Cập nhật: 16/06/2016 08:57:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng Tuân Lộ, tổng Tuân Lộ, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường (xã Tuân Chính ngày nay) còn được biết đến với tên gọi nôm na rất đỗi gần gũi là Dùa hay kẻ Dùa (ngày nay quen gọi là Rùa). Vùng đất này nổi tiếng gần xa bởi món đậu phụ được làm thủ công theo cách thức chỉ riêng đây mới có nên tên gọi gắn luôn với tên làng là đậu Rùa. Theo sách “Vĩnh Tường phủ Dư địa chí” được viết vào đời vua Đồng Khánh (1886) thì ở đây có chợ Vòng lớn thứ hai trong phủ Vĩnh Tường sau chợ Thổ Tang, chứng tỏ Tuân Lộ khi xưa đã là vùng quê trù phú, cư dân sinh sống tập chung, đông đúc, kế truyền nhau qua bao thế hệ. Chính vì vậy, giống bao làng xã có bề dày lịch sử không thể thiếu các điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh cho cộng đồng, làng Tuân Lộ cũng có các công trình kiến trúc truyền thống để phục vụ nhu cầu đó của người dân địa phương là: đình Tuân Lộ, miếu Tuân Lộ và chùa Hoa Dương.

Đình Tuân Lộ

Công trình công cộng quan trọng nhất của làng xã truyền thống phải kể đến là ngôi đình, nơi tập chung hết chức năng xã hội của cộng đồng. Đình Tuân Lộ cũng vậy, mang trong mình chức năng hành chính với vai trò là nơi hội họp, đưa ra các quyết định quan trọng cho cả làng theo mô hình triều đình thu nhỏ của xã hội phong kiến xưa. Đình Tuân Lộ cũng là nơi thờ cúng thành Hoàng Làng, người có công lao đối với làng và chi phối rất nhiều tới đời sống tâm linh của làng. Đình Tuân Lộ thờ Triệu Thị Loan - Đệ nhị phu nhân của Cao Biền, quan tiết độ sứ nhà Đường ở Giao Châu. Bà là con gái của ông Triệu Công Toàn quê ở đất Chu Diên, thuộc dòng dõi Triệu Việt Vương, mẹ là Dương Thị Nguyệt người làng Tuân Lộ. Từ khi được Cao Biền lập làm đệ nhị phu nhân, Triệu Thị Loan đã giúp Cao Biền cai quản triều chính và không ngừng chăm lo đến đời sống của nhân dân. Bà đã khuyên giải Cao Biền ban hành những chính sách có lợi cho nhân dân ta, tích cực vận động binh sĩ khai khẩn đất hoang, đào sông, khai thông dòng chảy, mở mang thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Trong trận chiến đấu chống lại quân Nam Chiếu, trước sự tấn công như vũ bão của quân giặc, Triệu Thị Loan cùng binh sĩ cố gắng phá vòng vây, song trước thế giặc lớn mạnh bà đành gieo mình tuẫn tiết ngay nơi cửa sông trên mảnh đất quê hương Tuân Lộ. Sau khi Triệu Thị Loan qua đời nhân dân Tuân Lộ đã lập đình thờ bà, tôn làm thành hoàng làng, ngàn năm hương hỏa cúng tế để ghi nhớ công ơn to lớn giúp dân, giúp nước của bà. Vùng đất Tuân Lộ là nơi ghi dấu công lao của bà với việc khai hoang, mở đất, phát triển thủy lợi, cải tạo ruộng đồng.

