Tọa lạc trước Cổng Tam Quan Đền Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, cây lộc vừng gần 600 năm tuổi là niềm tự hào của người dân xã Sơn Đông (Lập Thạch).
Theo sử sách ghi chép, vào những năm cuối thế kỷ XIV, nhà Trần trên đà suy sụp, khó tránh khỏi sự tan vỡ. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán khi ấy đã cho con trai và con dâu là Trần Án và Lê Thị Hoàn đi lánh nạn chờ thời cơ gây dựng nhà Trần. Vợ chồng Trần Án đến đất Sơn Đông, cảm nhận được sự hài hòa của trời đất nên cắm sào định cư lạc nghiệp tại đây. Ít lâu sau, ông bà sinh được một người con trai tuấn tú đặt tên là Trần Nguyên Hãn. Ngay từ nhỏ, Trần Nguyên Hãn đã tỏ ra là người thông minh, sắc sảo, văn võ song toàn. Lên 10 tuổi ông đã thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh; 16 tuổi, ông tập hợp trai tráng lập nghĩa binh đánh giặc. Năm Đinh Tỵ (1417), Trần Nguyên Hãn nghe theo tiếng gọi của non sông, đến Lam Sơn tụ nghĩa cùng Lê Lợi. 10 năm gắn bó với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông cùng Lê Lợi trải qua hàng trăm trận huyết chiến với kẻ thù xâm lược. Cuối cùng, giặc Minh buộc phải bỏ giáo quy hàng và rút quân về nước. Sau cuộc khởi nghĩa, Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi phong làm Tả Tướng Quốc và được ban Quốc tính nhưng ông xin về hưu trí tại quê nhà. Năm Kỷ Dậu (1429), Lê Lợi nghe lời sàm tấu của gian thần tố cáo Trần Nguyên Hãn thông đồng với Tù trưởng địa phương làm phản nên đã ban Tờ chiếu bắt giam Trần Nguyên Hãn, ông liền tự sát để chứng minh sự trong sạch. 26 năm sau, vua Lê Nhân Tông đã xuống chiếu minh oan cho ông. Đến đời nhà Mạc, ông được truy phong là Tả Tướng Quốc. Sau khi Trần Nguyên Hãn chết, nhân dân địa phương cảm phục tài đức của ông nên đã xây Đền thờ tự. Ngôi Đền uy nghi, bề thế được xây trên chính mảnh đất của gia đình ông. Trước cửa Tam Quan, nhân dân trồng một cây lộc vừng, cây lộc vừng đó vẫn trường tồn đến ngày nay như minh chứng cho uy danh bất diệt của người Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn.
Cây lộc vừng được trồng ở nơi đắc địa, nhờ sinh dưỡng của đất trời mà cứ thế trường tồn cùng năm tháng. Trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao sự đổi thay của lịch sử nhưng cây vẫn giữ được cốt cách thanh tao, tự tại. Gần 600 tuổi, cây lộc vừng đã vào thế “Lão mộc độc trụ”, vỏ cây xù xì bạc trắng vì tắm nắng gội mưa. Cây cao khoảng 10m, thân cây 3 người ôm không xuể. Cây mang thế “Cửu long khởi vũ” (9 rồng cùng múa). Từ một nơi trên thân tỏa ra 9 cành lớn, dáng mềm mại uốn lượn như rồng cuộn. Trên cây cành đan cành, tầng tầng lớp lớp tỏa ra 4 phương 8 hướng tạo nên hình nấm uy nghi giữa trời cao lồng lộng. Cây lộc vừng đón gió đông nam phảng phất hương trầm từ chùa Vĩnh Phúc (chùa Am) làm thanh thản lòng người.
Lá lộc vừng xanh thắm đến cuối thu, đầu đông ngả màu vàng tơ rồi chuyển sang vàng chanh thì ào ạt trút xuống, thân cành lộ nguyên chứng tích của năm tháng. Dưới tán lộc vừng, lũ trẻ chăn trâu cùng chơi chắt, cướp cờ, kéo co... Người già ngồi hóng mát kể chuyện đời, chuyện đạo... Cụ Trần Văn Thục (77 tuổi) ở thôn Đa Cai, xã Sơn Đông kể lại, khi còn nhỏ, cụ theo đám trẻ con trong xóm đi chăn trâu rồi trèo lên cây lộc vừng chơi đánh trận giả. Trẻ con ở quê hiếu động là thế mà ít khi thấy đứa trẻ nào bị ngã, nếu có ngã thì cũng không bao giờ bị gãy chân, gãy tay gì. Dưới gốc cây lộc vừng có biết bao duyên lành nảy nở, nam thanh nữ tú nên duyên vợ chồng. Năm xưa, cũng tại nơi đây, du kích tập trung dưới gốc cây lộc vừng trong những đêm trăng sáng bàn cách đánh giặc giữ làng. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng về dâng hương tại Đền thờ Tả Tướng Quốc và trồng cây đa lưu niệm, điểm tô cho phong cảnh nhà Đền thêm cổ kính, thanh bình.
Truyền thuyết kể lại rằng, những năm trước đây, khi sông Đà, sông Lô chưa được trị thủy, hàng năm, mỗi khi tháng 6, tháng 7 về, nước lớn tràn ngập đồng ruộng, nước ngập đến ngang thân cây lộc vừng, từng đàn cá vàng tung tăng bơi lội, đầu hướng về phía cửa Đền, người ta gọi là đàn cá chầu. Năm nào có cá chầu xuất hiện, năm đó nhân dân trong vùng bình an, không có tai ương, hạn dịch.
Cây lộc vừng là công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà thiên nhiên dành tặng cho con người. Trải qua 600 trăm năm tồn tại và phát triển, cây gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, truyền thống văn hóa của người dân địa phương; là cánh tay nối liền đôi bờ lịch sử, từ triều đại Lê Sơ cho đến ngày nay. Vừa qua, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận Cây di sản Việt Nam dành cho cây lộc vừng trước Đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “Xét về độ tuổi, cây lộc vừng có thời gian tồn tại lâu đời nhất so với các cây lộc vừng khác trên cả nước. Hình thái, cảnh quan xung quanh cây rất đẹp. Không chỉ đơn thuần là cây cảnh, cây lộc vừng còn mang ý nghĩa lịch sử, gắn với truyền thống văn hóa của đất và người Sơn Đông. Cho đến nay, cây thuộc hàng “Độc nhất vô nhị”, đứng đầu về giá trị thẩm mỹ trong số những Cây di sản trên cả nước”.
Hàng trăm năm nay, màu xanh của cây lộc vừng đã hòa cùng màu xanh của cây bàng, cây duối, màu xanh của lũy tre làng, bãi chuối, hàng cau quê nhà. Cây là biểu tượng của sự trường tồn, phúc lộc, an lành và hạnh phúc. Dưới gốc cây lộc vừng, ta thắp nén tâm nhang tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Trần Nguyên Hãn, lòng đầy tự hào về một thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất.
ST