Sáng 16/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và định hướng những nhiệm vụ chủ yếu của năm 2016.
Diễn tập tình huống lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn. (Ảnh: Văn Nhật/TTXVN)
Chỉ đạo buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Ủy ban tiếp tục triển khai mạnh mẽ các phương tiện, biện pháp nghiệp vụ để cứu nạn phi công và máy bay trong vụ máy bay Su-30 MK2 tại vùng biển Nghệ An ngày 14/6.
Liên quan đến sự cố này, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết đến ngày 16/6, đã huy động 32 tàu quân sự, 144 tàu ngư dân các tỉnh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh phía Nam, 6 máy bay tham gia công tác tìm kiếm máy bay và phi công gặp nạn.
Các lực lượng cũng sẽ mở rộng diện tích tìm kiếm ra phía ngoài khu vực xác định thêm 100 đến 120km nữa. Ủy Ban đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thông tin hàng hải để ngư dân quan sát cứu hộ.
Thời tiết có thể sẽ tiếp tục diễn biến bất thường
Cũng theo Ủy ban Quốc gia tìm tiếm cứu nạn, những tháng đầu năm nay, khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng và kéo dài; mưa lớn gây ngập lụt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng, điển hình như vụ chìm tàu ở Đà Nẵng, các sự cố về sập đổ cầu, công trình.
5 tháng đầu năm cả nước xảy ra gần 1370 vụ tai nạn, không tính tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, tăng 276 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, làm chết 256 người, tăng 21 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thành viên Ủy ban cho rằng, do tác động của biến đổi khí hậu, những tháng tiếp theo trong năm 2016, tình hình thời tiết, khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến bất thường, cực đoan và khó lường. Số cơn bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc ít hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cường độ sẽ rất mạnh, bất thường.
Các loại hình thiên tai khác như giông lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá, rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán… sẽ tiếp tục diễn biến bất thường. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế trên các vùng, miền, đặc biệt là các công trình giao thông, khai thác tài nguyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố khó lường có thể xảy ra trên cả đất liền và trên biển.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, tránh trường hợp dự báo sai dẫn tới ứng phó sai, Ngoài ra, rà soát lại việc bố trí dân cư, không để người dân sinh sống tại những khu vực nguy cơ cao, tiềm ẩn sự cố.
Ba thông điệp của Thủ tướng trong tìm kiếm, cứu nạn
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ 3 thông điệp định hướng cho công tác tìm kiếm cứu nạn về nhận thức, trách nhiệm; xử lý kịp thời và tinh thần 4 tại chỗ.
Theo đó, Thủ tướng đề cao tinh thần trách nhiệm của mọi cơ quan chức năng trong tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Mọi sự cố liên quan đến tai nạn, thiên tai đều phải được chỉ đạo, xử lý kịp thời. Các cấp, các ngành và người dân phải chủ động xử lý các sự cố theo tinh thần “4 tại chỗ.”
Cho rằng, thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều thiên tai, sự cố, tai nạn, Thủ tướng biểu dương Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là lực lượng vũ trang. Ủy ban cũng đã thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, củng cố hệ thống tổ chức, sinh hoạt thường xuyên, góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản của của nhân dân và Nhà nước.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục trong công tác tìm kiếm cứu nạn như: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân chưa đầy đủ về thiên tai, sự cố, nhất là trong việc di dời người dân phòng, tránh hậu quả sự cố, thiên tai. Bên cạnh đó, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn còn chưa chủ động và còn hạn chế; chế độ trực, theo dõi tình hình, chế độ báo cáo theo phân cấp có vụ việc chưa kịp thời, phối hợp hiệp đồng thiếu chặt chẽ; công tác triển khai lập phương án ứng phó với siêu bão còn chậm.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, các bộ, ngành trung ương cần có sự thay đổi lớn về nhận thức và hành động, đặc biệt, rà soát kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, cơ quan chức năng về thiên tai, sự cố, tránh tư tưởng chủ quan, hạn chế xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Để kịp thời ứng phó với những sự cố xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng địa phương duy trì chế độ trực 24/24, nắm bắt sự cố thiên tai, khi xảy ra thì báo cáo kịp thời và huy động lực lượng xử lý.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt hơn Luật phòng chống thiên tai và Chỉ thị của Thủ tướng về tìm kiếm, cứu nạn phát huy tinh thần trách nhiệm đối với tài sản Nhà nước và nhân dân. Thủ tướng cũng đề nghị phải rà soát, điều chỉnh bổ sung các phương án phòng, chống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, để có thể ứng phó với với một số tình hình như là mưa lũ lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần và đặc biệt là bão mạnh, siêu bão, phải đặt ra các tình huống này để xử lý.
Về nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, cơ quan quân sự, Công an các địa phương đều phải có phương án, chủ động di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi xảy ra sự cố.
Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự là trung tâm tham mưu, ưu tiên mọi lực lượng, phương tiện để cứu nạn kể cả huy động máy bay, bộ binh, xe tăng, khi cần thiết. Bộ Công an chịu trách nhiệm về phòng chống cháy nổ, đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời - Thủ tướng nhấn mạnh
Bộ Ngoại giao và bộ, ngành liên quan tăng cường trao đổi với các nước về công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động hơn nữa trong hoaạt động cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết đảm bảo tính chính xác. Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp theo dõi, điều tiết vận hành các hồ thủy điện, hồ thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Y tế, Tài chính, nghiên cứu các kiến nghị của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để bố trí nguồn lực thực hiện chương trình hành động; dự trữ nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nước uống, sẵn sàng cung cấp nếu vùng thiên tai có nhu cầu. Các địa phương và các bộ ngành phối hợp di dời dân ra khỏi những vùng sạt lở, có nguy cơ nguy hiểm.
"Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh phải thường xuyên chủ trì sinh hoạt, chỉ đạo bộ phận thường trực, điều phối xử lý các vấn đề xảy ra; không để sự cố, tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân mà Chính phủ và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn không biết và không có sự chỉ đạo," Thủ tướng nêu rõ./.
Theo QUANG VŨ (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-nang-cao-trach-nhiem-trong-tim-kiem-cuu-ho-cuu-nan/391416.vnp