớm nhất trong các di tích lịch sử văn hoá của làng. Miếu Nghè được xây dựng trên khuôn viên đất rộng khoảng 400m2 tại đầu làng của thôn Lưỡng Quán 1, riêng ngôi miếu có diện tích 20m2. Trong khuôn viên miếu có 1 cây gạo già chưa xác định được độ tuổi, cao chừng 25m, tán lá trải rộng khắp không gian miếu, quanh năm xanh tốt, gốc có cây đa bao bọc, cây đa to khoảng 10 người ôm mới xuể, đây là cây cổ thụ độc đáo nhất trong vùng. Miếu Nghè có vẻ bề ngoài tĩnh lặng, từ cổng vào là tượng 2 ông quan võ đứng canh, đến cửa có tượng 2 ngài hổ trực 2 bên. Thần được thờ ở miếu Nghè được xác định qua bài văn tế còn lưu truyền đến ngày nay, đó là các vị thần có công phù hộ cho người dân địa phương được sống ấm no hạnh phúc. Trong đó có Thánh phụ và Thánh mẫu của vị Thổ Giang Đại Vương. Nội dung bài văn tế như sau:

 Các quan vi hành;

Thánh phụ thánh mẫu;

Tướng quân Thổ Giang, bên tả bên hữu;

Quan Đương niên hành khiển;

Đương cảnh Thành hoàng, Thần linh bản xứ;

Cùng về chứng giám lễ nghi, lễ mỏng tâm thành, lai lâm hiến hưởng, phù hộ cho dân làng Lưỡng Quán cùng khách thập phương an khang thịnh vượng. Con cháu đi xa về gần làm ăn tiến tới, học hành tiến bộ”.

Trước Cách mạng tháng Tám – 1945, miếu Nghè Lưỡng Quán thường xuyên là nơi tập trung của quân du kích tham gia đánh các đồn bốt của Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, miếu nghè là trận địa phòng không của dân quân và bộ đội, nơi giao nhận tân binh lên đường vào Nam chiến đấu.

Hàng năm vào ngày mùng 6 tháng giêng, làng tổ chức rước kiệu từ đình ra miếu Nghè đón các thần về đình chuẩn bị cho ngày tiệc (tổ chức từ mồng 7 đến mồng 10), đây là dấu hiệu cho thấy mối liên hệ giữa miếu Nghè và đình làng trong việc thờ Thành hoàng của làng Lưỡng Quán. Và khẳng định miếu Nghè là bộ phận cấu thành của cụm di tích văn hoá lịch sử của làng Lưỡng Quán. Vào dịp này người dân trong xã và các vùng lân cận đến làm lễ, cầu mong những điều tốt đẹp, an lành.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, cụm di tích được nhiều thế hệ  dân làng tạo dựng và gìn giữ cho đến ngày nay. Cụm di tích lịch sử văn hóa Lưỡng Quán vừa mang giá trị trong việc nghiên cứu tín ngưỡng tôn giáo, vừa là nguồn tài liệu của việc khuyến học, khuyến tài, thể hiện truyền thống trọng người có đức, có tài của dân tộc ta. Trong những năm gần đây, được sự giúp đỡ, công đức của các nhà hảo tâm và du khách thập phương, nhân dân Lưỡng Quán đã trùng tu sửa sang xây dựng cụm di tích ngày càng khang trang, to đẹp hơn. Hiện nay, cụm di tích được các cụ người cao tuổi trong làng quản lý, thường xuyên đèn hương, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và khách hành hương./.

ST

Tệp đính kèm