Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện).
Với trên 500 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, Đà Nẵng có nhiều
tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn về nghỉ dưỡng biển
và du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế 2016, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra nhiều hội thảo về phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp và M.I.C.E, thu hút nguồn khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tại các hội thảo, nhiều chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế đều nhận định, Đà Nẵng có tiềm năng, lợi thế trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, kết nối nhiều đường bay quốc tế, nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn. Đặc biệt là sự năng động của chính quyền địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp tại đây.
Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã khẳng định khả năng tổ chức những sự kiện lớn, chuyên nghiệp mang tầm quốc tế như thi trình diễn pháo hoa quốc tế, thi marathon quốc tế và sắp tới là Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 (ABG) và Hội nghị cấp cao APEC 2017…
Hiện Đà Nẵng đang có 535 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với trên 20.000 phòng của nhiều thương hiệu lớn như Pullman, Furama, Intercontinental, Vinpearl… đáp ứng được nhu cầu đón các đoàn khách lớn, lưu trú dài ngày. Thành phố cũng đang thi công mở rộng nhà ga hành khách quốc tế thuộc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất 4-6 triệu hành khách/năm.
Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng du lịch tại địa phương này ở mức cao cùng với tốc độ bình quân tăng 1.500-2.000 phòng/năm. Đà Nẵng cũng được dự đoán tiếp tục là điểm thu hút đầu tư lớn từ các nơi trên thế giới.
Bà Mary McKeon, Trưởng nhóm tư vấn Dự án EU-ESRT cho rằng, Đà Nẵng nói riêng và duyên hải miền Trung Việt Nam đều có bãi biển đẹp, cơ sở hạ tầng phát triển phù hợp cho việc phát triển du lịch M.I.C.E.
M.I.C.E đang rất được thị trường châu Âu quan tâm và đây là một thị trường tiềm năng. Năm 2015, phân khúc này đưa hơn 1 triệu lượt khách đến Việt Nam, chiếm 15% tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Để phát triển loại hình này, theo bà Mary Mckeon, Đà Nẵng cần làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá để thu hút nguồn khách quốc tế. Song song đó cũng cần nhanh chóng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, để trở thành trung tâm hội nghị, hội thảo, sự kiện, kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, Đà Nẵng sẽ tập trung xây dựng những giải pháp cụ thể như thành lập trung tâm hội nghị và khách du lịch; xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế; tập trung quảng bá hình ảnh Đà Nẵng là điểm đến năng động mới lạ, hấp dẫn; xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng…
Để mở rộng kết nối, Đà Nẵng sẽ cùng Quảng Nam, Thừa - Thiên Huế liên kết, tìm ra một số chính sách, giải pháp cho phù hợp, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá ở các thị trường trọng điểm về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E.
Còn ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, hiện Tổng cục đang tăng cường phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và đô thị. Ngoài ra, M.I.C.E cũng là một loại hình quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ tại các thành phố của Việt Nam, trong đó Đà Nẵng sẽ là thành phố trọng điểm hướng đến phân khúc này.
Theo chinhphu.vn