Cập nhật: 18/06/2016 09:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã tìm thấy các địa điểm khảo cổ: Lũng Hòa, Gò Mát (xã Lũng Hòa), Nghĩa Lập (xã Nghĩa Hưng), Ma Cả, Đồng Hương (thị trấn Thổ Tang); trong đó, di tích Nghĩa Lập và di tích Lũng Hòa là di tích cư trú - mộ táng, các di tích còn lại thuộc loại hình di tích cư trú thuần túy. Từ kết quả của các cuộc khai quật và thám sát các di tích này, các nhà khoa học bước đầu khẳng định, những lớp người cổ xưa xuất hiện trên đất Vĩnh Tường ít nhất cũng cách ngày nay khoảng 3.500 - 4000 năm.

Di tích Nghĩa Lập phân bố trên một gò đất cao hơn mặt ruộng xung quanh từ 1,2 - 1,5mm, thuộc thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng; rộng khoảng 26.000m2, tầng văn hóa dày trung bình 0,4m song không đều, phía Bắc tương đối dày, mỏng dần về phía Nam, đất màu xám nâu hoặc xám đen. Di tích Nghĩa Lập được phát hiện năm 1963, đội Khảo cổ (nay là Viện Khảo cổ học Việt Nam) đã điều tra và thám sát di tích này năm 1967 và khai quật lần thứ nhất năm 1968 với diện tích 180m2. Năm 2006-2007, cuộc khai quật lần thứ 2 được tiến hành trên tinh thần hợp tác liên cơ quan Việt Nam - Trung Quốc (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Sở Khảo cổ học tỉnh Tứ Xuyên và Sở Khảo cổ học tỉnh Thiểm Tây) với diện tích 184m2. Đến năm 2011, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khai quật lần thứ 3 di tích này với diện tích 52m2.

 

Hố khai quật di chỉ Nghĩa Lập

Qua 3 lần khai quật với tổng diện tích 416m2, đã phát hiện được rất nhiều hố đất đen hình gần vuông hoặc chữ nhật, thành thẳng đáy bằng, sâu trên dưới 1m, chứa đựng nhiều than củi, đất nung cùng nhiều đồ đá, đồ gốm. Hiện vật thu được khá đa dạng bao gồm hàng trăm hiện vật đá cùng hàng vạn mảnh gốm vỡ. Đặc biệt,  trong đợt khai quật lần thứ hai đã tìm thấy ngôi mộ khá nguyên vẹn. Huyệt mộ hình chữ nhật, dài 2m10, rộng 0m80, sâu 0m45, trong huyệt mộ là bộ hài cốt người ở tư thế nằm ngửa, thẳng, hộp sọ khá to, bàn tay phải hơi co lại gác lên đùi phải, bàn tay trái duỗi thẳng úp vào đùi trái, xương ống khá to, dài. Đây là di cốt của người đã trưởng thành, cao chừng 1m55. Phía trên đầu hộp sọ có đặt một bát bòng bằng gốm màu nhạt, bát có miệng loe, tròn, cao 23cm, đường kinh 30cm, chân bát hình trụ, đế loe úp, toàn bộ phần ngoài của bát được trang trí hoa văn khắc vạch, chấm dải rất đẹp.

 

Hiện vật di chỉ Ma Cả

Căn cứ kết quả các lần khai quật Nghĩa Lập cùng với việc phát hiện ngôi mộ táng giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ học khẳng định di tích Nghĩa Lập là một di tích cư trú - mộ táng có khung niên đại Phùng Nguyên điển hình thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Di tích Lũng Hòa nằm trên một khu đất cao trồng màu, thuộc cánh đồng Đầu, thôn Hòa Loan xã Lũng Hòa. Di tích được phát hiện năm 1963 và cũng năm đó đã đào 3 hố thám sát với diện tích 3m2. Từ đó đến nay, đã qua 3 lần khai quật vào các năm 1965-1966, 1966 và 1999. Tầng văn hóa của di tích tương đối mỏng, chỉ khoảng 0,3 - 0,4m, loại đất sét pha cát màu xám đen, chứa nhiều gốm thô và hiện vật đá. Sinh thổ có một số hố đất đen hình mặt tròn, đường kính 1,2 - 2,3m, sâu trên dưới 1m, trong chứa nhiều mảnh gốm thô và đồ gốm.

