Cập nhật: 14/07/2016 14:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chúng tôi có dịp tới thăm làng nghề chè Phú Thịnh – xã Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) vào một ngày nắng oi ả. Trước mắt chúng tôi là những đồi chè bạt ngàn, xanh mơn mởn ôm trọn mảnh đất nơi đây. Làng nghề chè Phú Thịnh được UBND tỉnh công nhận làng nghề vào tháng 12/2014. Với sự đầu tư, chăm sóc, đến nay, làng nghề đã dần phát triển và được xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Hồng bên đồi chè đem lại thu nhập cao của gia đình

Đi qua một quãng đường dài quanh co, gồ ghề, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng Làng nghề chè Phú Thịnh. Vừa rót chén nước chè Ô Long thơm nồng mời chúng tôi, ông Hồng phấn khởi giới thiệu: Làng nghè chè Phú Thịnh hiện nay có tổng số 231 hộ thì có 130 hộ gia đình trồng chè với diện tích cả làng nghề trên 22 ha và có khoảng 31 hộ dân tham gia chế biến chè các loại. Hiện nay, các hộ trong khu cũng đều đầu tư trồng các loại chè cành giống mới như: Lai 1, Lai 2, Kim Tuyên, Ô Long, Bát Tiên... phục vụ chế biến chè Ô Long xuất khẩu. Bên cạnh đó, bà con đã được cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; trồng thí điểm các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Nhờ đó mà rất nhiều doanh nghiệp, thương lái ở trong và ngoài tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang... đã đến thu mua chè. Chính từ cây chè mà hầu hết các hộ trồng, chế biến chè ở đây đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, sắm sửa đồ đạc, xây dựng nhà khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng. Điển hình như gia đình ông Ngô Kế Thiện, Nguyễn Văn Thao, Ngô Văn Định...

Điều đáng kể đến ở đây chính là thu nhập bình quân đầu người trong làng nghề đạt 22,5 triệu đồng/năm (trong đó thu nhập bình quân của toàn xã đạt 19,5 triệu đồng/người/năm). Qua đó đã thể hiện được việc đi đúng hướng trong phát triển kinh tế của người dân, góp phần làm bước đệm vững chắc để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc trồng và chế biến, một lĩnh vực khác cũng là thế mạnh của làng nghề là sản xuất và buôn bán chè giống, với 60 hộ gia đình làm nghề này, trong đó hộ ít nhất sản xuất khoảng 20 vạn bầu chè giống/năm, hộ nhiều cũng vào khoảng 400 vạn bầu chè giống/năm, với giá khoảng 400 đồng/bầu. Ông Ngô Kế Thiện, một hộ trồng, sản xuất và chế biến chè đem lại thu nhập cao cho biết: "Nhờ buôn bán chè giống, mỗi năm tôi thu cả tỷ đồng, trừ chi phí cũng còn khoảng bảy, tám trăm triệu đồng. Nhờ cây chè mà đến nay gia đình đã vươn lên làm giàu, đảm bảo ổn định kinh tế góp phần nâng cao đời sống của gia đình".

Ông Hồng còn khẳng định: Trong thời gian tới, dưới sự giúp đỡ của các cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, làng nghề sẽ tập trung vào hướng chuyên trồng, thâm canh các loại chè chất lượng cao để phục vụ cho việc chế biến chè Ô Long; đồng thời đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ phục vụ chế biến sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn như VietGap, HACCP; tìm kiếm, phối hợp với một số địa phương để mở rộng vùng nguyên liệu chế biến; mở rộng thị trường cho sản phẩm chè khô, chè giống…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, làng nghề chè Phú Thịnh vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: Việc chế biến chè, đặc biệt là chè cao cấp còn manh mún, lạc hậu, chủ yếu dựa vào Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc hoặc các lò quay thủ công nên giá thành chưa cao; thiếu sự đầu tư cải tiến, nâng cấp hệ thống máy móc chế biến… để có thể phát triển một cách bền vững và từng bước xây dựng được thương hiệu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Doãn Văn Hậu - Chủ tịch UBND xã Phú Hộ cho biết: Làng nghề chè Phú Thịnh tuy mới được UBND tỉnh công nhận Làng nghề vào tháng 12/2014, nhưng trong những năm gần đây, làng nghề đã xác định được hướng đi, đưa kinh tế địa phương phát triển một cách bền vững, góp phần giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng của người dân. Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, chú trọng đẩy mạnh, ưu tiên phát triển các ngành nghề truyền thống trên địa bàn.

Có thể nói, Làng nghề chè Phú Thịnh đang từng bước phát triển, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế địa phương, đẩy lùi đói nghèo trong toàn xã. Hi vọng một ngày không xa, các sản phẩm chè của Làng nghề chè Phú Thịnh sẽ có thương hiệu trên thị trường, góp phần quảng bá sản phẩm của đất Tổ tới tay người tiêu dùng trên cả nước.

 

ST

Tệp đính kèm