Cập nhật: 02/07/2016 11:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mua bán hải sản tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Nguyên nhân sự cố môi trường biển tại một số tỉnh ven biển miền trung đã được công bố. Tuy nhiên, không chỉ là chuyện xác định rõ nguyên nhân, về lâu dài, vấn đề người dân cần nhất là Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng, khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, đền bù, khắc phục hậu quả,… để ổn định cuộc sống cho người dân, tạo sinh kế bền vững. Đây là mong muốn của đông đảo người dân vùng biển trong những ngày này.

Duy trì sinh kế bền vững

Khi chúng tôi gặp và hỏi những người dân các tỉnh ven biển miền trung về cảm nghĩ của họ sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố cá chết hàng loạt vừa qua, tất cả đều bày tỏ sự tin tưởng vào thái độ trách nhiệm vì dân hành động, sự cương quyết và thẳng thắn của Đảng và Nhà nước trước sự việc nghiêm trọng này. Người dân hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như sự tận tâm của giới khoa học trong và ngoài nước. Việc xác định được nguyên nhân của sự cố môi trường phức tạp, lần đầu diễn ra trên diện rộng ở nước ta đã khó, nhưng việc đấu tranh, phân tích để đối tượng gây ra sự cố này cúi đầu nhận tội càng khó hơn. Đây là thắng lợi bước đầu của chúng ta trong quá trình khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền trung. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề người dân cần nhất là Chính phủ có chính sách hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho người dân, tạo sinh kế bền vững. Người dân cũng kiến nghị các cơ quan chức năng về hành động cần thiết nhất sau khi công bố nguyên nhân là buộc nhà máy gây ô nhiễm phải tìm cách làm sạch biển, trả lại môi trường biển trong lành. Vẫn biết đây là việc làm khó khăn và lâu dài, nhưng dù khó khăn đến mấy vẫn phải làm, vì biển là nguồn sống của nhiều thế hệ ngư dân, là môi trường sống của quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Hải, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) tâm sự: "Ngư dân Hải Ninh cũng như các xã bãi ngang Quảng Bình thường đánh bắt gần bờ. Bây giờ vùng biển ven bờ bị ô nhiễm nặng nề, không đánh bắt được hải sản, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đây là xã ven biển, người dân sống trên triền cát trắng, không có đất cho nên không thể chuyển sang sản xuất nông nghiệp được. Nhà nước có hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề, nhưng nếu bỏ nghề biển, chúng tôi không biết làm gì khác để sống, sống chết gì cũng phải bám biển thôi. Do vậy, chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách cho chuyển đổi sang đóng tàu để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Chúng tôi có lao động nhưng thiếu vốn và kỹ thuật khai thác xa bờ, vì vậy, nếu Chính phủ hỗ trợ nâng cao năng lực, chắc chắn ngư dân sẽ làm được. Có như vậy, người dân mới chủ động cuộc sống, không phải nhờ vào sự trợ cấp lương thực của Nhà nước mãi. Mặt khác, Chính phủ cần hỗ trợ tăng cường xuất khẩu lao động để giúp ngư dân có việc làm và thu nhập, ưu tiên nguồn vốn và chỉ đạo các cơ quan có uy tín về xuất khẩu lao động, thông tin rõ ràng giúp người dân xuất khẩu lao động để giảm bớt một phần khó khăn".

Ông Bùi Đình Chức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) khẩn thiết: "Người dân vùng biển chúng tôi đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài sự giúp đỡ của tỉnh, rất mong Chính phủ hỗ trợ người dân một phần lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay vốn đối với người vay vốn đóng tàu đánh cá xa bờ, làm dịch vụ thủy sản và nuôi trồng thủy sản; miễn, giảm thuế đối với hộ kinh doanh dịch vụ du lịch biển... Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số nghề khai thác cá đáy ven bờ sang khai thác cá nổi, đào tạo nâng cao kỹ thuật đánh bắt cho ngư dân khai thác ven bờ để làm thuyền viên cho các tàu khai thác xa bờ. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện Nghị định số 67/CP của Chính phủ để phát triển đội tàu đánh cá xa bờ nhằm chuyển dịch từ khai thác ven bờ sang khai thác vùng lộng và vùng khơi... Mục tiêu là bằng mọi cách để ổn định đời sống, khôi phục sản xuất có hiệu quả, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân ở vùng biển".

Quảng Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề từ việc hải sản chết bất thường vừa qua. Ưu tiên hàng đầu của tỉnh là hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vượt khó, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của hiện tượng này ở Quảng Bình lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã lập tức chỉ đạo các cơ quan chức năng bám sát địa bàn, về từng hộ dân để nắm tình hình và triển khai quyết liệt nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhân dân. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã phân bổ hơn 1.577 tấn gạo cho ngư dân; chính quyền các cơ sở trích ngân sách mua 241 tấn gạo hỗ trợ thêm. Tổng số gạo tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ cho ngư dân đến thời điểm này là gần 1.819 tấn, với gần 17 nghìn hộ, hơn 70 nghìn nhân khẩu; trích 19,7 tỷ đồng ngân sách dự phòng, hỗ trợ mỗi tàu cá 3,5 - 5 triệu đồng. UBND tỉnh đang phân bổ 13,2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản và làm muối bị thiệt hại khôi phục sản xuất.

