Ngày nay, du lịch sinh thái đang trở thành một bộ phận quan trọng của ngành du lịch. Tham gia du lịch sinh thái con người được hòa nhập vào thiên nhiên, tìm được những giây phút thư giãn lại góp phần bảo vệ môi trường và bảo lưu nền văn hóa bản địa. Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, song lại có một vùng trung du chuyển tiếp lên núi cao. Sự đa dạng về địa hình đã cho Vĩnh Phúc một hệ sinh thái đa dạng. Vùng đồng bằng với nhiều sông suối, đầm hồ, vùng trung du và vùng núi Tam Đảo có nhiều suối thác là điều kiện xây dựng nhiều hồ nhân tạo. Vườn quốc gia Tam Đảo cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Đây là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc phát triển du lịch sinh thái. Tại một vùng rừng núi hẻo lánh ở thôn Đồng Tâm, xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, có một "bảo tàng" đang lưu giữ hàng trăm giống động, thực vật quý được sưu tập từ khắp mọi miền đất nước. Đây là địa chỉ đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của những người ưa khám phá. Đó là Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh.
Trạm đa dạng sinh vật học Mê Linh
Từ hồ Đại Lải đi theo đường Hoàng Hoa Thám (hướng đi đèo Nhe) được khoảng 7km sẽ bắt gặp tấm biển “Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh” bên trái đường, đi khoảng 1km nữa sẽ đến Trạm. Được thành lập năm 1999, Trạm thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (IEBR), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với chức năng chính nhằm bảo tồn nguồn gene bản địa. Trạm Mê Linh nằm giáp ranh với Vườn quốc gia Tam Đảo theo hướng đông, vì vậy Trạm còn được coi là hành lang xanh của Vườn quốc gia này. Nằm ở độ cao từ 100 - 500m so với mặt nước biển, tổng diện tích của Trạm là 170.3ha, bao gồm 69ha rừng thứ sinh, 30 ha rừng trồng, 68,3ha cây bụi, ao suối và 3 ha dành cho khu hành chính.
Bên cạnh chức năng bảo vệ rừng đầu nguồn, phục hồi rừng, nhân nuôi và cứu hộ các loài động vật bị bắt giữ, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh còn thực hiện các chương trình bảo tồn các loài bản địa thông qua phục hồi và trồng rừng. Mục tiêu chính của chương trình này là nhằm lưu giữ, nhân nuôi sinh sản và tiến hành các nghiên cứu về các loài động thực vật của Việt Nam. Trong thời gian qua, Trạm đã thực hiện các chương trình bảo tồn chuyển vị và nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã thống kê được 59 loài động vật có xương sống gồm: 19 loài thú, 22 loài bò sát và 18 loài ếch nhái. Kinh phí thực hiện các chương trình trên được hỗ trợ từ nhiều nguồn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình trên vẫn dừng lại ở mức hạn chế do thiếu kinh phí đầu tư dài hạn.
Kỳ nhông nuôi tại trạm đa dạng sinh vật học Mê Linh
Trong khu vực đất rừng của Trạm, hiện vẫn có thể bắt gặp nhiều loài động vật như: Hươu, lợn rừng, cầy, sóc, dúi, rắn… Thực vật có khoảng 1.200 chủng loại cây tự nhiên và nhân tạo. Hệ thực vật ở Trạm được chia thành các bộ, gồm bộ thực vật trên núi đất, thực vật trên núi đá, thực vật hạt trần, bộ tre trúc, thực vật ưa ẩm, thực vật thủy sinh…Hệ sinh thái của Trạm giờ đây không chỉ có các loài cây địa phương mà còn được bổ sung 88 loài thực vật trên khắp đất nước như kim giao, nghiến, sưa, sao đen, nhội, lát hoa, vàng anh, kháo, chò nâu...
Khi vào tham quan Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh, quý khách sẽ được kỹ sư Trịnh Xuân Thành hướng dẫn tham quan và giới thiệu chi tiết các khu vực nuôi bán hoang dã gồm: Khu nuôi các loài thú lớn như hươu, nai, khỉ…; khu nuôi bướm; khu nuôi các loài lưỡng cư (ếch, nhái); khu nuôi các loài bò sát (rắn, cá sấu, rùa). Thú lớn có đàn hươu sao, khỉ được mang từ vùng núi phía tây Nghệ An và Khu du lịch Suối Hai. Lớp bò sát có rắn roi, rắn lục, thằn lằn cá sấu, cá cóc Tam Đảo (động vật đặc hữu của Tam Đảo), cá cóc Việt Nam mang về từ tây Yên Tử, các loài ếch nhái.
