Vĩnh Tường là huyện đồng bằng của tỉnh Vĩnh Phúc - miền quê giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, trong đó nổi tiếng khắp gần xa là nghề mộc ở An Tường, nghề rèn ở Lý Nhân và nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn.
Nghệ nhân Làng Mộc
Nghề mộc ở An Tường được ví như một nét nhấn đặc sắc trong bức tranh tổng thể của làng quê Vĩnh Tường. Nghề mộc đã gắn bó và lưu truyền trong cộng đồng cư dân nơi đây qua nhiều đời. Ở Bích Chu hiện vẫn còn nhà thờ tổ nghề mộc, hàng năm nhân dân đều tổ chức nghi lễ giỗ tổ nghề rất trang trọng. Theo thời gian, nghề mộc ở An Tường ngày càng phát triển, mang lại thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Trước đây, nghề mộc chỉ có ở làng Bích Chu và Thủ Độ, sản phẩm làm ra khá đơn điệu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và các vùng lân cận. Nguồn nguyên liệu là gỗ của cây mít, đinh, lát… được mua từ những nơi khác về, qua các công đoạn tách vỏ, đẽo, đục, cưa, bào rồi lắp ghép thành những chiếc giường, tủ, bàn ghế. Do sản phẩm chủ yếu làm bằng phương pháp thủ công, chưa có sự hỗ trợ của máy móc nên năng xuất thấp, tính mỹ thuật không cao, chưa trở thành nghề chính của người dân địa phương. Đến nay, sản phẩm của các làng nghề mộc An Tường ngày càng tinh xảo, không chỉ đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm, bền chắc về chất liệu mà giá cả cũng rất hợp lý. Từ các sản phẩm mộc dân dụng: bàn ghế, giường tủ đến các sản phẩm mộc mỹ nghệ: tủ thờ, án gian, cuốn thư, hoành phi, câu đối, đều đảm bảo về chất lượng, mẫu mã, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Bằng tâm huyết và tài năng của mình, người thợ mộc An Tường đã sáng tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của địa phương như: Sập gụ, tủ chè, bàn ghế. Những sản phẩm này đã được người thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ truyền với những yếu tố hiện đại, khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, tinh tế,… được đông đảo khách hàng đánh giá cao. Các gia đình sản xuất đồ mộc ở An Tường đã chủ động tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu sản phẩm mộc trên thị trường và nỗ lực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, sáng tạo, mẫu mã, quảng bá sản phẩm nên các mặt hàng đồ gỗ của các làng nghề đã dần được cải tiến về hình thức, mẫu mã ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong xã còn tích cực liên hệ tìm nguồn hàng và mở rộng thị trường, hướng tới thị trường nước ngoài.
Mộc Thủ Độ
Từ hai làng gốc Bích Chu và Thủ Độ, đến nay nghề mộc được mở rộng trên phạm vi toàn xã. Tính cả 4 làng (Bích Chu, Thủ Độ, Cam Giá, Kim Đê) có trên 900 hộ theo nghề mộc, riêng hai làng Bích Chu và Thủ Độ có trên 600 hộ. Toàn xã có 20 doanh nghiệp và gần 500 cơ sở, tổ hợp sản xuất mộc lớn, nhỏ. Sản phẩm mộc An Tường hiện nay là đồ gia dụng và chạm khắc gỗ. Doanh thu của nghề mộc bình quân hàng năm đem lại cho người dân trong xã khoảng trên dưới 40 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp hàng năm (chủ yếu từ nghề mộc) chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất của toàn xã. Được sự quan tâm, định hướng của tỉnh và huyện Vĩnh Tường, những năm gần đây hoạt động sản xuất của các làng nghề mộc ở xã An Tường đang dần chuyển đổi và mang tính chuyên nghiệp cao. Công cụ làm mộc đã được các cơ sở sản xuất chủ động đầu tư theo hướng cơ khí hóa, điện khí hóa, các khâu làm mộc chủ yếu như: Khoan, cưa, đục, tiện, phay, bào, đánh bóng, phun sơn, ép,… đã được thực hiện bằng máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời mỗi cơ sở sản xuất đều chủ động hướng đến một mặt hàng thế mạnh để từ đó sản xuất ra những sản phẩm mộc ngày càng tinh xảo, thẩm mỹ hơn. Năm 2012 giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã ước tính đạt gần 60 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất toàn xã. Việc gìn giữ và phát triển nghề mộc đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân trong xã, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng từ 40% lên trên 60%, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,3% (cuối năm 2011) xuống còn 5,1% (cuối năm 2012). Trải qua thời gian, người thợ của các làng nghề mộc An Tường đang nỗ lực gìn giữ, phát triển nghề truyền thống mà cha ông họ đã dày công xây dựng, vun đắp. Với sự sáng tạo, đôi bàn tay tài hoa họ đã và đang cống hiến cho đời những sản phẩm mộc mang thương hiệu của làng nghề Bích Chu, Thủ Độ - An Tường.
