Về vị trí và ý tưởng thiết kế: Hồ Xạ Hương là một hồ nước ngọt, nhân tạo đặc biệt, hồ trên lưng núi. Hồ tọa lạc tại thung lũng núi Con Trâu, thuộc làng Xạ Hương - xã Minh Quang - huyện Tam Đảo - tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một hồ nước khá sâu, rộng khoảng 83 ha, với nhiều ngách lớn xuyên qua các cánh rừng. Hồ được ngành xây dựng thủy lợi xây dựng từ năm 1984 với sức chứa hơn 12 triệu m3 nước. Ở đây có đập nước nhân tạo cao 41 m, mái đập phía trong thượng lưu được lát đá tảng kiên cố để có thể tích nước dâng cao tới cốt 92, đủ tưới tiêu quanh năm cho khoảng 2000 ha đồng ruộng của ba huyện Tam Đảo, Bình Xuyên, Tam Dương.
Theo ý đồ của người thiết kế ban đầu, dù mực nước hồ Xạ Hương hạ xuống tới “cốt chết”, không tự chảy ra mương được nữa thì trong lòng hồ vẫn còn 700.000 m3 nước dự trữ, nhiều chỗ có độ sâu tới 3 m nước. Nghĩa là hồ Xạ Hương không bao giờ khô cạn trơ ra đáy bùn làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cảnh quan xung quanh. Trên bờ hồ hoàn toàn không có nhà dân cư trú. Từ trên đỉnh núi Tam Đảo nhìn xuống mặt nước hồ Xạ Hương, hồ như một con chim phượng hoàng khổng lồ quyến rũ, xinh xắn, đang sải cánh chuyên chở màu xanh của nước, của rừng xuống miền xuôi vùng hạ lưu. Với lưu vực 24 km2 gồm bốn con suối lớn và hàng trăm khe nhỏ chảy vào lòng hồ quanh năm, giữ cho hồ Xạ Hương không bao giờ hết nước. Điều này thật lí tưởng đối với ngành du lịch sinh thái và ngành nuôi trồng thủy hải sản.
Về địa hình và địa chất: Cảnh quan nơi đây cũng đa dạng cả về địa hình và địa chất. Các đồi đất đan xen các ngọn núi đá. Trong vùng, đa phần là núi đá hoa cương và đá thạch anh màu xanh xám và đồi cát. Tuy không có sự xâm thực của phong thủy để tạo ra những hang động kỳ bí như ở những vùng núi đá vôi nhưng núi đá nơi đây lại có nhiều vết nứt lớn nhỏ để tạo nên nhiều khe hẻm, nhiều mái đá lõm sâu, là nơi trú ngụ cho muông thú. Du khách tới đây có thể luồn sâu vào các khe núi giữa hai bên vách đá dựng đứng. Chỉ cần cất tiếng cười vang hoặc hú lên một tiếng là đã được cả núi rừng hưởng ứng vọng lại đón mừng nồng nhiệt. Mỗi bước đi, ta cũng lại có thêm nhiều điều khám phá mới được phát lộ ra từ các vết nứt gãy nguyên sơ của thiên nhiên hùng vĩ nơi thượng nguồn hồ Xạ Hương. Trên đường đi men theo các con suối, các khe nước lớn nhỏ đổ vào lòng hồ, du khách quan sát thấy ngổn ngang vô vàn đá mồ côi đã bị bào mòn bởi thời gian để tạo nên đủ hình thù các con thú rừng (theo trí tưởng tượng của riêng mỗi người) như đang lăn lóc ngủ say quên cả đất trời, khiến du khách cũng như hút hồn mà quên đường về.
Đến thăm hồ Xạ Hương lúc nước đầy hay vơi đều có những thú vui riêng. Khi mặt nước hồ dâng cao lên tới cốt 92, được chèo thuyền giữa mênh mông sóng vỗ, có thể ghé thuyền đi sâu vào các lòng hang ngay giữa lưng chừng núi cheo leo hoặc vin cành cây cổ thụ đang lòa xòa mặt nước để rồi muốn rời thuyền leo lên đỉnh núi cao hay nhảy xuống hồ ngụp lặn, bơi đùa tùy thích. Lúc mặt nước hồ rút xuống tới cốt 76, du khách sẽ ngỡ ngàng hoặc giật mình bất chợt nhìn thấy rõ hai chú cá voi to lớn, đen trũi… bằng đá lấp ló dưới làn nước trong xanh như chuẩn bị lao lên chào đón hay hù dọa mọi người. Khi mặt nước hồ chỉ còn khoảng ở cốt 53, du khách sẽ thấy xuất hiện hàng đàn hà mã, lợn nòi, hổ, báo, rùa vàng… toàn bằng đá mồ côi, chúng như đang lồng lộn tranh mồi làm tung nước trắng xóa nơi cửa các con suối cả. Có thể nói: giữa vùng sơn thủy bao la nổi lên bức tranh bằng đá xám xanh hữu tình với gió ngàn dào dạt, sóng nước lăn tăn, hương thơm thoang thoảng, không khí mát lành… là điều lí tưởng cho bất kì ai khi đã lựa chọn đến đây một lần để nhớ mãi và tìm cơ hội đến thêm nhiều lần nữa.
Về hệ động thực vật: Trên các vách đá cheo leo, trên các gốc cây cổ thụ trăm năm tuổi là những dây leo chằng chịt buông mành cho chim, sóc… truyền cành. Dưới các khe nhỏ sâu hun hút là nơi trú ngụ của hàng vạn con dơi (vì thế nơi thượng nguồn hồ Xạ Hương còn có Hang Dơi). Hai bên hồ và phía thượng nguồn là những cánh rừng thông reo vi vu, xen kẽ các khoảng rừng với những hoa sim, hoa mua tím biếc lúc xuân sang, để rồi chín mọng những trái mua, những trái sim ngọt lịm, mát lành cả mùa hè. Tiếng chim “bắt cô trói cột” hay “bắt tép kho cà”, “xúc thóc lép cho bà” (gà gô) nối tiếp nhau trong các thung lũng, sườn đồi ven hồ vang vọng gợi nhắc về những câu chuyện thuộc miền cổ tích. Bìa rừng, những quả táo me, trám chim, hạt gắm, hạt dẻ… khiến cho du khách nhớ mãi hương vị đặc trưng của núi rừng Xạ Hương, Tam Đảo. Vào mùa thu, mặt nước hồ Xạ Hương như tấm gương in bóng đỏ rực những cánh rừng sau sau đang thì thay áo mới, gợi cho du khách nhớ về cảnh rừng phong lá đỏ phía trời Âu, đã từng được miêu tả trong các tác phẩm văn học cổ điển. Mùa xuân đến, rừng cây sau sau lại nảy chồi, tím lá non để rồi tiếp màu tím hoa mua, hoa sim thắp lên màu tím biếc cả núi rừng. Các loài phong lan rừng cũng đa dạng không kém đủ các chủng loại… Hơn hẳn thế, dưới các dòng suối cả, các khe nước lớn nhỏ lấp lánh, trong trẻo, phát lộ ra những chú cua rừng mai tím (cua đá núi), to bằng cả con ba khía Nam Bộ, rồi biêt cơ man nào là cá bống, cá ngão hoa, cá chạch làn, cá nheo, cá bò, tôm hùm, ốc đá… bơi lội tung tăng hay lấp ló trong các khe đá. Ở các khu rừng rậm có khe nước, ta còn bắt gặp các chú cá cóc Tam Đảo thật lộng lẫy, kiêu sa là loài đặc biệt quý hiếm (đã ghi trong sách đỏ Việt Nam).
Mối liên hệ với các quần thể du lịch khác: Hồ Xạ Hương có mối quan hệ khăng khít với các quần thể du lịch sinh thái và tâm linh khác. Phía dưới hạ nguồn, men theo suối Hai Ve lên đến hồ Xạ Hương, ta bắt gặp cả một rừng đá lô nhô mọc lên từ mặt đất với đủ mọi hình thù hấp dẫn (các quần thể đá kì thú ở núi Gò Tròn, núi Hin, núi Đình, núi Cấm, núi Gò Phướng, núi Thanh Sơn… men theo hạ lưu hồ Xạ Hương). Phía trên thượng nguồn, từ hồ Xạ Hương men theo ngược các dòng suối cả, du khách sẽ đến được với các nơi lí tưởng còn nguyên sơ với vẻ đẹp của các địa danh hồ Bản Long, dốc Chùa 1, dốc Chùa 2, suối Cái 1, suối Cái 2, Ba Khe, Đá Liền, Chói Đèn, Gốc Bòng, Khe Trần, Hang Dơi… mỗi nơi mỗi vẻ đều để lại trong ta nhiều ấn tượng khó quên. Dù mệt mỏi đến đâu mà vào tới được thác Bản Long ngồi nghỉ trong tiếng thác nước đang mải mê tấu khúc nhạc rừng, ta như được tắm gội cả tâm hồn mình, thật thư thái, êm dịu, lâng lâng đến độ nồng nàn, say sưa. Tiện đường rẽ sang núi Mỏ Quạ, giữa dốc đá cheo leo, đang có trăm ngàn dây dợ căng võng đón mời ta ngả lưng thư giãn, để rồi văng vẳng tiếng vượn hót chim kêu, con nai, con khướu gọi bầy… Đường giao thông trải nhựa đã dẫn đến hồ Xạ Hương rất tiện lợi đón du khách vào thăm quan, nghỉ dưỡng trong hồ: Có thể đi từ Hà Nội đến Hương Canh (Bình Xuyên), từ Vĩnh Yên theo đường quốc lộ 2B rẽ qua Hợp Châu hoặc từ Sơn Dương – Tuyên Quang đi xuống là đến được… Dưới chân hồ là sân Golf Tam Đảo 18 lỗ, rộng 132 ha với hệ thống nhà nghỉ, khu vui chơi giải trí sang trọng quanh hồ. Ngoài ra trong một tua du lịch lớn trong một ngày hay vài ngày, hồ Xạ Hương sẽ là một trong các điểm đến hấp dẫn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ mát và tâm linh khác. Cách 15 km phía tây bắc là khu nghỉ mát Tam Đảo; cách 15-20 km về phía tây là khu danh thắng Tây Thiên và Thiền Viên Trúc Lâm Tây Thiên, Vườn Cò, Dốc Dít; cách 15 km về phía tây nam là thành phố Vĩnh Yên hoa lệ; cách 20 km về phía nam là khu du lịch hồ Đại Lải… Hồ Xạ Hương với các các điểm đến khác sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với tất cả mọi người.
Hành trình đơn giản: Từ thành phố Vĩnh Yên chạy theo đường quốc lộ 2 theo đường đi Tam Đảo khoảng 12 km là tới hồ Xạ Hương. Đi qua sau sân Golf Tam Đảo là thấy một con đập rất cao, sừng sững chắn trước mặt. Men theo con dốc chênh vênh rồi chạy theo hình chữ chi để lên mặt đập, một không gian bao la chợt òa ra trước mắt làm ta sững người. Một hồ nước trong xanh trải dài, đồi thông vây quanh, phía xa là núi Tam Đảo ẩn hiện trong mây lành.
Một số hình ảnh Hồ Xạ Hương:
ST