Trong những món đồ được vớt lên từ con tàu đắm ở Antikythera, Hy Lạp năm 1901, cổ vật số 15087 không có gì đang chú ý. Nó có vẻ lạc lõng giữa những bức tượng đồng tinh xảo, những chuỗi vòng trang sức và rất nhiều đồng xu cổ.
(Nguồn: bullseye-prod.aggrego.org)
Nhưng ai biết được, cỗ máy bằng đồng chỉ nhỏ như hộp giày, với những nét khắc chạm đã mờ, những bánh răng bị vôi hóa mòn vẹt lại trở thành phát hiện thu hút giới học thuật suốt hơn một thế kỷ qua?
“Trong cỗ máy kim loại đã mòn này chứa những kiến thức đủ để phủ kín nhiều quyến sách nói về công nghệ và khoa học thời cổ đại, cũng như những tương tác của chúng với văn hóa thời đại đó. Khó mà phủ nhận rằng đây là vật thể chứa nhiều thông tin nhất về thời cổ đại mà các nhà khảo cổ học khai quật được,” Alexander Jones, một nhà sử học về khoa học cổ đại tại Việt Nghiên cứu Thế giới Cổ đại thuộc Đại học New York, chia sẻ.
Theo Washington Post, Jones là thành viên của một đội các nhà khảo cổ, thiên văn học và sử học thế giới đã dành 10 năm qua giải mã những bí ẩn của cỗ máy cổ xưa.
Những kết quả nghiên cứu của họ đã mở rộng thêm hiểu biết về nguồn gốc và mục đích của cỗ máy cổ, cùng những gợi ý vè người đã tạo ra cỗ máy cũng như cách sử dụng nó.
Các nhà khoa học xác định rằng thời kỳ hoàng kim của cỗ máy được đặt tên là Antikythera này là khoảng 2.100 năm trước.
Cỗ máy là một cơ cấu phức tạp chuyển động quay theo chiều kim đồng hồ gồm ít nhất 30 bánh răng bằng đồng với hàng ngàn khóa liên động nhỏ xíu.
Được cấp năng lượng bởi một tay quay, cỗ máy mô tả sự chuyển động của thời gian cũng như những thiên thể với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Cỗ máy còn có mặt số đếm ngày theo ít nhất 3 loại lịch khác nhau, cùng một mặt số khác có thể được dùng để tính thời gian diễn ra Olympics.
Những cây kim đại diện cho các vì sao và các hành tinh chuyển động quanh mặt trước của cỗ máy, mô tả vị trí của chúng so với Trái Đất. Một mô hình Mặt Trăng nhỏ xoay quanh một trục mảnh, chia ra mảng sáng tối để mô tả Mặt Trăng lúc tròn lúc khuyết trong thực tế.
Tất cả các yếu tố trên đã biến cỗ máy này trở thành đồ vật tinh vi nhất thuộc về thời Hy Lạp cổ đại được phát hiện. Không một cỗ máy tương tự nào xuất hiện kể từ đó cho tới thế kỷ 14, khi những chiếc đồng hồ bánh răng đầu tiên được lắp ráp ở châu Âu.
Trong vòng nửa thế kỷ đầu tiên sau khi được khai quật, các nhà khoa học đã tin rằng Cỗ máy Antikythera chỉ là một kính trắc tinh đơn giản, và người Hy Lạp cổ không thể phát triển công nghệ đến mức chế tạo một cỗ máy chính xác và hoàn hảo như vậy - chỉ để nó biến mất khỏi sử sách suốt 1,400 năm.
Derek de Solla Price, một nhà vật lý, nhà sử học khoa học uyên bác của Đại học Yale, đã tới Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia ở Athens để xem xét cỗ máy bí ẩn.
Trong bài viết năm 1959 trên tạp chí Scientific American, ông khẳng định Cỗ mãy Antikythera thực ra chính là chiếc “máy tính” đầu tiên của thế giới, có khả năng tính toán các sự kiện thiên văn và mô tả hoạt động của vũ trụ.
Hơn 25 năm sau, ông đã mô tả chi tiết những chức năng đa dạng của cỗ máy, được giải thích thông qua mối quan hệ giữa những khóa liên động tinh vi.
“Không có gì giống như cỗ máy này được lưu giữ ở bất cứ đâu trên thế giới. Cũng không có thứ gì được ghi trong tài liệu khoa học hay văn học cổ đại có thể so sánh với nó,” Price viết.
Trên thực tế thì không hẳn như vậy. Một công cụ được học giải Posidonius của Rhodes chế tạo vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên cũng có thể mô tả lại chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng và 5 hành tinh xuất hiện trên bầu trời mỗi ngày và mỗi đem.
Nhưng quả thật sự tồn tại của Cỗ máy Antikythera đã thách thức mọi giả thuyết của các nhà khoa học về trình độ khoa học của người Hy Lạp cổ đại.
