Cập nhật: 21/06/2016 14:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ở Đông Dương mà giới cầm quyền ở Pháp và Mỹ phát động, báo chí nhìn chung và cơ bản đã đứng về phía của sự thật, của chính nghĩa.

Phóng viên chiến trường (Ảnh tư liệu)

1 Trước hết, cần khẳng định một chân lý: chiến tranh không bao giờ là sự lựa chọn, càng không phải là mong muốn của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Có chăng, đó là tham vọng của những kẻ tha hóa quyền lực, của các thế lực hiếu chiến, bá quyền, của giới “buôn súng”.

Với dân tộc Việt Nam, “đất nước bên bờ sóng”, đất nước hình chữ S trải dài từ Bắc tới Nam, từng phải hứng chịu hàng trăm cuộc chiến tranh xâm lược lớn nhỏ, chiến tranh là sự tự vệ, là sự lựa chọn bất đắc dĩ khi bị kẻ xâm lược, kẻ ác dồn đến chân tường. Thời đại của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, đến thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta cầm súng là để bảo vệ Tổ quốc, là để “Một xin rửa sạch nước thù, hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng…”, là để “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, là “Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non song ngàn thuở vững âu vàng…”, là “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo…”, là “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ…”, là chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”.

2 Nửa cuối thế kỷ XIX cho đến suốt 3/4 thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với hai cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngay từ buổi đầu, nhiều cuộc khởi nghĩa chống kẻ thù xâm lược đã nổ ra, biết bao con người đã ngã xuống, bị tù đày, bị tra tấn dã man, bị đưa đi biệt xứ, mà ước muốn cháy bỏng của họ chỉ là để giữ lấy bờ tre xanh, nếp nhà lá, những cánh đồng lúa nuôi sống con người cả về vật chất và tinh thần. Báo chí Việt Nam đã sinh ra trong bối cảnh đó, đến năm 1925, một nền báo chí mới, mang tính cách mạng ra đời bằng gương mặt đầu tiên là Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo.

Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, xây dựng chế độ dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do. Trước khi Chiến tranh Đông Dương nổ ra sau mấy chục ngày tạm có hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tìm mọi cách cứu vãn nền hòa bình rất đỗi mong manh, chí ít, là làm chậm lại cuộc chiến tranh đang đến gần để có thêm thời gian quý báu đối phó với nó. Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp 6/3/1946; Tạm ước Việt-Pháp 14/9/1946 được ký kết; Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán. Trên đường trở về Tổ quốc bằng chiếc tàu chiến của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một hành động mà các phóng viên Pháp đã ghi lại được và đăng tải trên nhiều tờ báo của Pháp và phương Tây. Đó là bức ảnh Người lấy bàn tay mình bịt nòng pháo của tầu chiến Pháp. Thông điệp hòa bình đắt giá đó vừa phát đi từ nhà lãnh đạo Việt Nam, vừa được lan tỏa sâu rộng bởi sức mạnh to lớn của báo chí. Khi phía Pháp quyết gây chiến tranh, tiến hành các cuộc thảm sát ở Hải Phòng, Hà Nội và một số nơi khác, đòi tước vũ khí của Việt Minh. Chiến tranh bắt buộc từ phía Việt Nam xảy ra đêm 19/12/1946 ngay tại Thủ đô Hà Nội.

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Lời kêu gọi thiêng liêng của Người vang vọng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, được các tờ báo, tờ tin trong nước và các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đăng tải đã khẳng định và nhân lên ý chí, niềm tin mãnh liệt của cả dân tộc ở thời điểm khó khăn và cam go nhất.

3 Sau Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, các cơ quan báo chí của ta tập trung kêu gọi, cổ vũ toàn dân, toàn quân đoàn kết, thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng: toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, kháng chiến kiến quốc được phát động, được tuyên truyền sâu rộng: “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “May áo mùa đông chiến sỹ”, “Bình dân học vụ”, quyên góp lương thực, thuốc men, áo quần gửi bộ đội.

Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo Nhân Dân, Vệ quốc quân,  Quân đội nhân dân, Độc lập… cùng các phương tiện và lực lượng khác làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Những người làm công tác tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ… bám sát các mặt trận, hòa mình trong cuộc sống, chiến đấu, lao động gian khổ, hào hùng của quân và dân ta, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Trong chiến thắng vẻ vang đó, cùng bao máu xương, công sức, hy sinh của cả dân tộc Việt Nam còn có đóng góp quý báu của những nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà văn tiến bộ của Pháp như ông Léo Figuères cũng từng là Tổng Thư ký của Hiệp Hội Thanh niên Pháp (1946), Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (1945-1976), Tổng Biên tập tạp chí lý luận "Les Cahiers du communism" của Đảng Cộng sản Pháp. Ông từng xuất bản cuốn sách “Tôi trở về từ Việt Nam tự do”, gây tiếng vang lớn, in lần đầu 10.000 bản, tái bản 11 lần và dịch ra 10 thứ tiếng trên thế giới.  Đó là nhà sử học, nhà báo Alain Ruscio - từng là phóng viên thường trú Báo Nhân đạo (l’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp tại Việt Nam; là nhà báo Madeleine Riffaud; là những người nhiệt thành ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh phi nghĩa của giới cầm quyền Pháp như Henri Martin, Raymonde Dien…

4 Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người làm báo tập trung tuyên truyền, khẳng định “Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”. Báo chí cổ vũ các phong trào “Đồng khởi”, “Diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược”, phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”…Các nhà báo - chiến sỹ đi cùng bộ đội, dân quân, du kích thông tin, phản ảnh sinh động các trận đánh lịch sử vang dội Bình Giã, Ấp Bắc, Núi Thành, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ở Thành cổ Quảng Trị mùa Hè rực lửa năm 1972…

Trong giai đoạn này, cùng với sự vùng lên của cách mạng miền Nam và cả nước, hệ thống báo chí phát triển khá rộng khắp. Báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng ra đời, Thông tấn xã Việt Nam tăng cường các tổ phóng viên. Từ 1965, báo Quân đội nhân dân ra hằng ngày. Mạng lưới báo chí quân đội phát triển vượt bậc, có thêm Thông tấn quân sự, Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, các tạp chí Văn nghệ quân đội, Xưởng phim Quân đội nhân dân, báo của các quân khu, quân chủng, binh chủng. 

 

Bác Hồ đến tận xe thu thanh lưu động của Đài thăm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên đang ghi âm lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam năm 1960. (Ảnh tư liệu)

Ở hậu phương miền Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, các báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động, Tiền Phong, Phụ nữ.. nâng dần chất lượng nội dung, hình thức, số lượng phát hành, phạm vi phát sóng…Báo chí tuyên truyền, góp phần nhân rộng các phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”…; là ý chí: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”,  “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “ Nhằm thẳng quân thù mà bắn”…

Để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Việt Nam đã phối hợp, đã được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức to lớn, quan trọng của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Mỹ; mở mặt trận ngoại giao, thông tin, tuyên truyền ngay trong lòng nước Mỹ và các nước phương Tây lúc đó. Các phong trào và tổ chức ủng hộ Việt Nam lần lượt ra đời: Tổ chức đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh; tổ chức “Hội nghị Stockholm về Việt Nam” ở Thụy Điển; hơn 300 tổ chức và ủy ban đoàn kết ủng hộ Việt Nam tại khắp các châu lục.

Đầu năm 1966, Huân tước Bertrand Russell kêu gọi thành lập Tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Trong năm 1967, Tòa án họp hai phiên ở Roskilde (Đan Mạch) lên án tội ác tiến hành chiến tranh xâm lược và hủy diệt của Mỹ đối với Việt Nam. Các nhà báo như Kyoichi Sawada, Larry Burow, Carl Robinson, Jean-Claude Pomonti,… đã viết về những điều mắt thấy, tai nghe về tội ác của Mỹ, sự sa lầy của Mỹ, sự thất bại không thể tránh khỏi của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhà báo Walter Cronkite, đài CBS tại chiến trường Việt Nam, trong chương trình truyền hình “Documentary on Vietnam”, cho rằng cuộc chiến là “sự bế tắc đẫm máu”, quân đội Mỹ không bao giờ có thể giành chiến thắng. Nhà nghiên cứu truyền thông người Canada Marshall Mc Luhan, sau này đã nhận xét: “Truyền hình đã đưa những hình ảnh tàn khốc của cuộc chiến vào tận các phòng khách của từng hộ gia đình ở Mỹ. Cuộc chiến Việt Nam đã thất bại từ ngay trong những phòng khách này”. Người dân Mỹ sửng sốt, căm phẫn khi thấy báo chí, truyền hình phát đi các bức ảnh: bé gái Nguyễn Thị Kim Phúc bị bỏng do bom napalm (nhà báo Huỳnh Công Út - Nick Út, hãng thông tấn AP, được nhận giải thưởng Pulitzer); ảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn chiến sĩ Việt Cộng Bảy Lốp (nhà báo Eddie Adams, hãng thông tấn AP); ảnh một bà mẹ Việt Nam cùng 4 đứa con lội qua một dòng sông ở Bình Định để chạy trốn khỏi những cuộc không kích từ máy bay Mỹ (Bức ảnh được chụp trong năm 1965 bởi phóng viên Kyoichi Sawada, hãng thông tấn UPI); hình ảnh Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times (ngày 1/2/1968) đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ....

