Cập nhật: 30/06/2016 08:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đền Mẫu Sinh nằm trên một gò đất cao, nhìn ra một cánh đồng rộng lớn, thường được gọi là đồng “cửa làng”. Tương truyền, ngôi đền được xây dựng cách đây rất lâu và đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Gần đây nhất là ngôi đền có kiến trúc gỗ được tu sửa vào thời Nguyễn với quy mô lớn. Năm 1972, đền bị phá huỷ. Đến năm 1998, nhân dân trong làng cùng nhau khôi phục toà đại bái trên nền cũ và hậu cung. Ngôi đền có kiến trúc và quy mô như hiện nay được dựng lại vào năm 2006. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”. Toà đại bái ba gian, xây tường bao, bít đốc, kết cấu mái bằng gỗ theo kiểu quá giang gối tường, bào trơn đóng bén, đơn giản nhưng chắc khoẻ.

Hậu cũng có ba gian, gian ngoài đặt hương án và làm nơi cúng lễ. Gian trong cũng được xây dựng thành các bệ cao đặt các lớp tượng, trên cùng là tượng quốc mẫu, lớp thứ hai là tượng ngũ vị tôn quan, lớp thứ ba là tượng tam phủ ông hoàng. Hiện vật trong đền hiện còn 05 bát hương, 01 chuông cao 70cm, đồ sứ có 10 bát hương nhỏ, 24 lọ hoa; đồ gỗ có 17 bộ khám và tượng thờ, 03 hoành phi chữ hán, 03 câu đối chữ hán, 01 trống. . .

Hàng năm, trong dịp lễ hội đầu xuân lễ rước kiệu được xuất phát từ đền Mẫu Sinh ra đền Thõng - một nghi thức lễ quan trọng trong lễ hội Tây Thiên hàng năm.

ST

Tệp đính kèm