Đền Đuông xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng năm 1993. Đền thờ Đông Hải Long Vương, con thứ 25 trong số 100 người con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vì kiêng huý chữ “Đông” nên dân gian mới gọi tên đền là Đuông. Truyền thuyết kể lại rằng: Đông Hải Long Vương được Hùng Vương giao cho cai quản cả vùng Bồ Sao, trị thuỷ sông Hồng, thu nạp dân phiêu tán vì lũ lụt về khai phá, lập ấp, giữ yên tĩnh cho các làng chạ suốt vùng châu thổ, từ ngã ba Hạc ra tới cửa biển. Các triều đại phong kiến sau này đều sắc phong cho ngài là “Đông Hải Long Vương tế thế chi thần”.
Thuở xưa, làng Bồ Sao nằm ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi gặp gỡ của 3 con sông lớn: Sông Thao, Sông Lô, Sông Đà, ngày đó chưa có đê bảo vệ. Một năm xảy ra nạn đại hồng thủy, Vua Hùng sai hai con là Định Giang Quan và Đông Hải Quan đi trị thuỷ giúp dân. Sau khi trị thuỷ xong, Vua Hùng phong tước cho Đông Hải Quan là Đông Hải Quan Lang, đóng bản doanh tại làng Bồ Sao để chăm lo đời sống nhân dân. Còn Định Giang Quan ở lại đất Diệm Xuân. Nói về công lao to lớn của Đông Hải Quan Lang nhân dân làng Bồ Sao đã ghi nhận và lưu truyền trong dân gian như:
“Lạc hồng ân tứ dân địch cát,
Bị hận trạch vạn vật hàn thanh.”
Tạm dịch:
“Nhờ ơn lớn bốn dân được tốt,
Chịu ơn dày vạn vật đều thông”
Trong thời gian ở làng, phu nhân Đông Hải Quan Lang sinh hạ được một người con gái vào ngày 15 tháng 5 năm Giáp Tuất, đời Hùng Quốc Vương, đặt tên là Thục Nương, huý là Mục sau gọi là Mục Trinh công chúa.
Một thời gian sau, Đông Hải Quan Lang được gọi về đô thành, làm vua được 3 năm thì hoá vào ngày 12 tháng 3 dưới triều Quốc Vương cùng với Bách Vương. Ngày 12 tháng 9, Hoàng hậu và công chúa cùng hoá ở làng Bồ Sao.
Để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã lập đền thờ tại nơi Ngài đóng bản doanh. Các triều đại đều sắc phong ông là “Đông Hải Long Vương tế thế chi thần”. Đền trải qua nhiều năm thờ cúng, được suy tôn là “Nam Quốc linh từ” tức “Đền thiêng nước Nam”.
Hoà cùng dòng chảy lịch sử, từ văn hoá Hùng Vương xuống văn hoá Kinh Bắc - Thăng Long, trải qua bao biến cố thăng trầm, đền Đuông vẫn hiện hữu một dáng vẻ thâm nghiêm, linh thiêng và cổ kính. Hiện nay, đền Đuông còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị, đồng thời là tâm điểm của những phong tục, lễ hội cổ truyền với những nghi thức phong phú, đặc sắc nhất vùng.
Trong đền hiện đang lưu giữ khoảng 70 cổ vật và quần thể tượng võ sĩ, nô tì được làm bằng đất nung, sơn son thếp vàng rất tinh xảo, các đồ thờ cúng có từ thời Nguyễn vẫn giữ được nguyên vẹn như: đỉnh đồng, đèn đồng, sập thờ, đài nến, ngai thờ, kiệu, các bức hoành phi, câu đối, v.v… Đặc biệt, đền thờ 3 pho tượng, đó là: Đông Long Vương, Hiển ứng Tế thế đại vương, là con thứ 25 của Lạc Long Quân và Âu Cơ trong bọc trăm trứng; Cung phi Hoàng hậu, phu nhân của Đông Hải Quan Lang, tên huý là Thanh, quê gốc ở Châu Hoan; Thục Trinh công chúa Hoàng Bà, huý là Mục- con của Đông Hải Quan Lang và Hoàng Hậu. Hiện nay, đền Đuông còn giữ được 16 sắc phong có từ thời Vua Cảnh Hưng triều Lê, đời vua Quang Trung triều Tây Sơn, triều Nguyễn thời Vua Gia Long (1745-1925) và cuốn Ngọc phả ghi rõ về thần tích, lịch sử đền Đuông.
