Cập nhật: 08/07/2016 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngay tại lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, mới đây, UBND huyện Hoàng Sa đã tiếp nhận nhiều tư liệu quý.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng bản đồ xã Hoà Long, quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng có bao gồm quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: VGP/Minh Trang

Chiều 3/7, UBND huyện Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa-Thể Thao, Sở Ngoại vụ, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Cuộc vận động sẽ diễn ra đến hết năm và dự kiến sẽ tổng kết, đánh giá kết quả vào ngày 19/1/2017.

Tại buổi lễ phát động, các tổ chức, cá nhân đã trao tặng cho Nhà trưng bày nhiều tư liệu quý. Trong đó, TS. Trần Đức Anh Sơn trao tặng tập bản đồ Trung Quốc được xuất bản tại Đức năm 1885 không có Hoàng Sa và Trường Sa, hiện đang lưu trữ tại kho sách hiếm của Thư hiện Harvard-Yenching (Hoa Kỳ).

Còn bản đồ xã Hoà Long, quận Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng trao tặng là tập bản đồ rất quý hiếm vừa được tìm thấy, xuất bản năm 1969, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và có kèm theo Nghị định của chính quyền Sài Gòn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thông tin tại buổi lễ, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho biết, từ nhiều năm nay, không ít tập thể và cá nhân người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã hiến tặng cho UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm. Tất cả tư liệu, hiện vật đều đang được chính quyền Thành phố bảo quản vô cùng cẩn thận và sẽ được trưng bày một cách trang trọng tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Một số tài liệu tiêu biểu như anh Trần Thắng đang định cư ở Hoa Kỳ đã gửi tặng cho UBND huyện đảo Hoàng Sa một bộ sưu tập gồm 150 bản đồ cổ, trong đó có những bản đồ Hoàng Sa do các nước phương Tây và Việt Nam vẽ từ năm 1618-1859, cho thấy vùng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có những bản đồ các nước phương Tây vẽ về Trung Quốc từ năm 1626 đến 1980 cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam và 2 sách bản đồ Atlas, một cuốn do Nhà nước Trung Hoa phát hành tại Nam Kinh năm 1933, cuốn còn lại do Phái bộ truyền giáo Trung Quốc phát hành tại Anh năm 1908 cũng chỉ rõ lãnh thổ nước này dừng lại ở Hải Nam.

Đặc biệt, các nhân chứng từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 cũng đã trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa, vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý chứng tỏ người Việt Nam đã thật sự thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa trước khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo này vào năm 1974.

Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Minh Trang

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm