Cập nhật: 22/06/2016 08:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có thể nói đến thời điểm này, những người di cư tự do đến địa bàn huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã cơ bản hoàn thành... "công cuộc" phá rừng. Lý do được họ viện dẫn là phá rừng để lấy đất làm nương rẫy.

Rừng bị triệt hạ để làm nương rẫy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trở lại bản Phứ Ma (xã Lenh Su Sìn, huyện Mường Nhé), một cán bộ huyện cho biết "có còn rừng nữa đâu mà phá." Thật vậy, cách đây khoảng 1 năm, phóng viên TTXVN chứng kiến rừng mới chỉ bị phá 1 nửa phía sườn núi bên đường. Giờ thì cả dãy núi dài tít tắp đã trọc hẳn, nhường chỗ cho những đám nương lúa mọc lưa thưa, bên dưới những thân cây cháy trụi.

Đi tiếp đến địa bàn các bản Pá Lùng của xã Chung Chải, hay Nà Pán của xã Mường Nhé, phóng viên cũng chỉ nhìn thấy những triền núi trơ trọi, từ dưới mặt đất nhô lên hàng ngàn, hàng vạn gốc cây cháy trơ trụi.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên kiểm tra thực trạng phá rừng tại Mường Nhé, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lù Văn Thanh báo cáo từ năm 2015 đến 10/6/2016, trên địa bàn huyện phát hiện 313 vụ phá rừng với diện tích trên 296 ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ...

Điều đáng nói là trong khi diện tích rừng của huyện Mường Nhé bị tàn phá nghiêm trọng như vậy thì tại các địa bàn giáp ranh, như huyện Mường Tè (tỉnh lai Châu), huyện Nậm Pồ mới tách ra từ Mường Nhé, và ngay cả Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trong khu vực, lại hầu như không xảy ra tình trạng này.

Được thành lập từ năm 2002 trên cơ sở chia tách từ 2 huyện Mường Tè và Mường Lay của tỉnh Lai Châu (cũ), Mường Nhé ngày đó nổi tiếng hoang sơ nhất cả nước. Nhiều cán bộ công tác lâu năm trên địa bàn này kể lại rằng để đến trung tâm huyện, họ phải đi bộ 3-4 ngày, trèo đèo, lội suối xuyên qua những tán rừng nguyên sinh tối tăm, đi giữa ban ngày mà vẫn phải căng mắt mới nhìn rõ đường. Mỗi lần đi, họ phải tổ chức lại thành nhóm để đề phòng thú dữ.

Đồn biên phòng Lenh Su Sìn giờ vẫn còn hàng rào dây thép gai để chống hổ xông vào đồn, bên cạnh đó là chiếc ao, ngày đó voi vẫn về từng đàn tắm. Thế mà đến thời điểm này, diện tích đất có rừng của toàn huyện chỉ còn vẻn vẹn 71.000ha với tỷ lệ che phủ rừng là 45,3%. Trên suốt dọc tuyến từ Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải... cho đến Lenh Su Sìn, đâu đâu cũng chỉ còn những triền núi bị cạo trọc, loang lổ những đám nương rẫy bên những gốc cây trơ trọi.

Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn được chính quyền địa phương giải thích là do số lượng người di cư tự do tràn vào địa phương quá lớn. Trong tổng số hơn 7.800 hộ dân của toàn huyện, trên 60% là người dân tộc Mông, di cư tự do vào địa bàn từ năm 2005 đến nay.

Để có lương thực tồn tại, họ đã phá rừng trái phép để làm nương, mỗi hộ phá ít nhất 3ha mới đủ đất để canh tác cây lương thực có hạt. Sau 2 năm, khi đất bạc màu, họ phá tiếp 3ha nữa để làm nương luân canh. Chỉ làm 1 phép tính đơn giản, cũng cho thấy đã có ít nhất 30.000 ha rừng bị tàn phá do người di cư tự do.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN rằng liệu chính quyền huyện Mường Nhé bất lực trước tình trạng phá rừng ồ ạt của những người di cư tự do hay không, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lù Văn Thanh chỉ thừa nhận có những việc vượt quá khả năng và thẩm quyền giải quyết của huyện. Tuy nhiên, với một loạt vụ việc xảy ra trong 2 năm vừa qua trên địa bàn này thì câu trả lời có vẻ khác.

Cụ thể ngày 3/3/2016, tại khe suối Huổi Sủng (xã Mường Nhé) phía sau Ủy ban Nhân dân huyện đã xảy ra vụ việc nhiều người di cư tự do nấp trong bụi, phục kích rồi dùng gậy gỗ lim, dao phát tấn công đoàn công tác của cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã và nhân dân địa phương đi kiểm tra rừng, làm 6 người bị thương.

Nhóm người này đã bắt giữ các cán bộ kiểm lâm để yêu sách đòi được làm nương trên diện tích rừng do họ phá trái phép. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến giải quyết, lãnh đạo chính quyền huyện lại tìm cách thỏa hiệp chứ không kiên quyết xử lý những đối tượng chống người thi hành công vụ.

Ngay sau đó vào ngày 13/3/2016, một nhóm người di cư tự do lại vào chiếm khu vực rừng tại Thác Rồng, nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé để phá rừng làm nương. Khi lực lượng Kiểm lâm khu vực ngăn chặn, đã xảy ra xô xát giữa hai bên.

Ngoài ra, còn những vụ việc khi chính quyền đến giải quyết, họ chặn xe, chống đối, nhét chân vào bánh xe giả bị đau rồi đòi bồi thường hàng chục triệu đồng...

Theo báo cáo của huyện Mường Nhé, hành vi phá rừng của những người di dân tự do rất tinh vi; số lượng người tham gia đông, có vụ lên tới 50 người. Một số vụ có dấu hiệu chống người thi hành công vụ; có đối tượng kích động, lôi kéo đông người trong gia đình, dòng họ để đe dọa, khống chế lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thi hành công vụ.

Tuy nhiên, trong số 313 vụ phá rừng, chính quyền địa phương mới chỉ xử lý được 20 vụ, đối tượng là người địa phương. Các vụ việc do người di cư tự do thực hiện thì chính quyền chưa xử lý được vụ việc nào, trong khi tình trạng chống người thi hành công vụ quản lý, bảo vệ rừng ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Ở thời điểm này, có thể nói rằng công tác phòng chống phá rừng của huyện Mường Nhé nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung đang gần như "bất lực." Một trong những nguyên nhân được chính quyền địa phương nhắc đến nhiều nhất là việc xử lý những người di cư tự do. Hiện vẫn còn 395 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu từ 8 tỉnh đến sau thời điểm 30/4/2011. Đây là những trường hợp không được bố trí sắp xếp ổn định tại chỗ theo Đề án 79 của Chính phủ, mà phải trả về địa phương nơi xuất cư. Tuy nhiên, từ trước đến nay, có 4/8 tỉnh hiện vẫn chưa cử đại diện đến để giải quyết, 4 tỉnh còn lại có các đoàn công tác đến "xem rồi về."

 

Rừng bị triệt hạ để làm nương rẫy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, tình trạng phá rừng tại toàn huyện Mường Nhé là hết sức nghiêm trọng. Trong khi đó, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé hầu như không xảy ra tình trạng phá rừng. Đó không phải vì địa bàn này không có người di cư tự do đến mà vì lực lượng bảo vệ rừng ở đây thường xuyên tuần tra, phát hiện kịp thời, đưa ra và xử lý ngay theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Hà Công Tuấn cho rằng đây là bài học cho huyện Mường Nhé, phải vừa đảm bảo quyền lợi của bà con, vừa thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ chính sách cho bà con nhưng cũng không để cho một số phần tử lợi dụng chính sách của Nhà nước để cố tình vi phạm pháp luật, tạo ra những hệ lụy và thói quen "nhờn" luật lâu dài.../.

CHU QUỐC HÙNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/dien-bien-nguoi-di-cu-tu-do-o-at-tran-den-pha-rung-muong-nhe/392150.vnp

Tệp đính kèm