Mộc Bích Chu
Với nghề rèn và các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, địa danh Bàn Mạch - Lý Nhân đã trở lên khá quen thuộc với người dân cả nước. Tương truyền nghề rèn Bàn Mạch đã có từ xa xưa. Khi ấy, đất canh tác của làng ít nên thời gian nông nhàn nhiều, ngoài hai vụ cày cấy, gặt hái người dân Bàn Mạch không biết làm gì khác nên đời sống rất khó khăn. Rồi một ngày, có vị Quận công về làng, thấy làng quê này có thể phát triển thịnh vượng bèn mượn thầy giỏi truyền nghề, dạy việc cho dân, nghề rèn ở Bàn Mạch ra đời từ đó. Mọi nhà, mọi người đều hăng say học nghề, làm nghề. Lúc đầu nghề rèn chỉ được người Bàn Mạch thực hiện vào lúc nông nhàn, thu nhập bổ trợ cho sản xuất nông nghiệp; về sau, nghề rèn đã phát triển hơn và có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.
Rèn Lý Nhân
Trước đây sản phẩm của nghề rèn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, chủ yếu dùng sức khỏe và sự khéo léo của đôi bàn tay để làm ra các công cụ: cuốc, xẻng, liềm, dao, chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã chưa tinh xảo, hình dáng còn thô. Hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường, giải phóng sức lao động nên nhiều tiến bộ kỹ thuật được người thợ rèn Bàn Mạch áp dụng như sử dụng các loại máy móc hiện đại, xây lò nung theo tiêu chuẩn, góp phần giảm thiểu tiếng ồn, nâng cao năng xuất lao động, sản xuất được nhiều loại sản phẩm có chất lượng, giá thành hạ, phù hợp với thị hiếu khách hàng. Sản phẩm rèn Bàn Mạch đã tạo nên thương hiệu riêng với mẫu mã đẹp, đồng đều, độ sắc bén cao và không mẻ, ít vỡ khi va đập. Để có được sản phẩm rèn đạt chất lượng cao, yêu cầu bắt buộc phải trải qua hai công đoạn. Công đoạn thứ nhất là sơ chế sản phẩm, do các thợ phụ thực hiện gồm: nung nóng, làm sạch, là phẳng, sấn bậc, sửa chữa, nắn thẳng. Công đoạn thứ hai là hoàn thiện sản phẩm, do thợ chính thực hiện gồm: vuốt, chồn, xoắn, uốn, đột lỗ, hàn rèn, cắt, ép vết,…
Sản phẩm Mộc Bích Chu
Xuất phát từ truyền thống cha truyền con nối, nghề rèn Bàn Mạch đã trở thành một nghề có tiếng trong vùng, các sản phẩm rèn của Bàn Mạch được sử dụng khắp nơi trong cả nước, được xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, làng nghề rèn Bàn Mạch đã được quy hoạch xây dựng thành một khu sản xuất riêng đảm bảo về môi trường, tránh tiếng ồn và ô nhiễm. Khu làng nghề đã tập chung khoảng 30 hộ dân với hơn 100 lao động, mỗi ngày có thể làm ra hàng vạn sản phẩm chất lượng tốt, đem lại nguồn thu nhập và giải quyết việc làm cho phần lớn lao động của làng. Các sản phẩm rèn ngày càng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, từ các mặt hàng nhỏ bé như chiếc đinh khuy, bản lề cửa cho đến các loại dao, liềm, cuốc, xẻng; cao hơn là các mặt hàng cơ khí lớn. Trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là các mặt hàng có truyền thống lâu đời, là thế mạnh của làng nghề rèn Bàn Mạch, đó là các dụng cụ cầm tay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đời sống sinh hoạt.
