Trong kho tàng văn học dân gian Cao Lan, số lượng câu đố không nhiều như các dân tộc anh em khác, nhưng nó là một bộ phận quan trọng tạo nên sự phong phú đa dạng của thơ ca dân gian Cao Lan.
Múa rước dâu của dân tộc Cao Lan
Câu đố Cao Lan gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào và có một quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử. ở các thôn bản người Cao Lan, vào buổi trưa, buổi tối sau một ngày làm việc mệt nhọc, người Cao Lan thường tụ tập ở một ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát, nghe người già đọc câu thách đố. Đây thực sự là một hình thức sinh hoạt giải trí hấp dẫn, thể hiện tài năng trí tuệ của người Cao Lan, đặc biệt là lớp trẻ trong quá trình quan sát và nhận thức đời sống. Đối tượng đố rất phong phú.
Đó là các sự vật, hiện tượng có liên quan đến đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán và lao động sản xuất hàng ngày của đồng bào. Từ việc quan sát, miêu tả những đặc điểm cơ bản của sự vật hiện tượng để nhận biết, đồng bào Cao Lan đã thể hiện sự cảm nhận linh hoạt về thế giới xung quanh qua hình thức câu đố. Nghệ thuật đố Cao Lan gồm có hai loại: câu đố và bài hát đố.
Câu đố cao Lan cũng có điểm tương đồng như câu đố của các dân tộc anh em khác, có vần điệu cân xứng, có kết cấu ngắn ngọn và sử dụng ẩn ý. Chẳng hạn: Trên kín dưới kín/ ở dưới nói chuyện ầm ầm (cái nhà sàn) hay Nhà tôi có con trâu đen/ ỉa ra cứt trắng? (Nồi cơm).
Nồi cơm nấu bằng bếp củi, bếp than nên bên ngoài đen kịt, cơm gạo bên trong lại là màu trắng. Nhưng tại sao lại là “con trâu đen”? Vì ngày trước mỗi gia đình Cao Lan thường có 15 đến 20 người, nhiều thế hệ chung sống, nên nồi cơm phải rất to, khi nấu chín có hai người khiêng mới nổi. Mối liên tưởng đó cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống.
Câu đố Cao Lan cũng thường dựa vào những đặc điểm, tính chất của sự vật gần gũi để đố, để nhận biết:
- Cây gì nhìn thấy/ Ăn được không trèo được? (Cây chuối)
- Con chim đậu ở phai nước thì sống/ Không có nước thì chết? (Ngọn đèn dầu).
Chuối là loại cây thân mềm, có quả chín thơm ngon, vỏ cây trơn không ai có thể trèo được. Còn cái đèn dầu cũng vậy, cây bấc mà hết dầu thì đèn sẽ tắt, được đồng bào đem sự vật và hiện tượng trong môi trường tự nhiên gần gũi để kích thích người nghe tìm lời giải đáp. Khi đố về hai con mắt, đồng bào Cao Lan có câu: Nhà tôi có đôi con gái/ Muốn trêu mà lại sợ?
Đây là cách miêu tả gián tiếp, với lối liên tưởng mượn sự vật này để nói tới sự vật kia dựa trên nét tương đồng. Hình tượng miêu tả là “đôi con gái”-con người, với tình huống cụ thể là “muốn trêu” nhưng lại “sợ”. Song đối tượng nói tới, ẩn bên trong là đôi mắt. Sự liên tưởng rất thú vị ở chỗ làm sao có thể trêu chọc vào mắt được, điều mà tục ngữ đồng bào Kinh đã từng răn: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Ngoài ra, người Cao Lan còn có một số lượng câu đố sử dụng biện pháp đố tục giảng thanh khá dồi dào, phản ánh tính cách khôi hài, sinh động của đồng bào. Có thể dẫn ra một câu tiêu biểu như: Cong cong keng keng/ Cha mẹ mày giao hợp? (là cái cối giã trầu)
Dụng cụ giã trầu của người Cao Lan có một đặc điểm là, chày và cối được làm bằng đồng, buộc nối vào nhau thành chùm, khi đem ra dùng, nó va chạm vào nhau phát ra âm thanh cong keng…
Bên cạnh những câu đố cô đọng hàm súc là hệ thống Bài hát đố, tạo nên bản sắc riêng về tâm hồn trí tuệ của người Cao Lan. Đó là những bài hát do đồng bào sáng tác ra để đố nhau và giải nghĩa. Hát đố được cấu tạo theo thể: đố - hỏi, và sau là lời giải đáp, được hát lên trong những hoàn cảnh và không gian đặc biệt, là một trong những hình thức nghệ thuật gây hứng thú nhất cho người nghe hát dân ca.
