Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 12 trường trong nhóm GX khoảng 44.000. Khi xét tuyển vào nhóm GX, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký.
Hiện nay, các trường đại học (ĐH) tuyển sinh theo nhóm (GX) đang thực hiện công tác chấm thi THPT Quốc gia năm 2016. Chậm nhất là 20/7, nhóm GX sẽ phải chấm thi xong và phải cập nhật điểm vào hệ thống quản lý thi THPT Quốc gia để Bộ GD-ĐT kiểm tra trước khi nhóm công bố điểm đến thí sinh.
Để hiểu hơn về công tác chấm thi và xét tuyển vào nhóm GX, phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
PV: Thưa ông, việc chấm thi THPT để xét tuyển vào nhóm GX được thực hiện như thế nào?
PGS.TS Trần Văn Tớp: Các trường ĐH thực hiện xét tuyển theo nhóm được thành lập theo sáng kiến của ĐH Bách Khoa Hà Nội và theo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2016. Đến nay, nhóm GX gồm 12 trường đảm bảo xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
Đối với công tác chấm thi THPT Quốc gia 2016, trường ĐH Bách Khoa đại diện cho nhóm GX đã liên hệ với Bộ GD-ĐT để toàn bộ các môn thi trắc nghiệm sẽ do Bộ chấm giúp.
Toàn bộ cán bộ của ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ cùng với một số trường thành viên chấm phần tự luận của môn Toán và Ngoại ngữ (riêng ĐH Bách khoa Hà Nội huy động 80 cán bộ chấm thi). Đối với các môn khoa học xã hội, nhóm cũng đã ký hợp đồng với Sở GD-ĐT Hà Nội và các trường ĐH, CĐ để chấm thi.
Sau khi chấm thi xong là đến công việc ghép phách, vào điểm và nhập cơ sở dữ liệu. Chậm nhất là 20/7, nhóm GX sẽ phải chấm thi xong và phải cập nhật điểm thi vào hệ thống quản lý thi THPT Quốc gia để Bộ GD-ĐT kiểm tra trước khi nhóm GX công bố điểm đến thí sinh.
PV: Sau khi chấm thi xong, việc xét tuyển trong nhóm GX sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Văn Tớp: Ban chỉ đạo tuyển sinh của nhóm GX và các Tiểu ban chuyên môn, Tiểu ban kỹ thuật đã được thành lập để thực hiện các khâu kỹ thuật chuẩn bị cho đăng ký và xét tuyển sinh.
Mọi công tác chuẩn bị (phần mềm, thiết bị máy chủ, hệ thống mạng…) đã hoàn thành và đáp ứng được yêu cầu xét tuyển chung của nhóm. Nhóm GX đã lập một Website chung để công bố các thông tin tuyển sinh của nhóm cho thí sinh tại địa chỉ: http://tsgx.vn.
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2016, Tiểu ban chuyên môn của nhóm GX sẽ tiếp tục họp thử nghiệm một cách tổng thể phần mềm xét tuyển và các giải pháp chung của nhóm.
Ngày 12/8, khi nhận được cơ sở dữ liệu đăng ký từ Bộ GD-ĐT, các tổ chuyên môn và kỹ thuật sẽ nhóm họp ngay. Dự kiến từ ngày 13 đến 14/7, tất cả thành viên của Ban chỉ đạo tuyển sinh nhóm GX sẽ bị cách ly để thực hiện công tác xét tuyển. Sau khi nhóm họp, nhóm GX sẽ công bố kết quả xét tuyển của nhóm để thí sinh được biết.
Nhóm GX sẽ đề xuất với Bộ GD-ĐT về mẫu xét tuyển của nhóm khác với các mẫu xét tuyển của những trường ĐH, CĐ tuyển sinh độc lập để thí sinh không bị nhầm lẫn.
