Cập nhật: 08/07/2016 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các chuyên gia, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới do Bộ GD-ĐT đề xuất còn nhiều khiếm khuyết.

Ngày 29/6/2016, Hội đồng Quốc gia giáo dục và Ủy ban đổi mới quốc gia giáo dục đã họp bàn đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Khung cơ cấu hệ thống quốc dân và vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu của cuộc họp này muốn lấy ý kiến của các đại biểu xung quanh vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nên giao cho Bộ nào: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên, quá trình thảo luận của các đại biểu lại tập trung nhiều vào đề xuất Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới.

Nhiều đại biểu cho rằng, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới do Bộ GD-ĐT đề xuất có quá nhiều khiếm khuyết.

 

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đề xuất mới

(Do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất)

Giáo dục nghề nghiệp không có trong hệ thống giáo dục quốc dân

Theo đề xuất Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục sau trung học được thiết kế theo hai định hướng: hàn lâm và chuyên nghiệp (hình vẽ).

Tư tưởng hình thành nên hai định hướng trong giáo dục đào tạo là hàn lâm và chuyên nghiệp là rất tốt, tuy nhiên việc xóa bỏ giáo dục nghề nghiệp, thêm vào bậc giáo dục sau trung học cần phải xem xét lại. Bởi theo quy định tại Khoản 3 Điều 61, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về giáo dục quy định có: “giáo dục mầm non”, “giáo dục tiểu học”, “giáo dục trung học”, “giáo dục nghề nghiệp” và “giáo dục đại học”, không có bậc “giáo dục sau trung học”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vừa xây dựng, chưa triển khai đã “đập bỏ”

Khi bàn tới việc chuyển giáo dục nghề nghiệp hiện do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý sang để Bộ Giáo dục-Đào tạo quản lý vẫn còn nhiều điều đáng bàn, gây tranh cãi. Về vấn đề này, xin có thêm một số dẫn chứng:

Thứ nhất, mọi quan điểm khi thiết kế hệ thống phải lấy lợi ích của người dân làm gốc. Để đề xuất một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới, phải dựa trên những đánh giá ưu, nhược điểm của hệ thống cũ; chỉ rõ những bất cập, tồn tại của hệ thống cũ và trên cơ sở đó đề xuất hệ thống mới để khắc phục. Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 xác lập nên một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới, đang bắt đầu vận hành trong thực tiễn. nên chưa có đầy đủ cơ sở thực tiễn để đánh giá hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới.

Mặt khác, ngay khi xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (mới chỉ gần đây trong năm 2014), hệ thống giáo dục nghề nghiệp quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp được các nhà khoa học, các chuyên gia, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH và các Bộ, ngành liên quan đồng thuận, nhất trí cao để trình Quốc hội thông qua Luật. Trong quá trình thảo luận tại 2 kỳ họp, không có bất cứ ý kiến của đại biểu Quốc hội nào bàn về hệ thống giáo dục nghề nghiệp này.

Thứ hai, Giáo dục nghề nghiệp thực chất chỉ là tên gọi cho một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định trong Hiến pháp, và đơn giản có thể gọi là “đào tạo nghề nghiệp” hay “đào tạo nghề”, nhưng thực chất lại vô cùng quan trọng vì nó đảm nhận sứ mạng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực lao động trực tiếp cho phát triển kinh tế, đất nước. Chỉ cần vào google, với 0,39 giây tìm kiếm với từ “vocational training” (đào tạo nghề) đã có trên 30 triệu kết quả; hoặc tìm kiếm với từ “vocational education and training” (giáo dục nghề nghiệp) có trên 12 triệu kết quả về giáo dục nghề nghiệp ở hàng trăm quốc gia trên thế giới. Theo lý giải của cơ quan đề xuất, cơ cấu hệ thống mới bảo đảm tính hội nhập, vậy Việt Nam sẽ hội nhập ra sao với các nước nếu không có đào tạo nghề?

 

Đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề

Thứ ba, đào tạo nghề (giáo dục nghề nghiệp), từ năm 1998 trở lại đây khi giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá là “Trong 18 năm qua, công tác dạy nghề đã có bước phát triển mạnh mẽ và thu được những kết quả quan trọng: Mạng lưới các cơ sở dạy nghề được mở rộng; quy mô đào tạo nghề tăng, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề phát triển mạnh”[Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo về quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp (Tài liệu phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 29/6/2016)].

