Điện Mẫu tư gia là những điện thần thờ Mẫu Tứ Phủ của các ông Đồng, bà Đồng tức là những “tín đồ” của Đạo Mẫu. Có hai loại điện cho giới “tông đồ” này.
“Tông đồ” thờ theo dòng Cha, tức là lập điện thờ vua Cha Bát Hải và Phủ Trần Triều. Đặc điểm của điện thờ này là không tổ chức được các khoá lễ hầu đồng về dòng Mẫu.
Nếu có một tín đồ hay con nhang đệ tử phải lập khoá lễ hầu đồng Mẫu thì phải tổ chức nhờ ở điện Mẫu dòng Mẹ (mượn cửa Mẫu).
Điện Mẫu của các “tông đồ” theo dòng Mẹ, tức là thờ điện Mẫu Tứ Phủ, đều do các ông Đồng, Bà Đồng đứng lập, và cũng không mở được theo dòng Cha.
Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều điện thờ loại này của các ông đồng, bà đồng, nhiều ông đồng, bà đồng khác “nổi tiếng” “Mở Phủ” đang là hoạt động diễn ra hết sức nhộn nhịp .
Sở dĩ có hiện tượng như vậy vì có các lí do sau đây:
Một là:
Trước hết là vai trò của Bà Mẹ trong nền nông nghiệp lúa nước, thuộc về văn hoá lúa nước trong đời sống thực đã hoà vào vai trò của Bà Mẹ trong cuộc sống tâm linh đầy ước vọng. Cũng tức là các vị thần trong đạo Mẫu phản ảnh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, mà quan tâm đến cuộc sống hiện tại, và làm thế nào để con người có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần.
Hai là:
Đạo Mẫu (nhất là ở các giá đồng) đã giải quyết các yếu tố tâm lí của con người bằng sức mạnh của “ma thuật” (một thuật ngữ chỉ hình thái tôn giáo nguyên thuỷ tin rằng con người có thể làm ra những phép lạ bằng sức mạnh thần bí của mình). Xoa dịu những trăn trở, lo sợ trong đời sống thực như ốm đau, bệnh hoạn, tai ương… tạo động lực tâm lí cho con người yên tâm trong cuộc sống, để con người gánh chịu và vượt lên hiện thực.
Có hai dạng thức thờ tự ở điện Mẫu tư gia:
Thờ tượng.
Chủ yếu của các ông Đồng, bà Đồng lâu năm, có uy tín và có khả năng tài chính khá, có thể tự bỏ tiền xây dựng hẳn một điện thờ trong khuôn viên nhà mình.
Thờ tranh.
Một số các điện Mẫu tư gia khác, khi mở phủ, đã không thờ tượng mà thay bằng các tranh vẽ về Mẫu Tứ Phủ trên điện thờ.
Các tranh thờ này gồm có:
Tranh về Mẫu (chủ yếu là Mẫu Tứ Phủ).
Tranh về Phủ Triều Trần.
Tranh Ngũ hổ.
Tuy nhiên, sự bài trí vẫn theo nội dung cửa Mẫu:
- Tầng không: Treo các loại nón, một biểu trưng về Đạo Mẫu: Nón ba tầm, nón Mẫu, nón chúa, nón chóp hàng quan. Nón dùm công đồng Tứ Phủ. Đủ các màu sắc theo ngũ hành của Đạo Mẫu.
- Tầng chính điện: Trên hết có tranh tượng của Phật Bà Quan âm.
ở giữa có tranh tượng có đủ các vị thần thánh của Đạo Mẫu như: Phật, Ngọc Hoàng, các Mẫu: Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Hàng Chúa, hàng Quan…các chức danh trong Đạo Mẫu.
Bức tranh bên trái điện là vẽ động Sơn Trang, có chúa Thượng Ngàn.
Bức tranh bên phải điện là tranh về phủ Trần Triều. Vẽ một vị đại quan đầu đội mũ cánh chuồn, mặc triều phục màu đỏ, có cân đai bối tử, toạ trên cỗ ghế rồng (long ngai). Đó là Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Hai bên có hai bộ tướng, một vị cầm quạt (biểu thị hàng văn), một vị cầm kiếm
ở ban dưới thờ tranh ngũ hổ.
Thông thường, với các điện Mẫu có thờ tranh của những cô đồng mới mở phủ, điện Mẫu thường đặt riêng trong một gian trái nhà.
Các tranh này thường được vẽ theo kiểu tranh thờ phố Hàng Trống Hà Nội, là loại tranh dân gian, thịnh hành từ đầu thế kỉ trước.
Tuy nhiên, hiện nay ở Vĩnh Phúc, chưa phát hiện được bức tranh cổ nào. Các tranh đang được sử dụng phổ biến là tranh sao chép từ nguồn gốc tranh Hàng Trống. Song qua nhiều thế hệ sao chép, trở thành hàng hoá thị trường, nên giá trị nghệ thuật rất thấp.
Có 2 nguyên nhân để điện Mẫu tư gia dùng tranh là:
- Do điều kiện kinh tế, tài chính mới mở phủ còn hạn hẹp.
- Vấn đề chủ chốt vẫn là văn hoá tâm linh. Các ông Đồng, bà Đông cũng không tin vào thế hệ kế tiếp, con cháu có thể tiếp tục gìn giữ được điện Mẫu lâu dài. Nên thờ tranh, đến thời điểm nào đó phải hạ giải ngôi điện, sẽ dễ dàng xử lí hơn thờ tượng mang tính chất lâu dài.
(1). Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có 3 con trai là: Hưng Vũ Vương Quốc Nghiễn; Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng; Hưng Trí Vương Quốc Hiệu. Hai bà con gái và một bà con nuôi là quận chúa Chiêu Thánh, gả cho tướng quân Phạm Ngũ Lão.
ST