Thành Quận Hẻo gắn liền với sự tích người anh hùng áo vải Nguyễn Danh Phương (thế kỷ XVIII), thủ lĩnh của phong trào nông dân khởi nghĩa ở Vĩnh Phúc chống lại chiều đình phong kiến Lê, Trịnh. Thành được nghĩa quân thiết lập làm căn cứ thủ hiểm ở vùng thung lũng Thanh Lanh Ngọc Bội thuộc xã Trung Mỹ huyện Bình Xuyên.
Theo sử sách viết lại thì Nguyễn Danh Phương (nhân dân thường gọi là Quận Hẻo), người xã Tiên Sơn, huyện Yên Lạc nay là xóm Tiên Sơn, phường Hội Họp, thị xã Vinh Yên. ông xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng được bố mẹ lo cho ăn học. Trước thực tế cuộc sống nhân dân lúc đó, ông coi khinh việc thi cử đỗ đạt, không làm quan với triều đình Sau khi hai thủ lĩnh Tế và Bồng dấy binh khởi nghĩa, ông đã đi theo và trở thành bộ tướng mưu lược và dũng cảm.
Năm 1740 khi thủ lĩnh Tế và Bồng bị bắt ông trở thành thủ lĩnh duy nhất của phong trào khởi nghĩa nông dân của Vĩnh Phúc trong những năm 40 - 50 của thế kỷ XVIII.
Năm 1974 Nguyễn Danh Phương trực tiếp dẫn quân tiến đánh Bạch Hạc, song không thành nên phải rút toàn bộ lực lượng về thủ hiểm Ở vùng Thanh Lanh Ngọc Bội. Căn cứ này gọi là Đại đồn nằm gọn trong thung lũng. Hai bên và phía sau thung lũng đều là núi cao, hiểm trở. Vào Đại đồn chỉ có con đường độc đạo từ cửa thung lũng đi vào. Ở đây Quận Hẻo đã cho quân đắp một vòng thành cao rộng chắn ngang. Thành chặn dòng suối Thanh Lanh cho nước dâng lên, biến thung lũng thành một hồ nước lớn vừa là chiến hào thiên nhiên bảo vệ Đại đồn, vừa là đập dẫn nước cho cánh đồng hạ lưu, quân sĩ ra vào đều phải dùng thuyền. Phía trong Đại đồn có kho quân lương khí giới, có đồi Quần Ngựa cho binh sĩ luyện tập, có kho đúc tiền, đấu đong quân, vực tắm voi…
Ngoài Đại đồn ra, Quận Hẻo còn đóng Trung đồn Ở Hương Canh Bình Xuyên, Tiền đồn Ở Thanh Tước Mê linh. Trải qua theo năm tháng, khu Đại đồn của Quận Hẻo hiện nay chỉ còn lại một số di tích. Từ ngoài thung lũng đi vào, nổi lên thành Quận Hẻo mà nhân dân thường gọi là bờ vòng Thanh Lanh. Thành chắn ngang thung lũng Thanh Lanh đầu phía tây gối vào dãy núi Quần Ngựa, đầu phía Đông gối vào dãy núi chợ Trời. Thành đứng sừng sững như một con đê lớn, dấu tích hiện còn dài hơn 700m, chân rộng 30m, mặt chỗ rộng nhất 10m chỗ hẹp nhất cũng 7m, cao trung bình là 8m. Vào quá phía trong một chút có Đấu đong quân, Bãi thí cháo, Đồi quần ngựa, Khe đúc tiền, Vực tắm voi Cuối cùng là đến doanh trại. Đây là nơi tận cùng của thung lũng, được bao bọc bởi rừng cây nguyên sinh rậm rạp thuộc hệ thống vườn quốc gia Tam Đảo. Doanh trại này không còn gì ngoài dòng thác Ba Ao, nguồn nước sinh hoạt của nghĩa quân lúc bấy giờ.
Thành Quận Hẻo, thác Ba Ao cùng với đền Đông cung, xóm Đồng Đình là nơi Bộ quốc phòng đặt công binh xưởng năm 1947 - 1948. Đầu năm 1950 là nơi đặt văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Bình Xuyên, sẽ là một quần thể di tích danh thắng hội tụ cả tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử thắng cảnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
ST