Cập nhật: 10/06/2016 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đình Đình Chu thuộc xã Đình Chu, huyện Lập Thạch là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp Quốc gia. Đình nằm ở trung tâm của xã, ngay trên khu đất phía trước Ủy ban nhân dân, kiểu chữ Đinh với tòa đại đình 5 gian 2 dĩ và tòa hậu cung kiến trúc theo kiểu 2 tầng 8 mái rất thanh thoát. Đình thờ thần Cao Sơn trong huyền thoại dựng nước từ thời trước Văn Lang – Âu Lạc và thờ vọng 18 đời Hùng Vương. Ngôi đình hiện nay được xây dựng vào thời Nguyễn với chức năng là nơi công đồng, gắn với sự phát triển của các hội hè đình đám lúc bấy giờ (năm 1803).

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc với quy mô kết cấu bề thế và lịch sử xây dựng lâu đời cách đây hơn 200 năm, tại đình còn lưu giữ những bức chạm, hình chạm mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian đầu thế kỷ 19, thể hiện tài năng và sự khéo léo của các nghệ nhân xưa.

Toàn bộ các kẻ, bẩy, các đầu dư, dép hoành của đình Đình Chu đều được trang trí thành các tác phẩm nghệ thuật với đề tài “Tứ linh” và các họa tiết mây, lá cách điệu. Điều này đã khiến cho người tham quan chiêm ngưỡng không cảm nhận thấy sự đồ sộ đến nặng nề của bộ mái hay phần kết cấu khung gỗ, mà toát lên vẻ thanh thoát và mềm mại của các nét chạm.

Ở gian chính giữa có 2 bức chạm đối diện nhau với cùng một nội dung và kích thước, được chạm trên suốt phần kẻ. Đầu tiên là hình những cụm mây xoắn tròn, tỏa ra các tia đao lửa tròn đầu tạo ấn tượng chắc khỏe mạnh mẽ, thêm vài hình lá cúc cách điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tiếp lên phía trên thân kẻ là hình chạm phượng hoàng trong tư thế sải cánh bay lả lướt, mỏ phượng nhọn và khoằm như mỏ quạ đang cắp cuốn thư. Phía sau là hình con ly mình có vảy như vảy rồng, đầu có bờm tóc ngắn ngoảnh về phía sau trông rất ngộ nghĩnh và sinh động, thân uốn cong lên như dùng lưng đỡ hoành mái.

Bên dưới kẻ, thân bẩy được chạm nổi hình tượng rồng với chủ đề “Hồi long” (rồng trong tư thế ngoảnh lại phía sau). Rồng uốn khúc mềm mại đỡ hoành mái, thân rồng có vảy tròn như vảy cá, chân 4 móng nhọn sắc bám vào những vân xoắc, đuôi rồng cong lên xoáy tròn. Đầu nhỏ với bờm tóc hình đao mác đâm thẳng mạnh và nghiêm.

Bức chạm trên kẻ bẩy trái có nội dung tương tự chỉ khác là hình rồng này đang trong tư thế “Long cuốn thủy” – một mô típ trang trí mà chúng ta thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian thế kỷ 19 thể hiện sức mạnh và ước vọng cầu mưa cầu mùa của người dân lao động. Phần cuối bẩy là hình rùa lưng cõng dạ tầu, miệng cặp cành hoa sen, 4 chân đạp nước vẻ sinh động…

Bên trong đình còn một số lượng khá nhiều các bức cốn chạm khắc tinh xảo. Tiêu biểu như hai bức cốn nách ở gian giữa tòa đại đình. Đây là hai bức chạm hình tam giác đối diện nhau, mô tả hình tượng mặt rồng với kỹ thuật chạm nổi. Mặt rồng trông dữ tợn với 2 mắt lồi to bôi đen trắng, 2 cánh mũi nở, miệng rộng, 2 hàm răng lộ ra đều đặn, xung quanh mặt là các bờm tóc hình đao mác tỏa ra cách điệu hình vân xoắn, phủ kín các khoảng trống của bức chạm. Những đường nét vừa sắc gọn vừa mềm mại khiến hình tượng rồng không thô cứng mà lại có một dáng vẻ mang sức mạnh tâm linh của vũ trụ.

Ở gian ngoài còn 2 chủ đề chạm khắc đặc sắc nữa, đó là bức chạm “Long mã phụ đồ” và “Phượng càm thư”. Ở bức “Long mã phụ đồ” hình long mã được bố cục có kích thước lớn choán gần hết diện tích bức cốn, trong tư thế phi nước đại cổ vươn về phía trước, có các cụm mây xoắn ở xung quanh che hết các khoảng trống còn lại của bức chạm. Bức “Phượng càm thư” đối diện với bức “Long mã phụ đồ”. Hình tượng phượng ở đây được khắc họa với đôi cánh xòe rộng nổi những đường gân chắc khỏe, khác hẳn với hình phượng bay uyển chuyển bên ngoài.

Nghệ thuật chạm khắc còn được thể hiện bằng kỹ thuật chạm bong trên xà rồng với chủ đề “Lưỡng long chầu nguyệt”. Chính giữa xà rồng là mặt nguyệt được chạm nổi như mặt gương. Hai hình rồng được chạm đối xứng, thân uốn lượn nhiều khúc. Mình rồng phủ vảy tròn như vảy cá, đuôi cong lên, xoáy tròn. Chân rồng vươn ra với 4 vuốt nhọn sắc, bám chắc vào thân xà rồng. Đầu rồng vươn cao với những bờm tóc hình đao mác thanh mảnh vuốt ngược ra sau. Đường nét chạm khắc ở đây được chau chuốt rất tỉ mỉ.

Ngoài ra đình Đình Chu còn có 8 đầu dư được chạm với kỹ thuật chạm lộng, thể hiện hình đầu rồng với tư thế vươn lên như đỡ lấy phần chịu lực của câu đầu đè xuống. Miệng rồng há to, ngậm ngọc, mũi nở hếch lên, hàm dưới và cằm vát xuôi về sau, râu tóc 2 bên mép xoắn lại tạo thành hình số 8. Có thể nói 8 đầu dư ở đình Đình Chu là 8 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc với trình độ cao như được đúc ra từ một khuôn thước chính xác và tinh xảo, biến một khối gỗ đặc làm nhiệm vụ kê đệm các đầu dư trở thành các tác phẩm nghệ thuật sinh động.

Tài năng chạm khắc dân gian ở đình Đình Chu được thể hiện rất rõ nét trên các bức chạm tinh xảo và trang trí công phu. Nghệ thuật điêu khắc ở đây đã đạt tới trình độ cao về thẩm mỹ. Đề tài trang trí truyền thống chủ yếu là “Tứ linh” và các họa tiết vân xoắn, hoa lá cách điệu… Các bức chạm đều để mộc, làm tăng thêm sự hài hòa với tổng thể kiến trúc của ngôi đình. Có thể nói đây là những tiêu bản của nghệ thuật khắc gỗ đầu thế kỷ 19. Đó là những thành công của các nghệ nhân dân gian ở đây trong kiến trúc và trang trí nội thất đình làng.

ST

Tệp đính kèm