Khu nuôi rùa
Trạm sở hữu 1 bộ sưu tập đáng chú ý nhất - bộ sưu tập rùa, hiện có 11 loài với hơn 86 cá thể. Các loài rùa như rùa Trung Bộ, Đất Lớn, Bốn Mắt, Núi Vàng, Sê-pôn, Sa Nhân... được nuôi trong môi trường tự nhiên và bán tự nhiên để so sánh. Trong số các loài rùa, rùa Trung Bộ đang bị săn lùng ráo riết và bán ra chợ đen với giá trên 30 triệu đồng/kg. Trong môi trường nuôi dưỡng tại Trạm những loài rùa này sinh trưởng tốt, từng bước phát triển về số lượng. Đây là điều đáng mừng cho công tác bảo tồn rùa. Phần lớn rùa được tiếp nhận từ Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn hoặc tiếp nhận từ kiểm lâm, công an thu giữ từ lâm tặc, hoạt động buôn bán trái phép. Một bộ sưu tập khác cũng thu hút sự chú ý của Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh là vườn lan hơn 30 loài với 300 mẫu lan khác nhau. Các mẫu hoa lan được mang về chủ yếu từ các địa phương vùng núi phía Bắc.
Hàng năm Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh đón nhiều đoàn sinh viên, học viên cao học của các trường cao đẳng, đại học, viện, học viện tại Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh thành lân cận đến nghiên cứu như: Cao đẳng Vĩnh Phúc, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật… Bên cạnh đó là rất nhiều đoàn nước ngoài nằm trong các chương trình hợp tác (Vườn thực vật New York, Vườn thú Cologne…) đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Ngoài ra, vào dịp nghỉ hè những năm gần đây, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh thường tổ chức các chương trình trại hè để học sinh có dịp tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu thực địa. Học sinh tham gia trại hè sẽ tiến hành các hoạt động làm quen với nghiên cứu khoa học, trong lĩnh vực đa dạng sinh học. Các em sớm có cơ hội trao đổi, tiếp xúc và làm việc với các nhà khoa học. Đây là hoạt động hữu ích, góp phần giáo dục kiến thức khoa học, giáo dục lòng yêu khoa học thông qua các hoạt động tìm hiểu hệ thực vật và động vật Việt Nam, yêu thiên nhiên hơn qua hành trình về với thiên nhiên; xây dựng tác phong nghiên cứu, tính chủ động, đầu óc tưởng tượng, sáng tạo; giáo dục kỹ năng ứng xử, giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng sống, khám phá và hoàn thiện bản thân, phát triển tư duy, kỹ năng đi rừng, ứng phó với các tình huống nguy hiểm. Đây là những phẩm chất và kỹ năng tối cần thiết cho công việc tương lai của học sinh bất kể làm nghề gì và trong lĩnh vực nào. Đến với trại hè, các em thiếu nhi sẽ tham gia lớp học thực nghiệm môi trường, nghiên cứu một số loài bò sát, côn trùng; học kỹ năng đi rừng thông qua thử thách giải mật mã để truy tìm kho báu; nghe các nhà khoa học phổ biến kinh nghiệm đi rừng thông qua câu chuyện “Sống sót giữa rừng hoang” và “Trò chuyện với bạn gấu” về tầm quan trọng, thực trạng của môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, các em thiếu nhi cũng có cơ hội thử sức với các hoạt động thể hiện tính tương tác giữa thiếu nhi với thiếu nhi, thiếu nhi với người phụ trách như game show “Các nhà khoa học so tài kiến thức;” thi đá bóng, bắt cá ở suối, kéo co; tham gia đêm giao lưu lửa trại với Đoàn thanh niên và đội văn nghệ dân tộc Sán Dìu…
Khu nuôi ong
Tuy đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu nhưng khách du lịch thuần tuý đến với Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh còn ít, một phần do quy mô của Trạm, một phần do công tác tuyên truyền quảng bá chưa được chú trọng. Hiện nay Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đang quy hoạch một khu vực rộng 10ha để nuôi động vật hoang dã trong môi trường bán tự nhiên. Các nhà quản lý và các nhà khoa học vẫn đang ấp ủ phát triển Trạm thành một khu triển lãm sống đa dạng bậc nhất về các loài động thực vật trong khu vực. Hoạt động tham quan Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh với trọng tâm là giáo dục cộng đồng, làm cho du khách có nhận thức tích cực hơn về môi trường sống và cơ hội bảo tồn các loài động thực vật. Sau khoảng thời gian tham quan du khách sẽ ra về với ý thức bảo vệ các loài động thực vật và hiểu rằng mọi sinh vật có quyền có cuộc sống không bạo tàn, không bị khai thác.
Nằm trong khu vực chiến khu Ngọc Thanh xưa, gần với hồ Đại Lải, hang Dơi, đình Thanh Lộc, Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh có thể kết hợp với các điểm du lịch trên thành tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan tìm hiểu lịch sử, tìm hiểu môi trường sinh thái. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một nét mới trên hành trình khám phá Vĩnh Phúc của du khách./.
ST