Trong khi chờ đợi tình hình khai thác thủy hải sản ổn định trở lại, chúng tôi nhận thấy, mong muốn lớn nhất của các hộ dân ở vùng biển là được chuyển đổi ngành nghề phù hợp để có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống. Hiện nay, một số địa phương vùng biển đã có phương án chuyển đổi lực lượng lao động nghề biển sang các ngành nghề khác như đan lát, đào ao nuôi cá nước ngọt, phát triển trồng cỏ để nuôi bò, trồng cây dược liệu và xây dựng vùng chuyên canh rau sạch trên cát,... Vì vậy, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần sớm xây dựng phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển trước mắt và lâu dài phù hợp điều kiện thực tế của địa phương như thành lập các hợp tác xã, xây dựng mô hình trang trại; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nhân dân chuyển đổi nghề phù hợp. Ngoài ra, có phương án hỗ trợ đào tạo, giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các nhà máy dệt may đang đầu tư trên địa bàn các tỉnh miền trung tuyển dụng lao động, tạo việc làm cho người dân vùng biển.

Doanh nghiệp cần tuân thủ luật pháp

Không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng bày tỏ mong muốn gìn giữ môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Nhà đầu tư nào làm sai, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, bà con nhân dân cũng cần hết sức tỉnh táo, tránh bị các đối tượng xấu kích động, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường để tụ tập đông người, phá hoại tài sản, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội của các địa phương, làm phương hại đến hình ảnh của quốc gia, ảnh hưởng xấu đến việc thu hút đầu tư không chỉ của địa phương.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Ken Tê, doanh nhân người Hồng Công (Trung Quốc), Giám đốc Công ty Esquel Garment Manufacturing Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp VSIP, thị xã Thuận An (Bình Dương) bày tỏ hết sức thẳng thắn: "Doanh nghiệp chúng tôi cũng ý thức cao về việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Những quy định này đã được thể hiện rõ qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 và Luật Tài nguyên nước năm 2013. Chúng tôi xác định rõ, lợi nhuận phải gắn liền với an sinh xã hội, với môi trường sống tốt đẹp của người dân, vì chúng tôi cũng đang sinh sống và làm ăn trên chính mảnh đất này. Chúng tôi biết, dù còn đâu đó có những doanh nghiệp vi phạm nhưng phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam luôn coi trọng việc bảo vệ môi trường. Qua đây, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ những quy định của Nhà nước Việt Nam...".

Ông Dông Xi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát (Bình Dương) cũng cho rằng: "Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trên thế giới, nguồn lực lao động dồi dào. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, công ty lớn trên thế giới đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Qua thực tiễn làm việc, kinh doanh tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Chính phủ rất coi trọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài và rất quan tâm đến an toàn của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp đầy đủ, tạo môi trường đầu tư tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, vì thế nhà đầu tư nước ngoài cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ luật pháp Việt Nam nói chung và luật pháp về bảo vệ môi trường nói riêng. Không riêng chúng tôi, mọi nhà đầu tư tiến hành hoạt động đầu tư phải trên cơ sở hợp pháp, tuân thủ quy định và phong tục tập quán của địa phương, cũng như luật pháp về môi trường".

Chúng tôi gặp ông Lưu Gia Long, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ritek Việt Nam, một doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc), đóng tại Khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ông Long mong muốn, các cấp chính quyền cần hỗ trợ công ty thành lập các đoàn thể, như thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để các tổ chức này trở thành một kênh tuyên truyền các quy định pháp luật đến với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng luật pháp. Doanh nghiệp luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, xác định rõ trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định của Việt Nam và trong thời gian tới, cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định bảo vệ môi trường.

Nhằm tránh tái diễn những sự cố môi trường trong tương lai, các bộ, ngành cần rà soát, điều chỉnh quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đồng thời sớm triển khai thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về độc chất có thể phát sinh từ nguồn thải ven biển, xác định ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe con người, môi trường, đa dạng sinh học, chuỗi thức ăn,… và các giải pháp khoa học - công nghệ nhằm giám sát, cảnh báo, phòng ngừa và khắc phục hậu quả kịp thời.

TS VŨ ĐỨC LỢI Phó Viện trưởng Viện Hóa học(Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam)

Dư âm của sự cố ô nhiễm môi trường biển còn ảnh hưởng lâu dài đến đời sống của bà con ngư dân và những người làm dịch vụ kinh tế biển, nhất là các vùng bãi ngang ven biển Hà Tĩnh - nơi được mệnh danh là vùng “dân tộc” biển, có tỷ lệ đói, nghèo khá cao. Chúng tôi đề nghị Chính phủ cho vay vốn lãi suất thấp (hoặc hỗ trợ lãi suất) để ngư dân đóng thuyền có công suất lớn hơn 90 CV, và triển khai các dịch vụ liên quan khác để vươn khơi bám biển dài ngày. Những hộ dân đánh bắt gần bờ, không có điều kiện vươn khơi hay những hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch biển,… cần được hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề, tập trung ưu tiên vào các nghề dễ học, dễ làm như chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ. Đi cùng với đó là hỗ trợ việc học nghề mới, những kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ và nhất là kỹ thuật đánh bắt vùng khơi.

Ngư dân NGUYỄN ĐỨC HÁNH (Thôn Xuân Thắng, xã Kỳ Xuân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)

 

 

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

 

Tệp đính kèm