“Có chút đáng sợ khi biết rắng chỉ ngay trước khi nền văn minh vĩ đại của họ sụp đổ, người Hy Lạp cổ đại đã tiến gần như vậy đến thời đại của chúng ta, không chỉ trong suy nghĩ mà trong cả trình độ khoa học của họ,” Price nhận định.
Công nghệ chụp X-quang và quét hình ảnh đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về cỗ máy phía sau vẻ ngoài cũ mòn của nó.
10 năm trước, một nhóm các nhà khoa học đã thành lập Dự án nghiên cứu Cỗ máy Antikythera (AMRP) bằng việc sử dụng các công nghệ hình ảnh mới.
Những kết quả ban đầu của họ đã hé mở bản chất phức tạp của cỗ máy và là động lực để Jones tham gia dự án.
Vốn thông thạo tiếng Hy Lạp cổ, ông đã dịch được hàng trăm ký tự mới xuất hiện trong quá trình xử lý hình ảnh.
Nhóm nghiên cứu đã thu được hơn 3.500 từ giải thích trên mặt chính của cỗ máy.
Đồng nghiệp của Jones, Mike Edmunds, cho biết những ký tự này không hẳn là hướng dãn sử dụng mà giống như mô tả đặt cạnh mỗi cổ vật trong bảo tàng.
“Phần văn bản không cho bạn biết cách dùng cỗ máy này. Nó chỉ nói là “bạn sẽ nhìn thấy cái này cái nọ” thay vì “Vặn chỗ này lên và nó sẽ cho bạn thấy gì đó,” ông giải thích.
Những đoạn văn bản mới được dịch gần dây bao gồm các mô tả về một loại lịch độc đáo của thành phố Corinth ở Hy Lạp cùng những viên đá tròn nhỏ - được cho là đã mất hút dưới đáy đại dương - từng chuyển động trên bề mặt cỗ máy và tái hiện chính xác chuyển động của 5 hành tinh đã biết, cũng như một vết đánh dấu trên bề mặt mặt số chỉ ra ngày tháng của hàng loạt các sự kiện thể thao, ví dụ như một cuộc so tài tương đối nhỏ được tổ chức ở thành phố Rhodes.
Phát hiện trên cho thấy có thể cỗ máy đã được làm ra ở Rhodes – một giả thuyết được ủng hộ bởi thực tế là đa phần những món đồ gốm được khai quật từ con tàu đắm có những tính chất của đồ gốm ở thành phố này.
Chất lượng tay nghề thể hiện qua cỗ máy, cũng như hai luồng chữ viết tay khác biệt rõ ràng trong phần chữ khắc khiến Jones tin rằng cỗ máy là sản phẩm hợp tác giữa những người thợ thuộc một xưởng thủ công nhỏ có thể đã sản xuất ra những vật dụng tương tự.
Sự thật là không có cỗ máy Antikythera nào khác được tìm thấy, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng không tồn tại.
Nhiều khả năng cỗ máy đặc biệt này cùng những báu vật khác đã được đưa tới cảng La Mã, nơi chúng được bán cho những quý tộc giàu có chuyên thu thập đồ cổ quý giá và những vật gây tò mò để trang hoàng nhà cửa.
Sự phức tạp đầy tinh tế của cỗ máy, cũng như mục đích sử dụng của nó là điển hình cho những giá trị của thế giới cổ đại. Lấy ví dụ, một mặt số đoán được thời gian xuất hiện nhật thực chính xác đến từng ngày cũng có thể dự đoán màu sắc của Mặt trăng và thời tiết khu vực trong cùng ngày.
Với các nhà khoa học hiện đại, ba hiện tượng này hoàn toàn chẳng liên quan đến nhau – nhật thực phụ thuộc vào chuyển động đoán trước được của Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh; màu sắc của Mặt Trăng là do ánh sáng phân bổ khác nhau trong tầng khí quyển Trái Đất, và thời tiết phụ thuộc những điều kiện địa phương khó theo dõi.
Các nhà thiên văn học có thể dự đoán về nhật thực nhiều năm trước khi nó xảy ra, nhưng không có cách khoa học nào để xác định thời tiết trong khoảng thời gian dài như vậy. Tuy nhiên, với người Hy Lạp cổ, ba vấn đề trên lại có liên quan mật thiết với nhau.
“Những sự kiện như nhật thực được tin là có ảnh hưởng sâu rộng đáng kể. Ba khía cạnh trên kết nối bản chất thiên văn với những sự kiện mang tính văn hóa, như các kỳ Olympic và các loại lịch,” Jones chia sẻ.
Phát biểu này cùng quan điểm với nhận thức của Price cách đây 50 năm: Người Hy Lạp cổ đã biết chế tạo đồng hồ sớm hơn thế giới rất nhiều thế kỷ.
Sau đó, họ chọn tối ưu hóa công nghệ không chỉ để ghi lại thời gian mà còn để chỉ ra vị trí của con người trong vũ trụ, cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến các sự kiện bầu trời của họ./.
MAI NGUYỄN (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/kham-pha-bi-mat-cua-chiec-may-tinh-co-nhat-the-gioi/391552.vnp