Tượng Chùa Hoa Dương

Đình Tuân Lộ có bố cục mặt bằng kiến trúc hình “chữ Nhất” với 5 gian, 2 dĩ tạo bộ mái xòe rộng về bốn phía và chiều cao của mái chiếm tới 2/3 chiều cao đình. Qua 5 bậc thềm bó đá xanh, hai bên có đôi rồng cách điệu lượn sóng phủ bậc là xà ngưỡng (hay còn gọi là xà địa thu). Khi đến bất kể một di tích truyền thống nào chúng ta cũng bắt gặp xà ngưỡng. Bước qua xà ngưỡng tức là chúng ta bước vào một cõi “thiêng”. Trong liên kết kiến trúc thì thực sự xà ngưỡng không có tác dụng nhiều mà xà ngưỡng gắn với yếu tố tâm linh nhiều hơn. Vì chính nó là vật ngăn cản sự xấu xa, ô tạp, trần tục của người đời trước khi bước vào cõi linh thiêng, thánh thiện. Đình Tuân Lộ có 6 bộ vì nóc theo kiểu “chồng rường - giá chiêng” được đỡ bởi câu đầu gối lên hai cột cái thông qua hai đấu vuông (đây là đặc trưng của kiến trúc Hậu Lê - Thế kỷ thứ XVII, các giai đoạn sau này thì câu đầu ăn mộng trực tiếp vào cột). Liên kết giữa cột cái và cột quân là các bộ vì nách kiểu “chồng cốn” được trạm khắc công phu đề tài rồng với một mặt là trạm kênh bong mặt rồng ngây ngô hiền lành, tai to, mũi lớn, miệng cười rộng, khoe hàm răng đều, chân có 3 móng (giai đoạn đầu thời Hậu Lê); mặt bên trạm nông hoa văn và thân rồng với nhiều sắc thái, hình tượng khác nhau. Phía dưới xà lách là các thân kẻ truyền liên kết cột quân và cột hiên cũng được trạm khắc hoa văn, vân mây cách điệu như thân rồng uốn lượn. Đình Tuân Lộ hiện vẫn còn các lỗ mộng trên thân cột, đây là dấu vết của sàn đình ở các gian bên, gian giữa không có sàn để bố trí thượng cung dạng gác lửng, bưng ván đố lụa tạo không gian tôn nghiêm nơi thành hoàng ngự, dân gian quen gọi là gian “long thuyền”.

 

Chạm khắc trên vì mái Miếu Tuân Lộ

Mặc dù chưa xác định rõ đình Tuân Lộ được xây dựng vào năm nào nhưng thông qua bình đồ kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc (chủ yếu thông qua nghệ thuật chạm khắc rồng), có thể khẳng định ngôi đình này mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Tìm hiểu bước đầu cho thấy đây là một trong các ngôi đình có niên đại sớm nhất trên đất Vĩnh Phúc vẫn còn kiến trúc khởi dựng ban đầu, mặc dù có một số cấu kiện được thay thế trong những lần trùng tu về sau.

 

Chạm khắc rồng vì nách đình Tuân Lộ

Một dạng công trình tín ngưỡng trong quần thể kiến trúc dân gian của làng xã phải kể đến là miếu. Ở Tuân Lộ cũng có một ngôi miếu được nhân dân quen gọi là miếu Tuân Lộ, nhưng không giống với hầu hết các ngôi miếu của các làng xã khác đều thờ vị thần chính là thần thành hoàng được thờ ở đình, miếu Tuân Lộ lại thờ phu quân của bà Triệu Thị Loan (thành hoàng làng) là Cao Biền (dân gian quan niệm rằng miếu/đền là nơi ở của thần, đình là nơi làm việc của thần). Theo truyền thuyết về Triệu Thị Loan thì bà đã có thời gian thay chồng điều hành công việc chính sự, vì vậy có thể dân gian đưa thần vị bà thờ ở đình mà tôn làm thành hoàng (lý do nữa bà cũng là người địa phương). Cao Biền (821-887) có tên chữ là Cao Thiên Lý, được vua Đường Y Tông, phong chức tiết độ sứ An Nam (tiết độ sứ là chức quan đứng đầu các đạo do nhà Đường lập ra để cai trị, còn An Nam lúc đó là vùng Bắc Bộ và đất Quảng Tây). Như vậy trên thực tế thì Cao Biền là viên quan của Bắc triều sang đô hộ Việt Nam, tuy nhiên Cao Biền cũng có những đóng góp có lợi cho An Nam, được lịch sử ghi nhận. Năm 863, quân Nam Chiếu (vương quốc của các bộ tộc thuộc tỉnh Vân Nam – Trung Quốc ngày nay) cướp được thành Tống Bình (An Nam đô hộ phủ đặt tại thành Tống Bình, tức Hà Nội ngày nay). Trước tình hình đó năm 865 nhà Đường cử Cao Biền làm Đô hộ tổng quản kinh lược sứ chiêu phạt quân Nam Chiếu giành lại đất An Nam. Cao Biền đóng quân ở Phong Châu, thu phục được nhiều thành nhỏ rồi đem quân vây hãm phủ thành, giết hơn 3 vạn quân Nam Chiếu, chiếm lại được đất An Nam. Sau khi đánh được quân Nam Chiếu, để tăng cường chính quyền đô hộ, Cao Biền đã cho đắp lại thành Đại La, định lại Cương Giới, đặt quân đồn trú tại biên cương, nhất là phía Nam để phòng người Lâm Ấp và phía Tây Bắc để phòng người Nam Chiếu. Cao Biền còn sai lập lại số điền tịch và chỉnh đốn việc thu thuế, khôi phục các đại điền trang, khai khẩn đất hoang, dạy dân làm nông nghiệp. Với những khoản đóng góp đó, mặc dù là viên quan của Trung Hoa nhưng ông vẫn được các triều đại phong kiến tự chủ về sau phong thần hiệu, mỹ tự. Vua Lý Thái Tổ trong “Chiếu dời đô” còn gọi Cao Biền là Cao Vương, coi ông như một trong các vị vua của dân ta (…Huống Cao Vương cố đô Đại La thành…). Và nhân dân một số nơi còn tôn vinh Cao Biền làm thành hoàng làng hay được hương hỏa, thờ cúng như ở miếu Tuân Lộ.