 

Hiện vật di chỉ Lũng Hòa

Đặc biệt, trong cuộc khai quật lần thứ nhất (năm 1965-1966) lần đầu tiên phát hiện được một khu mộ táng lớn thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Không kể 3 ngôi mộ gạch chỉ còn phần đáy thuộc thời Bắc thuộc, 2 ngôi mộ gò ở phía trên, một ngôi mộ đất trong có chôn theo 1 chiếc gương đồng có cán thuộc giai đoạn muộn thì ở đáy tầng văn hóa đã phát hiện được 12 ngôi mộ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Đây là những ngôi mộ đất được chôn theo hướng Tây bắc - Đông nam, huyệt mộ tương đối lớn và có cấu trúc khá đặc biệt. Cho đến nay, kể cả mộ ở các giai đoạn muộn sau này, chưa ở đâu trên đất nước ta có một khu mộ có huyệt mộ lớn và sâu như khu mộ Lũng Hòa. Hầu hết các mộ đều có vật tùy táng là đồ đá và đồ gốm, thường được chôn theo đôi như nồi, bình, bát, chạc gốm, rìu đá, vòng đá, bàn mài, xương cốt phần lớn bị mục nát, chỉ còn lại một phần xương đùi, xương sườn là có thể nghiên cứu được. Khu mộ táng Lũng Hòa không những cung cấp cho chúng ta một bộ sưu tập đồ gốm còn khá nguyên vẹn của văn hóa Phùng Nguyên mà còn là nguồn tư liệu quý hoàn chỉnh nhất để tìm hiểu cuộc sống và xã hội của cư dân Lũng Hòa thời bấy giờ.

Di tích Gò Mát nằm ở phía Tây bắc làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, cách di tích Lũng Hòa khoảng 500m được phát hiện năm 1972 và đã đào hố thám sát 1m2. Di tích nằm trên một quả gò nhỏ, nay đã thành ruộng bậc thang để trồng trọt.

Di tích đồng Hương thuộc thôn Hương Viên (Phương Viên), thị trấn Thổ Tang, được phát hiện vào năm 1978, chưa qua thám sát, khai quật.

Di tích Ma Cả thuộc thôn Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, chỉ mới qua điều tra, thám sát, chưa tiến hành khai quật.

Ngoài những di tích trên, ở Vĩnh Tường còn phát hiện được một số địa điểm có gốm thô, rìu tứ giác nhưng tầng văn hóa không rõ ràng như gò Đồng Cũ ở xã Lũng Hòa, gò Đuông ở xã Bồ Sao, Bãi Mía ở xã Vĩnh Sơn; một số rìu bôn ở xã Vũ Di…

Di cốt người Việt cổ - di chỉ Nghĩa Lập

Qua những dấu tích cư trú, mộ táng của người Việt cổ ở Vĩnh Tường, chúng ta có thể hình dung được đời sống vật chất và tinh thần của những cộng đồng dân cư từ mấy nghìn năm trước trên vùng đất này.

Về đời sống vật chất

Cư dân cổ Vĩnh Tường chủ yếu sinh sống trên các doi đất cao gần sông với những rìu đá được xem là những công cụ vạn năng, họ dùng để chặt cây, đục đẽo dựng nên những túp lều nhỏ bằng tre, nứa, gỗ trên nền đất sét. Trong bối cảnh môi trường thiên nhiên như vậy nông nghiệp là nguồn sống chính của cư dân cổ nơi đây với những công cụ như rìu, bôn đá được tra thêm cán gỗ, sử dụng thuận tiện để chặt cây, phát quang diện tích để trồng lúa, cây lương thực. Số lượng rìu, bôn đá thu được qua các cuộc khai quật tại các di tích Nghĩa Lập, Lũng Hòa lên tới hàng trăm tiêu bản.

Ngoài việc trồng lúa, cư dân cổ Vĩnh Tường còn trồng cây ăn quả, ăn hạt. Chứng cứ là trong bếp than tro ở các di tích đã phát hiện được hạt trám, mận, mơ và đỗ. Phương pháp canh tác của họ chủ yếu là dùng cuốc. Phần lớn các nhà nghiên cứu chia nông nghiệp thời nguyên thủy làm 3 giai đoạn phát triển là: Nông nghiệp chọc lỗ, nông nghiệp dùng cuốc và nông nghiệp dùng cày. Cho đến lúc này, cư dân nơi đây đã bước vào giai đoạn nông nghiệp dùng cuốc, cả cuốc đá và cuốc gỗ để cuốc đất và trồng trọt. Tuy phương pháp canh tác còn thô sơ, nông cụ còn giản đơn, chủ yếu vẫn còn là bằng đá, song trên đất đồng bằng châu thổ phì nhiêu, nhiều chất khoáng, chất vi lượng, lại sẵn nguồn nước nên kinh tế nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ yếu của cư dân cổ Vĩnh Tường thời kỳ này.

