Cập nhật: 13/07/2016 08:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nghề tái chế bông truyền thống thôn Gia xã Yên Đồng vốn có từ lâu, bắt đầu từ một số hộ làm nghề “bật bông”. Gọi là bật bông là tên một nghề được đặt theo đúng thao tác của nó. Từ xưa, dân ta nghèo lắm, có được chăn bông mà đắp là quý rồi, có khi được giữ gìn truyền từ mẹ cho con. Người con gái đi lấy chồng cha mẹ cho con được cái chăn, cái màn là quý lắm.

 

Chăn cũ bây giờ họ bỏ đi, thậm chí chăn hơi đang được thay dần, còn chăn bông lại được đem ra đắp cho cây cảnh. Ngày xưa, chăn cũ được đem ra bật lại, nếu hao mòn mua thêm dăm bảy lạng hay một cân để cho cái chăn đắp đủ ấm. Người làm nghề bật bông xưa không phải ngồi tại chỗ, tại nhà mà đem theo một chiếc cần bật, vài cái kim, vài cuộn dây khâu và vài chục kilôgam bông đi khắp mọi nơi, ai cần bật lại chăn cũ, hay làm chăn mới cũng được.

Khi người bật bông gặp được khách thì làm, người này truyền người kia mời thợ về nhà làm, thế là mỗi chuyến đi làm ở một vài địa điểm, khi nào hết vài chục kilôgam bông mang theo lại đem tiền về nhà cho gia đình, vợ con và lại mua đem theo vài chục kilôgam bông. Như vậy, nghề bật bông cũng lang thang nay đây mai đó nhọc nhằn lắm. Đời sống của những người làm nghề cũng không khá giả cho lắm.

 Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những người làm nghề bật bông xưa kia ở thôn Gia vốn đã năng động lại càng năng động thêm. Họ đã đầu tư mua sắm máy cào bông, mua các mụn vải cắt loại từ các cơ sở may mặc, tẩy trắng cào thành bông sản xuất ra chăn bán và bông nguyên liệu. Nhiều nơi đã về thôn Gia nhập bông để kéo sợi, dệt vải.

 Không chỉ dừng lại ở cào bông, bán nguyên liệu mà nhiều hộ đã chuyển sang kinh doanh các mặt hàng cao cấp từ việc tái chế bông. Từ những mặt hàng thông thường như khăn mặt, ga, gối đệm, chăn mỏng cho mùa hè, mùa thu, chăn dày cho mùa đông đến đệm mềm, đệm cứng, đệm 1 tấn và đệm 3 tấn gấp.

Những sản phẩm từ tái chế bông của thôn Gia đã được nhiều người biết đến, được bày bán ở nhiều đại lý khắp từ Nam ra Bắc. Nhiều người đã vượt khỏi quê hương thành lập các doanh nghiệp, sản xuất ở thành phố Vinh, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Yên Bái. Nếu đem so sánh đệm cứng của thôn Gia với đệm Kim Đan thì đệm của thôn Gia không thua kém gì. Điều này đã được khẳng định chắc chắn, không cần phải quảng cáo trên báo, đài hay ngoài đại lộ mà sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

 Từ bật bông nâng cấp lên thành cào bông, từ làm chăn bông nay đã tiến lên thành chăn hơi, gối hơi, đệm cứng, đệm mềm, màn tuyn; từ trong phạm vi thôn Gia nay đã mở rộng sang nhiều hộ ở các thôn Chùa, thôn Đình, thôn Yên Nghiệp, Yên Tâm.

 Đối với các làng nghề truyền thống khác có khi bị co hẹp, không tìm kiếm được thị trường như nghề mây tre đan chẳng hạn nếu như không nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ để tham gia xuất khẩu. Riêng nghề tái chế bông để sản xuất ra các sản phẩm như hiện nay của thôn Gia thì thị trường tiêu thụ còn vô cùng phong phú, ít chịu cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do vậy, việc mở rộng quy mô kinh doanh ở thôn Gia rất thuận tiện. Hiện nay, ở thôn Gia đã có trên 70% số hộ tái chế bông, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, thu hút trên 80% lao động, chỉ còn lại gần 20% lao động trong ngành nông nghiệp. Là một trong những nơi làng nghề phát triển mạnh đời sống khá sung túc.

 

Sản phẩm từ làng nghề tái chế bông vải sợi thôn Gia xã Yên Đồng

Nghề tái chế bông có thị trường tiêu thụ rộng, có hiệu quả kinh tế cao nhưng lại gây ô nhiễm môi trường rất nặng, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và là loại sản phẩm bắt lửa mạnh dễ gây ra hoả hoạn, không mấy năm là không có hoả hoạn xảy ra. Được sự quan tâm của huyện, tỉnh, làng nghề tái chế bông thôn Gia đã được tỉnh cấp bằng công nhận, đã được phê duyệt quy hoạch và duyệt vốn để xây dựng thành làng nghề sản xuất tập trung. Chắc chắn làng nghề tái chế bông thôn Gia sẽ phát triển mạnh hơn cả về quy mô, tốc độ và tính đa dạng hơn nữa của sản phẩm./.

 

 

ST

Tệp đính kèm