Mỗi bài hát đố thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ có vần điệu gần với dân ca. Như vậy, hát đố khác với câu đố. Câu đố có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, ở mọi lứa buổi trong sinh hoạt cộng đồng. Hát đố chủ yếu được hình thành trong môi trường diễn xướng nhất định, có lời ca giao duyên, hay giao tiếp xã hội. Hát đố là một loại hình nghệ thuật độc đáo của thơ ca dân gian, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống của đồng bào Cao Lan, hài hoà giữa trí tuệ và nghệ thuật. Trong bài hát đố, mỗi câu thường đố về một sự vật hiện tượng, theo phương pháp liệt kê.
Đố: Cái gì bằng bằng không mọc cỏ/ Vật gì nhọn nhọn không có cành/ Thứ gì có cành không có lá/ Cây gì có quả không có hoa?
Trả lời: Mặt nước bằng bằng không mọc cỏ/ Sừng trâu nhọn nhọn không có cành/ Sừng nai có cành không có lá/ Quả ngoã có quả không có hoa.
Hình thức lặp cấu trúc ngữ pháp, lặp từ, đặc biệt là cách sử dụng hàng loạt từ láy trong các bài hát đố của người Cao Lan, tạo nên nhịp điệu riêng gây ấn tượng đặc biệt, lôi cuốn người nghe. Phương pháp liệt kê giúp cho đối tượng được nói đến trong bài hát đố của người Cao Lan đa dạng và phong phú. Lời đố ngộ nghĩnh khơi gợi bao nhiêu thì lời đáp thông minh linh hoạt bấy nhiêu, tạo nên một không gian nghệ thuật đối đáp giàu chất thi ca.
Đố: Cái gì chạm đất có hình tròn như đít đèn/ Cái gì chạm đất có hình ba gạc/ Cái gì chạm đất có hình âm dương/ Cái gì chạm đất có hình như hoa.
Trả lời: Con ngựa dậm chân có hình như đít đèn/ Con gà dậm chân có hình ba gạc/ Con trâu dậm chân có hình âm dương/ Con mèo dậm chân có hình như hoa.
Qua những bài hát đố có âm hưởng của dân ca, giàu hình ảnh, ta nhận thấy từ sự quan sát đến nhận xét bằng cách miêu tả những đặc điểm của sự vật là cả một quá trình thể hiện khả năng tư duy tinh nhạy của đồng bào.
Đôi khi những bài hát đố và bài hát giao duyên khó phân chia ranh giới, vì trai gái Cao Lan hát đố còn là điều thử thách để họ khám phá nhau về thế giới tâm hồn, về tri thức đời sống qua sự thách đố thông minh dí dỏm.
Với những hình tượng hồn nhiên, mang tính chất dí dỏm của câu đố và quá trình tìm lời giải đáp đã đem đến cho mọi người những giây phút thư giãn thú vị, thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời.
Câu đố của người Cao Lan, vừa giản dị vừa tinh tế đã trở thành những bài học thường thức về các sự vật, sự việc trong lao động sản xuất và sinh hoạt, được trình bày theo phương thức trực quan và cách mô tả cụ thể sinh động, kết cấu ngắn gọn, có vần điệu, dễ thuộc, gây được nhiều hứng thú, thỏa mãn trí tò mò cũng như lòng ham hiểu biết của đồng bào. Đồng hành với tục ngữ, câu đố Cao Lan là một phương tiện nhận thức đặc biệt, tinh tế và linh hoạt. Bên cạnh những đặc điểm chung về kiểu loại, câu đố Cao Lan mang những sắc thái riêng độc đáo, ít thấy ở câu đố của các dân tộc khác do điều kiện môi trường, phong tục, ngôn ngữ và truyền thống văn hoá riêng của cộng đồng tạo nên.
ST