Nghề chăn nuôi của người Việt cổ ở Vĩnh Tường cũng đã ra đời và phát triển. Trong tầng văn hóa ở di tích Lũng Hòa, Nghĩa Lập đã thu được nhiều xương răng thú vật, trong đó một số là vật nuôi như lợn, trâu, bò, chó, gà. Trong 12 ngôi mộ thuộc văn hóa Phùng Nguyên ở Lũng Hòa có tới 07 ngôi mộ có chôn theo hàm lợn. Sự có mặt của hàm lợn trong thời kỳ đó cho thấy sự gần gũi của lợn đối với con người, cũng như vị trí của lợn trong đời sống vật chất và tinh thần của con người lúc bấy giờ.

 

Hiện vật khảo cổ xã Yên Lập

Ở các di tích Lũng Hòa, Nghĩa Lập còn phát hiện được khá nhiều xương răng, sừng động vật hoang dã, trong đó xương răng và sừng của loài hươu, nai chiếm số lượng nhiều nhất. Không những thế, người Việt cổ nơi đây còn săn bắn được cả những loài thú lớn, hung dữ như voi, hổ, gấu, lợn rừng. Do lúc bấy giờ đối tượng săn bắn và hái lượm còn phong phú còn dồi dào dễ kiếm nên đã góp thêm vào nền kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi một nguồn lực đáng kể.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp, các ngành thủ công nghiệp cững được hình thành và không ngừng phát triển, đó là nghề làm đá, làm gốm. Sớm hơn cả là nghề làm đồ đá, cư dân Việt cổ ở Vĩnh Tường đã sử dụng kỹ thuật cưa, khoan, mài, tiện đá một cách thành thạo. Họ đã có thể làm ra những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao. Ngay kỹ thuật khoan, họ đã dùng kỹ thuật khoan thủng từ hai đầu loại đá cứng nêphrit để làm ống chuỗi. Đối với vòng đeo tay, nhẫn hoặc khuyên tai họ lại dùng phương pháp khoan tách lõi để vừa chế tạo những vòng đá tròn trặn vừa tiết kiệm nguyên liệu. Nghề làm gốm thời kỳ này cũng đã rất tiến bộ và ngày một phát triển. Người Vĩnh Tường cổ đã nắm được kỹ thuật pha trộn, chọn lựa đất làm gốm khá tốt, đã sử dụng bàn xoay để tạo nên những đồ gốm mỏng, tròn đều. Với bàn xoay, đồ gốm không những đẹp hơn, kiểu dáng phong phú mà còn có thể sản xuất hàng loạt, đáp ứng nhu cầu lúc bấy giờ.

Bên cạnh những ngành nghề thủ công chính, cư dân cổ Vĩnh Tường còn biết dệt vải, đan lát. Tuy chưa phát hiện được dấu tích dệt vải, song sự có mặt của dọi xe sợi trong hầu hết các di tích chứng tỏ nghề dệt được phổ biến rộng rãi trong các gia đình. Dọi xe sợi có kích cỡ khá lớn với các kiểu dáng khác nhau như hình bánh xe, hình chóp cụt, hình thoi, một số được trang trí hoa văn ở một mặt hoặc cả hai mặt. Ở Lũng Hòa và Nghĩa Lập đã phát hiện được hàng chục tiêu bản dọi xe sợi qua các lần khai quật. Kỹ thuật đan của cư dân cổ Vĩnh Tường cũng khá điêu luyện, nan vót đều, họ đã đan nong mốt, nong đôi, ngay ngắn, đẹp mắt như những tấm đan hiện nay. Bằng chứng là đáy của nhiều đồ gốm phát hiện ở di tích Nghĩa Lập, Lũng Hòa, Ma Cả có in hoa văn kỹ thuật nong mốt, nong đôi chiếm số lượng khá nhiều.

Trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa phát triển, cuộc sống của cư dân thời kỳ này ngày một nâng cao, cũng là tiền đề cho sự phát triển của nghề làm đồ trang sức. Các địa điểm khảo cổ trên đất Vĩnh Tường đều phát hiện được các đồ trang sức bằng đá, bằng xương. Chẳng hạn ở di tích Lũng Hòa đã phát hiện được 98 mảnh vòng, 19 hạt chuỗi. Đồ trang sức ở đây gồm đủ loại và kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Riêng vòng trang sức cũng có tới chục loại khác nhau, tính theo mặt cắt ngang thì từ hình chữ nhật dẹt, hình thang, hình vuông, hình tròn, bán nguyệt, tam giác, đến những loại phức tạp như hình chữ D, chữ T, vòng có gờ,…

Đời sống tinh thần

Trong quá trình lao động sản xuất, không những trình độ thẩm mỹ của con người ngày càng phát triển mà tư duy trừu tượng cũng không ngừng được nâng cao, thậm chí ở một số mặt nào đó đã tiến gần đến tư duy khoa học. Họ đã phản ánh vào trong nghệ thuật các hiện tượng tự nhiên mà họ quan sát được. Họ đã biết trang trí những đồ án, những họa tiết hoa văn trên đồ gốm theo phép đối xứng, từ đối xứng gương đến đối xứng trục. Những tư duy trừu tượng này không phải ngẫu nhiên mà có, con người biết đúc kết những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, cũng như quan sát các hiện tượng trong thiên nhiên và phải trải qua quá trình đối chiếu, so sánh, hệ thống hóa mà hình thành. Từ tư duy trừu tượng, cư dân cổ Vĩnh Tường đã dần dần có được những tư duy và kiến thức khoa học cơ bản. Để có được những công cụ bằng đá cân đối vuông thành sắc cạnh, có được những chiếc vòng đá với những mặt cắt ngang có hình khối khác nhau, những lỗ khoan chính xác, những đường tiện đều đặn, những đồ gốm tròn đều, thanh thoát, cân đối, những đồ án hoa văn phong phú… rõ ràng họ phải có khái niệm về hình khối.

 

Hố khai quật di chỉ Nghĩa Lập

Về đời sống tâm linh, vấn đề luôn được người Việt cổ Vĩnh Tường quan tâm đó là sự sống và cái chết. Người chết được chôn cất cẩn thận chu đáo, mỗi giai đoạn có một cách chôn cất riêng. Ở những ngôi mộ Lũng Hòa, Ma Cả cho thấy người chết lúc này được chôn thành một khu trong nơi cư trú để người sống thuận tiện chăm nom và luôn cảm thấy gần gũi, thân thương như lúc còn sống. Mộ thường được chôn trong huyệt đất. Riêng khu mộ Lũng Hòa thì người chết được đào sâu, chôn chặt, huyệt rất to, lại có các tầng cấp. Hầu hết các huyệt mộ Lũng Hòa đáy đều phẳng, tử thi đều được chôn nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng, có phương hướng giống nhau trong từng mộ địa và thường được chôn theo các công cụ và vật dụng hàng ngày như rìu, đục, bàn mài, vòng trang sức bằng đá, nồi, vò, bình, bát, chạc gốm,… Với phương thức mai táng này, rõ ràng cư dân cổ nơi đây không những coi trọng cái chết mà họ còn quan niệm về cuộc sống bên kia thế giới. Sau lúc chết ở thế giới bên kia con người vẫn lao động, vẫn sống bình thường như lúc còn sống trên thế gian này. Quan niệm này vẫn hiển hiện cho đến nay trong phần lớn nhân loại.

Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ ở Vĩnh Tường khá phong phú và đa dạng. Nông nghiệp, chăn nuôi và các nghề thủ công phát triển đã đảm bảo cuộc sống cho họ. Nhờ đó mà họ có thể “an cư lạc nghiệp” lâu dài ở vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng, sông Phan cả nghìn năm. Những cư dân ở Việt cổ ở vùng Vĩnh Tường cùng với cư dân Việt cổ ở vùng đồng bằng Bắc bộ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách ngày nay khoảng 4000 năm) thật sự là những người “khai sơn phá thạch, mở lối đắp đường” ở Châu thổ sông Hồng để cho các lớp người sau - người Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn tiếp tục tiến lên đỉnh cao mới với việc hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc và nền văn minh lúa nước ở Châu thổ sông Hồng.

ST

Tệp đính kèm