 

Trạm trên thân kẻ và dép hoành Đình Tuân Lộ

Miếu Tuân Lộ trước đây có quy mô khá lớn với mặt bằng kiến trúc hình “chữ Đinh”, tuy nhiên tòa tiền bái đã bị phá hủy trong chiến tranh, đến nay chỉ còn dấu vết các chân tảng bằng đá xanh. Phần hậu cung đã qua nhiều lần tu sửa nhưng kết cấu gỗ vẫn tồn tại từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII). Đặc biệt việc khắc họa hình tượng rồng trong chạm khắc trang trí trên cốn và đầu dư mang dấu ấn rõ nét của nghệ thuật mang phong cách Hậu Lê. Trên vì nóc gian giữa đục trạm công phu các thân rồng, hổ phù và nhiều linh thú trong tư thế chầu phục được tô màu sặc sỡ (dấu ấn của việc trùng tu vào thời Nguyễn) tạo thành bức tranh rất sinh động, làm điểm nhấn cho toàn bộ công trình. Bên cạnh đó miếu Tuân Lộ còn khá nhiều cổ vật, di vật có giá trị, đặc biệt là các tài liệu sắc phong cho thần qua nhiều thời đại.

 

Tam quan Chùa Hoa Dương

Một nét đẹp của văn hóa làng xã nữa là ngôi chùa làng. Ở hầu hết các làng xã trước đây của Bắc Bộ thì làng nào cũng có ít nhất một ngôi chùa. Làng Tuân Lộ có ngôi chùa mang tên chữ là “Hoa Dương tự”. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, có mặt bằng hình “chữ Công”, hiện nay được trùng tu, tôn tạo với quy mô khá lớn để trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa và thực hành nghi lễ phật giáo của người dân trong vùng. Chùa Hoa Dương có hệ thống tượng Phật phong phú, nhiều giá trị về mỹ thuật tạo hình. Tượng thờ ở chùa Hoa Dương được tạc bằng chất liệu gỗ dưới dạng phù điêu tượng tròn mang đặc trưng của phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII như: tượng có kích thước gần giống người thực, mặt vuông, thân hình đầy đặn, nhục kháo rất nhỏ, áo dài có nếp buông xuôi như suối chảy rất sống động,... Cũng giống như các ngôi chùa làng khác, bài trí tượng ở chùa Hoa Dương theo mô tuýp hệ tượng thờ của dòng Phật giáo – Bắc tông nên có nhiều loại tượng: Thích-ca, A-di-đà, Bồ-tát, các vị hộ thần, hộ pháp,… rồi lại có cả tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu do chịu văn hóa thời kỳ này mang tính chất “tam giáo đồng nguyên”. Hệ thống tượng ở đây được sơn nhiều lớp, lớp ngoài phủ thiếp tạo màu sáng nhưng không lóa nên hình dáng uy nghi mà gần gũi.

 

Miếu Tuân Lộ

Đến với vùng quê này, tiếp cận những không gian văn hóa truyền thống nơi đây chúng ta vẫn dễ dàng cảm nhận được bản sắc đậm đà của văn hóa làng. Trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, văn hóa làng Việt đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt của mình. Sau lũy tre làng, bên giếng làng, dưới mái đình làng, trong bầu không khí thân thương của những ngày hội làng, mọi người sống với nhau nặng tình nặng nghĩa, giúp đỡ nhau lúc tối lửa tắt đèn. Tình làng nghĩa xóm, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống làng, xã có kỷ cương, trong sáng và rất đỗi thanh cao.

ST

Tệp đính kèm