Thứ tư, hệ thống giáo dục mới làm mất đi hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó có bậc trình độ sơ cấp, một trình độ đào tạo nghề, tuy là bậc thấp, nhưng lại rất quan trọng, vì cả ý nghĩa kinh tế và xã hội. Thực tế, nhu cầu nhân lực ở trình độ này lớn hơn nhiều trình độ cao. Không kể đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng, chỉ riêng đào tạo trình độ sơ cấp, mỗi năm đã có hàng triệu người học nghề tham thị trường lao động. Các khu công nghiệp, các doanh nghiệp (ngay cả các doanh nghiệp FDI như Samsung, Canon, Fujitsu Việt Nam…) đều tuyển số lượng lớn lao động ở trình độ này, chứ không phải trình độ cao, chính điều đó dẫn tới trình độ đại học trở lên thất nghiệp ngày càng nhiều, lại là một thực tiễn sống động.

Theo Bản tin Thị trường lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê thực hiện hàng quý cho thấy một thực tế đáng buồn là có quá đông số người tốt nghiệp ĐH trở lên thất nghiệp (Quý I/2014: 162,4 nghìn người; Quý IV/2015: 199,4 nghìn người; Quý I/2016: 190,9 nghìn người), trong khi đó tỷ lệ người học nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng lại là lực lượng tham gia chính vào thị trường lao động (Quý 1/2016, LLLĐ từ 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật (gồm những người có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên) là 11,27 triệu người, chiếm 20,71 LLLĐ)[Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam các Quý Quý I/2014, Quý IV/2015, Quý I/2016].

Thực tiễn khách quan cho thấy, trong một xã hội nhu cầu lao động trực tiếp (công nhân) bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (kỹ sư/cử nhân). (Ví dụ: Một người kiến trúc sư một năm có thể thiết kế được hàng trăm, hàng nghìn các công trình xây dựng, nhưng để làm một công trình xây dựng do anh ta vẽ thì cần hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn lao động). Lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng vậy. Do vậy, không chỉ coi trọng, mà cần phải đẩy mạnh đào tạo nghề, chứ không phải làm ngược lại.

Ngoài ra, lao động nông thôn, nhóm yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng chính sách xã hội… nhờ có trình độ đào tạo nghề trình độ sơ cấp mới có cơ hội thoát nghèo, đổi đời, nhờ đó mà đất nước giàu lên, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong một phiên họp cũng để bàn cơ cấu hệ thống, khi bàn bỏ trình độ này trong hệ thống đào tạo nghề, một nhà khoa học, một chuyên gia đã nêu ý kiến: “Nếu chúng ta bỏ đào tạo nghề trình độ sơ cấp là chúng ta có tội với đất nước”. Thiết nghĩ, những minh chứng trên khẳng định điều nhà khoa học đó trăn trở.

Nhìn ra thế giới, tại Trung Quốc, đào tạo nghề cũng gồm 3 trình độ: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; Thái Lan có một chứng chỉ nghề (sơ cấp); Malaysia có chứng chỉ nghề 1, chứng chỉ nghề 2, chứng chỉ nghề 3, tương đương trình độ sơ cấp; Philippines cũng tương tự (chứng chỉ 1, chứng chỉ 2 và chứng chỉ 3); ở Anh đào tạo nghề có 4 trình độ, trình độ 1 cũng tương đương sơ cấp; ở Latvia: đào tạo nghề có 3 trình độ: Sơ cấp, trung cấp và trình độ cao; ở Úc: đào tạo nghề có: Chứng chỉ 1, 2, 3, 4 và CĐ nghề, trong đó chứng chỉ 1, 2,3 tương đương trình độ sơ cấp….). Rất nhiều quốc gia như vậy.

Thứ năm, theo đánh giá của Báo cáo tại điểm 4.1, mục 4 “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới đảm bảo tính tương thích với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, với Chuẩn phân loại giáo dục quốc tế ISCED”, nhưng nghiên cứu kỹ, thì chưa phải như vậy. [Bộ Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo về hoàn thiện khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Tài liệu  phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 29/6/2016)]

Hệ thống mới không tương thích với Khung trình độ quốc gia đang trình Thủ tướng để ban hành, cũng có nghĩa là không tương thích với Khung tham chiếu trình độ ASEAN. Theo Khung trình độ quốc gia hay Khung tham chiếu ASEAN, khung trình độ bao gồm 8 bậc, nhưng trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới chỉ có 7 bậc (từ bậc 2 đến bậc 8) và càng bất cập khi chỉ trong một trình độ của Trung học nghề lại có 3 trình độ quốc gia (trình độ 2, 3, 4) (Hình vẽ ). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng của ASEAN về khung trình độ bắt buộc các quốc gia ASEAN phải tuân thủ./.

Theo CTV Hải Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm