Cập nhật: 14/06/2016 09:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên với hệ thống đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu đã có từ hàng nghìn năm nay. Bên cạnh đó, Tây Thiên còn được xem như là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Mật độ các di tích thờ Mẫu và thờ Phật xuất hiện dày đặc, hòa quyện vào nhau cho nơi đây bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. 

Một công trình thờ Phật lớn đang mọc lên là Đại Bảo tháp theo trường phái Kim Cương Thừa to đẹp và mang nhiều ý nghĩa. Những người hành hương tới đây luôn tin những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và thành hiện thực. Việc phát triển nơi đây thành một trung tâm phật giáo lớn là điều mà rất nhiều phật tử mong đợi.

Đại bảo tháp Mandala

Kim Cương Thừa là tên gọi một trường phái Phật giáo xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ V, VI tại Bắc Ấn Độ, bắt nguồn từ Đại thừa và được truyền tới Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Nga. Xuất phát từ Phật giáo Đại thừa, nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học huyền bí, có tính chất mật truyền. Thường các phái này được hướng dẫn bởi một vị Đạo sư; kinh sách của họ trình bày nhiều phép tu luyện được gọi là Đát-đặc-la. Kim Cương Thừa hay sử dụng chân ngôn và có ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Tạng. Trong đạo Phật, đặc biệt trong quan kiến Kim Cương Thừa, Đại Bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí). Ba phần của tháp tượng trưng cho "Thân Khẩu Ý" giác ngộ của Đức Phật. Bởi thế, đỉnh lễ, cúng dường và vi nhiễu bảo tháp là lễ cho mười phương ba đời chư Phật. Bảo tháp được xây dựng và yểm đúng pháp sẽ trở thành viên ngọc như ý, có quyền năng viên mãn mọi lời cầu nguyện. Chúng sinh bất cứ ai với tấm lòng trong sạch, phục lạy trước Bảo tháp, nhiễu quanh tháp, chiêm bái tháp sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái, như được gột sạch mọi muộn phiền.

Trong lòng Đại Bảo tháp

Đại Bảo tháp Tây Thiên tọa lạc tại Khu Di tích Danh thắng Tây Thiên xã Đại Đình huyện Tam Đảo, là ngôi Đại Bảo tháp kiến trúc theo truyền thống Kim Cương Thừa được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam. Do đích thân Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã trực tiếp hướng dẫn thiết kế và yểm tâm theo đúng lời Phật dạy trong kinh điển về cách kiến lập Vũ trụ đại Mandala. Đại Bảo tháp khởi công từ ngày 16/3/2011, cao 29m; tổng diện tích mặt sàn hơn 1500m2, cùng với một tầng âm thoáng rộng, thiết kế theo kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa. Đường kính chân đế 60m, 3 tầng có hình dáng khác nhau, biểu trưng cho 6 yếu tố hình thành nên vũ trụ và sự sống, gọi là Lục đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không và Thức. 3 phần của Tháp tượng trưng cho Thân - Khẩu - Ý giác ngộ của Đức Phật. Tầng thứ hai là nơi dành cho du khách thập phương chiêm bái cầu nguyện, tầng này bài trí một cây truyền thừa với hơn một trăm chư Phật, Bồ Tát được an vị trên các cành nhánh của cây. Dưới gốc cây thờ 5 pho tượng Ngũ Trí Phật cao 2m, hướng ra 5 phương theo phong cách của Kim Cương Thừa uyển chuyển mềm mại và vô cùng tinh xảo; đây là những pho tượng Phật theo trường phái Kim Cương Thừa đầu tiên được nghệ nhân Việt Nam thiết kế và đúc bằng đồng vàng nguyên chất. Lan can của tầng 2 được gắn rất nhiều Kim luân chuyển chú cho các phật tử đi nhiễu và chuyển luân để viên mãn mọi tâm nguyện. Trên tầng thượng của Bảo tháp có bốn tháp nhỏ cao 7m, nằm ở bốn phương, được thiết kế xây dựng theo mẫu của tháp Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ. Vòng quanh bầu tròn của Bảo tháp là tám am nhỏ được thờ Tứ Trí Phật (Phật Bảo Sinh, A Súc Bệ, A Di Đà, Bất Không Thành Tựu) và Tứ Đức Bồ Tát (Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc). Tiếp theo là mười ba tầng thu nhỏ của đỉnh Tháp tượng trưng cho mười ba quả vị viên mãn của con đường thành tựu chính đẳng, chính giác.

Đây là một công trình tâm linh vô cùng đặc biệt và linh thiêng lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam không hẳn vì kiến trúc độc đáo truyền thống Kim Cương Thừa, mà còn do phần yểm tâm vô cùng công phu. Việc yểm tâm ngôi Đại Bảo tháp được tiến hành đúng theo kinh điển cổ mật đã hướng dẫn chi tiết do hai vị Thượng tọa Lama trực tiếp chỉ đạo. Ý nghĩa yểm bốn phương Bảo tháp như sau: Phương Đông yểm các loại ngũ cốc, thực phẩm để cầu nguyện đất nước mưa thuận gió hòa, mùa màng phì nhiêu, muôn dân no đủ. Phương Nam yểm đồng tiền xu để cầu nguyện cho đất nước phong phú, nhân dân luôn giàu có. Phương Tây yểm các loại đá quý để cầu nguyện cho tài nguyên của đất nước ngày càng phát triển.  Phương Bắc yểm các dụng cụ lao động và các vũ khí cùng các dụng cụ tiêu cực để cầu nguyện chiến tranh chấm dứt, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đồng thời phát triển các ngành công, nông, thương nghiệp, đem lại hạnh phúc ấm no, đầy đủ vật chất cho toàn dân và đất nước. Toàn bộ phần nền đáy của Bảo tháp đã được yểm thành công với tâm trí thành tha thiết hướng về lợi ích của hết thảy chúng sinh nói chung và người dân Việt Nam nói riêng.

Ngôi Bảo tháp được thiết kế xây dựng theo cách kiến lập vũ trụ Mandala nên Bảo tháp như là một tiểu vũ trụ có khả năng tích tụ thu hút năng lượng linh thiêng màu nhiệm. Là biểu tượng giác ngộ cho đại trí tuệ của Chư phật, nên ngôi Bảo tháp sẽ ban trải suối nguồn ân phúc từ Tây Thiên tỏa rộng tới cả nước. Ngôi Đại Bảo tháp giúp cho chúng ta định hướng được cuộc sống một cách đúng đắn, chuyển hóa vô minh khiến cho đời sống tràn đầy ý nghĩa sâu sắc của kiếp nhân sinh, trọn vẹn ý nghĩa quý giá và tràn đầy giá trị chân thiện mỹ.

Ngày nay đến với Tây Thiên du khách không chỉ được hòa mình trong một trumg tâm Phật giáo lớn của cả nước mà còn được chiêm ngưỡng một Đại Bảo tháp to đẹp, mang nhiều ý nghĩa. Nơi mà người dân của cả nước đều mong muốn ít nhất một lần được đến nơi đây  để thành tâm cầu nguyện trước công trình Phật giáo độc đáo nhất tại Việt Nam này./.

ST

Tệp đính kèm