Đền Đuông có kiến trúc hình chữ Công. Hai toà tiền đường và hậu cung được nối với nhau bằng ống muống. Toàn bộ công trình có 48 cột, hình chum, phình ở giữa và thuôn hai đầu. Các cột đều kê trên đá tảng xanh, chia làm 4 hàng vững chắc. Các kèo làm lối kẻ chuyền, bào trơn đóng bén. Thượng lương đặt trên giá chiêng, ống muống có cấu trúc hai tầng mái kiểu chồng diềm mỗi cạnh 6m nổi lên thành lầu chuông, lầu trống. Mái của đền được lợp bằng ngói mũi hài, mái xoè rộng uốn cong mềm mại ở các góc. Các góc mái có các đầu đao, mỗi đầu đao được đắp hình rồng, đường nét tinh xảo đến lạ kỳ. Đền Đuông được xây dựng từ xa xưa nhưng qua nhiều lần trùng tu đến nay kiến trúc của đền chủ yếu mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Do ảnh hưởng của chiến tranh, chuông cũ của đền Đuông đã bị thất lạc. Từ nhiều năm nay đền Đuông không có chuông. Để tưởng nhớ công ơn của Đông Hải Long Vương, thể theo nguyện vọng của nhân dân Bồ Sao, năm 2014, được sự nhất trí của các cấp có thẩm quyền, Ban quản lý di tích đền Đuông đã đúc 01 quả chuông bằng đồng đỏ với kích thước chiều cao 1,5m, chiều rộng 0,70m; mẫu chuông theo Sắc phong thời Lê - năm 1740, 01 quả trống và hiện nay đang lập các thủ tục, hồ sơ đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép xây dựng lầu chuông, gác trống trong khuôn viên đền.
Hàng năm, dân làng Bồ Sao tổ chức 7 ngày lễ tiệc để tưởng nhớ công ơn trị thuỷ an dân của Đông Long Vương, gồm: Ngày mồng 4 tháng giêng mở hội du xuân của các vị thần linh; ngày mồng 7 tháng giêng kỷ niệm ngày sinh của Hoàng Hậu; ngày 12 tháng 3, ngày hoá của Đông Long Vương; ngày 15 tháng 5, ngày sinh Công chúa Hoàng Bà; ngày 24 tháng 5, ngày sinh Đông Long Vương và Bách Vương; ngày 12 tháng 9, ngày chính tiệc quốc tế của ba vị tại đền Đuông; ngày 24 tháng 11, kỷ niệm triều Lê phong sắc.
Trong các ngày lễ tiệc thì tiệc kỷ niệm ngày sinh công chúa Hoàng Bà là ngày lễ lớn nhất có nhiều trò tục hay và thu hút đông khách thập phương. Tiệc bắt đầu từ ngày 12 tháng 5 là ngày mở cửa Đền. Nhân dân trong vùng sửa lễ xôi, gà ra tế lễ, du khách thập phương đến lễ bái (ngày 13 tháng 5 là ngày dâng lễ của hai vị thủ từ, lễ gồm có 30 chiếc bánh dầy và 16 bát chè kho; ngày 14 tháng 5 là ngày dâng lễ cúng của dân làng gọi là chính tiệc).
Buổi sáng ngày 14 dân làng tổ chức lễ rước kiệu rất long trọng, nhân dân khắp vùng nô nức dự lễ hội. Kiệu được rước một vòng từ cổng chính phía đông về cổng phía tây. Trong đoàn rước có đội múa lân, phường nhạc bát âm, cờ, trống rộn ràng. Các kiệu rước gồm có kiệu rước mâm ngũ quả, kiệu rước sắc phong các triều đại. Trên kiệu rước gươm, bông biểu trưng cho âm, dương ngày sinh của Công chúa Hoàng Bà. Đây là ngày đông vui nhất trong 4 ngày lễ tiệc của đền dịp kỷ niệm ngày sinh Công chúa.
Ngày 15 tháng 5, là ngày chính tiệc của Công chúa, vào buổi chiều ngày 15 tháng 5, tại đền tổ chức lễ cướp bông, gươm. Bông biểu trưng cho tính âm, gươm biểu trưng cho tính dương. Bởi vậy gươm - bông là biểu tượng cho âm dương hợp đức. Trong lễ cướp gươm - bông, ai muốn sinh con gái thì cướp bông, ai muốn sinh con trai thì cướp gươm, tạo nên một không khí sôi động, tưng bừng của lễ hội. Cuối buổi ai là người đem được bông, gươm vào đền thì người đó thắng cuộc. Sáng ngày 24 tháng 5 tức là ngày sinh Đông Long Vương, ra lễ đền nhận bông, gươm mang nguồn tạo phúc về nhà.
Với những giá trị phong phú cả về văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, đền Đuông là nơi hội tụ những tâm thức dân gian, phản ánh những ước vọng ngàn đời về một cuộc sống thanh bình, no đủ, hạnh phúc...
Hiện nay, đền Đuông đang bị xuống cấp nhiều hạng mục di tích. Đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm đầu tư, hỗ trợ, công đức kinh phí để tu bổ, tôn tạo nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa đặc sắc này trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương./.
ST