Bên cạnh những hình sinh động, chân thực từ cuộc chiến, báo chí Mỹ lúc đó còn phản ánh suy nghĩ, tình cảm của đa số người Mỹ về cuộc chiến tranh mà chính phủ của họ đang tiến hành ở Việt Nam: “Nhân dân Mỹ sẽ phải sẵn sàng để thừa nhận viễn cảnh theo đó toàn bộ nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam có thể sẽ thất bại” (Báo Wall Street Journal). “Chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là không thể thắng được. Chiến tranh ấy càng kéo dài thì người Mỹ càng chịu tổn thất và nhục nhã” (nhà báo Joseph Kraft). “Một chiến lược tiếp tục làm như cũ là điều không thể tha thứ được” (Tuần báo Newsweek). Nhà báo nổi tiếng của hãng CBS, Walter Cronkite, đề nghị: “Cách hợp lí duy nhất để thoát ra khỏi chiến tranh Việt Nam là thương thuyết, không phải với tư cách những người chiến thắng, mà như những người chính trực làm điều tốt nhất họ có thể làm”. Và còn bao nhà báo, nhà làm phim truyền hình nước ngoài như Wilfret Graham Burchett (Australia), Robert Capa (Hungari), Peter Arnett (Mỹ).

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có hàng ngàn cán bộ tuyên huấn, báo chí, văn hóa, văn nghệ... của đất nước Việt Nam đã anh dũng hi sinh. Chỉ tính cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên 400 nhà báo, nhà văn nằm lại trên các chiến trường. Các nhà báo quốc tế cũng không thể khác, có người tử nạn, có người tàn tật, “bởi chiến tranh không phải trò đùa”.

 

Tác giả với các đồng nghiệp báo chí Venezuela

5. Khi bàn luận về đề tài “Báo chí viết về chiến tranh”, chúng ta thường tự đặt ra câu hỏi: chiến tranh có ít nhất hai phía, vậy báo chí có đứng ở hai phía không? Có thể có (vì báo chí mang tính giai cấp, báo chí phục vụ cho một, một số giai cấp nhất định). Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ở Đông Dương mà giới cầm quyền ở Pháp và Mỹ phát động, báo chí nhìn chung và về cơ bản, đã đứng về một phía, phía của sự thật, của chính nghĩa, phía của dân tộc bị xâm lăng. Tất nhiên, những người cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, cam tâm bán rẻ lương tâm, liêm sỷ sẽ đứng về phía đối nghịch. Tìm được chỗ đứng, góc nhìn về cuộc chiến tranh, phản ảnh nó, lý giải nó một cách đúng đắn, có trách nhiệm, có lương tâm…là điều cần phải làm, nhưng không phải ai cũng nhận ra và làm được.

Phản ảnh bộ mặt “tật nguyền” của chiến tranh, bản chất phi nghĩa, phi nhân tính của chiến tranh xâm lược là góp phần quan trọng để đẩy lùi nó, dập tắt nó, ngăn ngừa các cuộc chiến tranh, các cuộc xung đột lớn, nhỏ trong tương lai. Để làm được điều này, cần tuyên truyền bảo vệ hòa bình, nguyên tắc giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp bằng giải pháp ngoại giao, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, dân tộc. Là hạn chế, tiến tới cấm sản xuất, sử dụng vũ khí giết người, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học, tin học…

Sau chiến tranh, báo chí cùng các lực lượng khác phản ảnh các nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa giải, hòa hợp dân tộc, san lấp miệng hố giữa các cựu thù, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, Việt Nam và Mỹ.

Sức mạnh của báo chí trong nhiệm vụ chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, nếu biết liên kết, phối hợp rộng rãi, luôn luôn là sức mạnh to lớn, vô biên./. 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN

Theo VOV.VN

Tệp đính kèm