Đến với Bàn Mạch - Lý Nhân hôm nay, chúng ta cần đến các lò rèn truyền thống, để biết quy trình sản xuất con dao, cái cuốc và hơn hết để biết được tấm lòng của những người giữ nghề nơi đây. Sự tinh thông nghề nghiệp cùng sự sáng tạo, thủy chung của lớp lớp những người thợ rèn đã giúp cho nghề rèn ở Lý Nhân đứng vững và phát triển cùng thời gian. Từ vài chục lò rèn trước kia, nay Lý Nhân có tới 466 lò rèn luôn đỏ lửa với 1.398 lao động theo nghề. Sản phẩm nghề rèn của Lý Nhân đã có mặt mọi nơi từ Bắc vào Nam, xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Chính vì thế, nghề rèn không những là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình, giải quyết 100% số lao động của địa phương mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại các xã, vùng lân cận với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm người dân Lý Nhân thu về trên 40 tỷ đồng từ sản phẩm rèn. Trong những năm gần đây, khi mà nền kinh tế có nhiều biến động, khó khăn, nhưng với truyền thống giữ vững và phát huy làng nghề, sản phẩm của làng nghề Lý Nhân vẫn đem lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Nghề rèn đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội của cư dân Bàn Mạch - Lý Nhân. Nghề rèn không chỉ tạo ra tầng lớp thương nhân, tiểu thương mà còn thu hút được mọi lực lượng lao động trong từng gia đình, trong làng xã. Sự phát triển của nghề rèn đã xây dựng nên ý thức cần cù, sáng tạo trong lao động, ý thức giữ gìn bí quyết nghề, dạy nghề, truyền nghề và phát huy truyền thống làng nghề của người dân Bàn Mạch - Lý Nhân.
Sản phẩm rượu rắn Vĩnh Sơn
Riêng với nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn, có lẽ là một nghề đặc thù, bởi không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận với rắn. Nhưng với người Vĩnh Sơn, con rắn đã gắn bó với cuộc sống thường nhật của họ qua một thời gian dài. Theo lời những người cao tuổi của địa phương thì xưa kia vùng Vĩnh Sơn còn hoang sơ và rậm rạp, có nhiều loài rắn trú ngụ. Vào những dịp nông nhàn, thanh niên trai tráng trong làng thường đi tìm bắt rắn hoang, bán cho các nhà giàu ngâm rượu và làm thuốc. Từ việc bắt rắn người dân Vĩnh Sơn đã biết nhốt, nuôi rắn rồi cho sinh sản để làm thịt và chế biến rượu rắn. Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn được truyền từ đời này sang đời khác, ngày càng phát triển. Đến với Vĩnh Sơn du khách không chỉ có cơ hội được biết cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng rắn, mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đầy hấp dẫn từ rắn. Nếu không tận mắt chứng kiến khó có thể hình dung con rắn lại gần gũi với người dân đến vậy. Chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh người dân ôm, chạm vào rắn và cũng chỉ đến nơi đây bạn mới cảm nhận được rắn không phải là loài “rắn độc” đáng sợ như chúng ta thường nghĩ, mà nó thực sự thân thiện với cuộc sống con người.
Rắn Vĩnh Sơn
Việc nuôi rắn bố mẹ, ấp nở, nuôi rắn con ở Vĩnh Sơn luôn đảm bảo chất lượng. Nhờ việc tự túc, chủ động được con giống nên mức lãi xuất thu được từ rắn thương phẩm của Vĩnh Sơn đạt rất cao. Rắn thương phẩm của Vĩnh Sơn đã trở thành bạn hàng tin cậy của các nhà hàng đặc sản rắn ở các thành phố lớn, các tỉnh phía Bắc và được xuất sang Trung Quốc. Ngoài ra rắn Vĩnh Sơn còn được chế biến tại chỗ để ngâm rượu Tam Xà, Ngũ Xà, cao rắn… là những đơn thuốc được nhiều người ưa chuộng. Kỹ thuật nuôi rắn và sản phẩm từ con rắn của Vĩnh Sơn không thua kém làng nghề rắn Lệ Mật - Gia Lâm - Hà Nội có từ thế kỷ thứ XI. Hiện nay toàn xã Vĩnh Sơn có 1.200 hộ nuôi rắn, số hộ nuôi từ 5000 đến 6000 con bao gồm con giống, rắn sinh sản, rắn thịt và rắn thương phẩm chiếm tỷ lệ nhiều nhất, khoảng 70% số hộ nuôi rắn trong xã; hộ nuôi ít cũng có từ chục đến trăm con các loại. Nhiều hộ gia đình có trang trại nuôi rắn lớn, hàng năm thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng. Bình quân một năm làng rắn Vĩnh Sơn cung cấp cho thị trường gần 40 tấn rắn thịt, đem lại nguồn thu hàng tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng thu nhập của xã Vĩnh Sơn. Rắn thịt ở Vĩnh Sơn chủ yếu bán cho các thương gia ở Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh để bán sang Trung Quốc.
Có thể nói nghề nuôi rắn thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở xã Vĩnh Sơn, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Từ việc bắt rắn về ngâm rượu từ xa xưa, trải qua bao thế hệ, nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đã trở thành nghề truyền thống, cha truyền con nối, làm thay đổi cuộc sống của các gia đình nơi đây, giúp người dân có cuộc sống sung túc hơn. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Tường đã góp phần tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với việc chăm lo giữ gìn, năng động của các thế hệ người dân, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Tường sẽ được bảo tồn và không ngừng phát triển, góp phần quan trọng vào xây dựng kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Tường.
ST