Vừa qua, UBND xã Sơn Đông (Lập Thạch) tổ chức Lễ đón Bằng công nhận cây Lộc vừng tại Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn là Cây di sản Việt Nam.
Các nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng đại diện chính quyền và nhân dân xã Sơn Đông (Lập Thạch) gắn bia cho cây Lộc vừng được công nhận là Cây di sản Việt Nam
Tham dự buổi lễ, các đại biểu cùng nhân dân địa phương được nghe truyền thống lịch sử về mảnh đất và con người Sơn Đông; cuộc đời Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn và ý nghĩa của cây lộc vừng gắn với di tích Đền thờ Tả Tướng Quốc.
Cây Lộc vừng được trồng trước cổng Tam quan của Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn. Trải qua gần 600 năm tồn tại và phát triển với những thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết, cây lộc vừng vẫn xanh tốt. Cây cao chừng 10 m, mang thế “Cửu long khởi vũ” (tức “9 rồng cùng múa”). Từ thân cây tỏa ra 9 cành lớn, dáng mềm mại lên xuống như rồng cuộn. Cây Lộc vừng là công trình kiến trúc tuyệt mỹ của thiên nhiên tượng trưng cho sự trường tồn, phúc lộc, an lành và hạnh phúc; gắn liền với truyền thống văn hiến của đất và người Sơn Đông qua bao thế hệ.
Tại buổi lễ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao tặng Bằng công nhận cây Lộc vừng tài Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn là Cây di sản Việt Nam cho đại diện chính quyền và nhân dân địa phương. Đây không chỉ là hoạt động bảo vệ cảnh quan môi trường mà còn có ý nghĩa lớn về lịch sử - văn hóa, góp phần giáo dục thế hệ trẻ thêm tự hào về truyền thống quê hương.
ST