Với những giá trị hấp dẫn về tự nhiên, phong phú về văn hóa, Vĩnh Phúc còn là địa phương có nhiều di tích gắn liền với truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, điều kiện để phát triển nhanh, hiệu quả và vững chắc cho ngành Du lịch Vĩnh Phúc.
Tam Đảo- Điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách. Ảnh Khánh Linh
Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách và các hoạt động để quảng bá về du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc nói chung và du lịch Vĩnh Phúc nói riêng trong khu vực, tạo thế và lực cho du lịch Vĩnh Phúc phát triển vững chắc, từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng nhiều khu du lịch như: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải…ngày càng được đầu tư đồng bộ, chất lượng tốt hơn, hệ thống giao thông kết nối giữa các khu du lịch, điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh được kết nối, lưu thông thuận tiện . Cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch đa dạng và không ngừng gia tăng . Năm 2015 toàn tỉnh có 294 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh khách sạn với 4.452 buồng, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 02 khách sạn 3 sao, 26 khách sạn 2 sao và 20 khách sạn 1sao đảm bảo đón trên1, 5 triệu lượt khách lưu trú trong một năm. Tính đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc có 11 công ty Lữ hành; trong đó có 3 Công ty có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động du lịch trên địa bàn ngày càng chặt chẽ. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030; đề án phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020; đề án phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực dịch vụ, du lịch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020 và một số quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển du lịch.... Đội ngũ quản lý Nhà nước về du lịch ngày càng được kiện toàn và có kinh nghiệm góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Đặc biệt, thực hiện Luật Du Lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản đối với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đã giúp cho các cơ sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ các quy định của Luật Du lịch (2005) để chủ động thực hiện; đồng thời kiểm tra giám sát việc thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác tham gia hoạt động du lịch; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về dịch nắm bắt được những vấn đề con hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật để có cơ sở sủa đổi bổ sung, điều chỉnh hệ thống pháp luật để xây dựng ngày càng hoàn hiện hơn.
Công tác thực hiện quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chiến lược phát triển ngành du lịch, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước; lập quy hoạch chi tiết từng khu du lịch. Khu Du lịch Tam Đảo – khu Tam Đảo I, Tam Đảo II, khu di tích danh thắng Tây Thiên, Đại Lải Resort vẫn tiếp tục phát triển nhiều hạng mục, Đầm vạc, núi Sáng Sơn – hồ Bò lạc, hồ Thanh Thanh Lam – Thác Bản Long…Ngoài ra, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế, tài chính, kỹ năng quản lý, kinh doanh đầu tư vào tỉnh.
Hiện nay, tỉnh ta đã, đang chỉ đạo tăng cường chiều sâu công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa găn với bảo vệ môi trường - tài nguyên. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh bạn, đặc biệt là các địa phương có ngành du lịch phát triển. Tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững, khẳng định vai trò của du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và phấn đấu đưa du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn mang tầm cỡ Quốc gia. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phổ biến thủ tục qui trình cấp, đổi, cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch trên thông tin đại chúng tới các hướng dẫn viên tại trang web điện tử của tỉnh, trên cuốn bản tin của ngành và niêm yết tại đơn vị.
Có thể nói, sau khi Luật Du lịch có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thanh tra, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Luật Du lịch cũng là khung pháp lý quan trọng trong việc quản lý xúc tiến, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư. Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác du lịch được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ sở hạ tầng các khu du lịch được quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về vai trò, vị trí của du lịch ngày càng được nâng lên, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc qui hoạch phát triển du lịch ngày càng chặt chẽ, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch trên địa bàn rõ ràng hơn, góp phần khẳng định du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2015, Vĩnh Phúc đón 3.320.420 lượt khách, trong đó 22.340 lượt khách quốc tế. 6 tháng năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 1.989.000 lượt khách, trong đó có 13.450 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu ước đạt 721 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, những sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu và tính hấp dẫn, tính cạnh tranh chưa cao. Do đó lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc có mức chi dùng rất thấp (chi tiêu dùng của khách chủ yếu là dịch vụ ăn uống và lưu trú), các sản phẩm lưu niệm chỉ đáp ứng được 5-10% sức mua của khách du lịch. Các chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; ý thức về quảng bá du lịch của nhân dân và các doanh nghiệp còn thấp mang nặng tính hình thức. Một số điểm du lịch chưa đạt độ hấp dẫn, thiếu những khu du lịch cao cấp (Spa resort), khu nghỉ dưỡng đáp ứng được nhu cầu khách quốc tế; quy hoạch phát triển du lịch một số khu, điểm du lịch như hiện nay chỉ thu hút được khách nội địa. Những loại hình du lịch của Vĩnh Phúc có tiềm năng và có khả năng thu hút được khách quốc tế như du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống thì chưa được đầu tư khai thác, chưa tuyên truyền quảng bá rộng rãi ra các thị trường quốc tế . Những di tích lịch sử văn hóa của Vĩnh Phúc phần lớn chưa thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của thời kỳ lịch sử, mà chủ yếu phục vụ loại hình văn hóa tâm linh, nên chưa có sức thu hút khách quốc tế.
ST