Cập nhật: 10/07/2016 09:13:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là nơi có 618 hộ với trên 2800 nhân khẩu, nằm giáp ranh giữa vùng trung du và đồng bằng, thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá (trước đây có tên gọi là làng Sậu) chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Đặc biệt, từ xa xưa nơi đây đã có truyền thống hát Xoan tại Đình làng vào dịp lễ hội mùa Xuân.

Tổ hát Xoan thôn Hoàng Thượng đang tập một số làn điệu tại sân Đình dịp đầu xuân Bính Thân 2016

 Theo các cụ cao niên trong làng Hoàng Thượng kể: Hát xoan được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước (nay là tỉnh Phú Thọ). Sau đó hát Xoan được lan tỏa tới các vùng lân cận, trong đó có làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường. Cũng giống như ở Phú Thọ, hát Xoan ở làng Hoàng Thượng có 3 hình thức chính: Hát thờ cúng các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát cầu mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội (là hình thức để nam nữ giao duyên). Trong hát Xoan lời ca kết hợp với động tác thể hiện cái cuộc sống hàng ngày của người dân lao động như: Mó cá thờ vua, bợm gái, gẹo đào... Âm nhạc được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm. Giai điệu mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói. Nhạc cụ trong hát Xoan rất đơn giản, chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. Bài hát được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Trong khi hát còn có các điệu múa kết hợp cùng với việc sử dụng các đạo cụ như: Quạt, phách tre, nậm rượu… Lời hát Xoan thường được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ.

Trao đổi với chúng tôi bà Trần Thị Thanh Khu – Tổ trưởng Tổ hát Xoan thôn Hoàng Thượng và cũng là người được tiếp cận nhiều những làn điệu hát Xoan do bố là Kép nổi tiếng của Phường Xoan Sậu trước kia cho biết: “Hát Xoan là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống, đó là tín ngưỡng phồn thực thờ trời và các thần linh cầu cho "nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà, cây cối quanh năm xanh tốt, mùa màng bội thu". Trong hát Xoan có sự lên níu tức là sự đoàn kết xóm, làng, quan hệ rộng rãi, đặc biệt nam nữ có sự giao lưu; hát Xoan cũng tạo nên rất nhiều tình cảm trong người dân và bạn bè. Do được gắn với tín ngưỡng thờ trời và các thần linh nên hát Xoan thường được tổ chức ở các di tích tín ngưỡng truyền thống như miếu, đình làng mục đích nhằm chuyển tải những ước nguyện và cầu mong của dân làng đến các bậc Thánh, Thần”.

Nói về ý nghĩa và truyền thống hát Xoan đã có từ xưa ở địa phương bà Khu cũng cho biết thêm: “Xưa kia, do quá trình biểu diễn của các Phường Xoan dẫn đến sự gắn bó giữa phường Xoan với đình làng. Về sau tục kết nghĩa giữa hai làng ra đời. Phường Xoan Sậu (Kim Xá) cũng không nằm ngoài tục lệ đó. Phường Xoan Sậu trước kia có kết nghĩa với các phường Xoan Phù Ninh (Phú Thọ). Vì hai phường Xoan có vị trí gần nhau, chỉ cách con sông Phó Đáy, cho nên, năm nào đình Hoàng Thượng tổ chức lễ hội vào tháng Giêng và tháng Chín âm lịch thì phường Xoan ở Phù Ninh cũng sang giao lưu hát Xoan và ngược lại. Bởi lẽ đó, có rất nhiều người ở làng Hoàng Thượng được đóng Đào, Kép để hát giao lưu. Ngoài việc hát vào các ngày lễ hội, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả ở Hoàng Thượng cũng mời phường Xoan ở Phù Ninh về hát tại nhà những lúc có việc vui nên mối quan hệ giữa hai làng rất thân thiết, gắn bó...”.

 Trong nhiều năm trở lại đây, do nhiều yếu tố tác động, tục kết nghĩa của hai phường xoan Sậu và Phường xoan Phù Ninh bị gián đoạn. Có thời điểm, hát Xoan ít được mọi người quan tâm, những cụ Đào, Kép trong làng am hiểu sâu và nắm rất rõ lối hát, cách hát cổ, các bài hát Xoan cổ cũng như các nghi thức thực hành trong tục kết giao với các phường Xoan khác thì tuổi đã cao, trí hạn chế, nhiều cụ đã mất nên hát Xoan ở Kim Xá có những lúc đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, ở làng Hoàng Thượng chỉ còn khoảng trên 10 Đào nữ (đều là các cụ từ 60 đến 85 tuổi) và không còn Kép nam. Các Đào nữ trong làng hiện chỉ còn nhớ được một số bài hát Xoan cổ như: “Mừng Vua”, “Mừng đình – Mừng dân”, hát đúm, hát đối đáp, giao duyên… Song được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, cuối năm 2014, tục kết nghĩa của phường Xoan Phù Ninh và phường Xoan Sậu, xã Kim Xá chính thức được phôi phục sau hàng chục năm bị gián đoạn. Trong niềm vui ấy, nhiều người dân trong làng Hoàng Thượng, xã Kim Xá đã không quản thời gian, hăng say tập luyện, thậm chí, tranh thủ lúc trưa, tối để luyện tập các bài hát Xoan cổ do các cụ tiền bối để lại. Đặc biệt, với niềm đam mê cháy bỏng, cống hiến hết mình nhằm gìn giữ, bảo tồn cho nghệ thuật hát Xoan ở địa phương không bị “thất truyền”, hiện nay, nhiều cụ trong làng những lúc rảnh rỗi đã truyền dạy cho các cháu nội, ngoại và cả những cô, cậu bé hàng xóm những làn điệu hát Xoan vốn đã có truyền thống của quê hương.

 

Các em học sinh Trường Tiểu học Kim Xá 1 được các cụ trong Tổ hát xoan hướng dẫn, truyền dạy chu đáo, nhiệt tình

 Những giọng hát trong trẻo, những câu Xoan được các học sinh cất lên trong giờ học ngoại khóa tại các trường học ở xã Kim Xá những năm gần đây cũng đã trở nên quen thuộc. Đưa hát Xoan vào trường học cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, ở mỗi cấp học trên địa bàn xã Kim Xá đều có hình thức, phương pháp riêng để đưa hát Xoan vào trường học một cách hiệu quả nhất. Từ hoạt động này, các học sinh không chỉ học, hiểu và biết hát Xoan mà còn tích cực tham gia các chương trình hội thi, hội diễn, góp phần tuyên truyền, quảng bá và giữ gìn, bảo tồn di sản hát Xoan.

Niềm vui khi được học tập những bài hát Xoan, Em Triệu Thị Thúy – Học sinh lớp 5B, trường Tiểu học Kim Xá 1 phấn khởi chia sẻ: “Em rất vui bởi ngoài giờ học trên lớp chúng em còn được các thầy, cô giáo trong trường dạy học hát ở những giờ học ngoại khóa. Em và các bạn đã được các thầy, cô dạy các bài hát về dân ca, dân ca nam bộ, đặc biết là  hát các bài Xoan cổ ở Phú Thọ. Em rất mong muốn được các thầy, cô dạy thêm nhiều bài hát Xoan hơn  nữa…”.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hải – Tổng phụ trách đội, trường Tiểu học Kim Xá 1 thì cho biết: “Vào thứ 2 hàng tuần, nhà trường tổ chức chương trình ngoại khóa với chủ đề “Hát dân ca và chơi các trò chơi dân gian” để học sinh có thêm hiểu biết văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống. Đặc biệt vừa qua học sinh của nhà trường đã tham gia dự thi và đạt giải Ba tại Hội thi “hát dân ca và các trò chơi dân gian” vòng huyện với tiết mục “Bắt ốc”.

Với niềm đam mê cháy bỏng cùng với ý thức, trách nhiệm của người dân thôn Hoàng Thượng, mong muốn được gìn giữ, trao truyền lại cho thế hệ trẻ về nghệ thuật hát Xoan, tin tưởng rằng trong tương lai không xa, hát Xoan ở thôn Hoàng Thượng, xã Kim Xá sẽ trở về thời kỳ hoàng kim – Phường Xoan Sậu khi xưa. Để làm được điều đó, người dân thôn Hoàng Thượng mong muốn tiếp tục cần có sự quan tâm chung tay góp sức của các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

                                                                          

 

ST

Tệp đính kèm