Theo đó, trong mẫu xét tuyển bình thường sẽ có 1 dòng cuối cùng ghi là: “Các thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm GX và nhóm của ĐH Đà Nẵng không sử dụng phiếu này”.
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội
PV: Thưa ông, các trường ĐH đăng ký xét tuyển theo nhóm GX sẽ phải thực hiện những quy tắc chung mà nhóm đưa ra. Tuy nhiên, hiện đang có ý kiến cho rằng, việc xét tuyển cũng có thể xảy ra tình trạng những trường tốp trên thu hút hết thí sinh ở trường tốp giữa, tốp dưới. Xin ông cho biết, nếu có tình trạng này xảy ra thì nhóm GX sẽ giải quyết ra sao?
PGS.TS Trần Văn Tớp: Các trường tuyển sinh theo nhóm GX được đảm bảo tự chủ tuyển sinh như việc các trường có quyền quyết định có vào nhóm GX hay không.
Việc các trường ĐH tốp trên, tốp giữa, tốp dưới cùng thống nhất tuyển sinh theo nhóm, cùng thực hiện một quy định chung là cả sự bàn thảo rất kỹ lưỡng. Đó là sự trao đổi thẳng thắn, thống nhất về chỉ tiêu để làm sao những trường ĐH tốp trên không thu hút hết thí sinh dẫn đến trường tốp dưới không tuyển sinh được.
Mỗi trường ĐH đều có sự phân khúc, thế mạnh, đặc điểm đào tạo riêng và nhóm GX luôn tạo điều kiện tối đa để các trường thu hút được thí sinh.
Nếu trong đợt 1, các trường trong nhóm GX không tuyển đủ thí sinh thì sẽ tiếp tục xét tuyển trong đợt 2.
PV: Xin ông cho biết, khi đăng ký xét tuyển vào nhóm GX, thí sinh cần lưu ý những gì?
PGS.TS Trần Văn Tớp: Khi đăng ký xét tuyển vào nhóm GX, thí sinh phải nộp lệ phí đăng ký. Nếu thí sinh nào đăng ký vào 1 trường thì phải nộp lệ phí là 30.000 đồng; từ 2 trường trở lên là 60.000 đồng. Thí sinh có thể đến bất kỳ một trường thành viên nào của nhóm GX để nộp lệ phí đó. Nếu thí sinh ở xa không đến trực tiếp trường nộp được thì có thể nộp qua đường bưu điện trong hồ sơ gửi về các trường.
Ngoài ra, nhóm GX cũng mở một tài khoản ở ngân hàng. Tài khoản này chỉ kích hoạt từ ngày 31/7-15/8/2016. Do vậy, thí sinh và người nhà có thể chuyển tiền vào tài khoản đó.
Mặt khác, thí sinh có thể sử dụng dịch vụ của các nhà mạng để thí sinh có thể nộp lệ phí đó. Như vậy, với tất cả các phương thức từ truyền thống cho đến hiện đại đều được nhóm GX thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phí sinh nộp lệ phí đăng kỹ xét tuyển.
Khi đăng ký vào một ngành của nhóm GX, thí sinh có thể được xét tuyển vào ngành mà mình yêu thích tại 4 trường trong nhóm. Ví dụ như thí sinh đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin thì được xét tuyển vào 4 trường trong nhóm GX có ngành học này.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 12 trường trong nhóm GX khoảng 44.000. Như vậy, số lượng đăng ký xét tuyển của nhóm là đủ lớn và có đủ ngành nghề để thí sinh lựa chọn.
Khi đăng ký xét tuyển vào nhóm GX, thí sinh cần cân nhắc kỹ kết quả điểm thi THPT Quốc gia của mình cũng như tham khảo điểm chuẩn của năm 2015 để chọn ngành, trường học phù hợp.
Khi xét tuyển vào nhóm GX, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng nên việc đăng ký vào ngành, trường học nào của thí sinh là cố định.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo Bích Lan/VOV.VN