Cập nhật: 16/07/2016 10:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng nón bên dòng Sông Thao (xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã nổi tiếng từ lâu với những sản phẩm nón lá thanh tú, bình dị, bền đẹp.

Nghề làm nón thu hút đông đảo người lao động.

Tuy là nghề phụ nhưng nghề làm nón ở Sai Nga lại đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Nghề làm nón đã và đang giúp cho những người nông dân Sai Nga có một cuộc sống no ấm, đầy đủ.

Xã Sai Nga có 12 khu hành chính, cả xã hiện có 1182 hộ với 3948 nhân khẩu. Trong đó, tổng số hộ tham gia sản xuất làng nghề nón lá là 641 hộ, chiếm 54,2%. Do địa bàn của xã là đồng bằng trung du nên diện tích đất nông nghiệp ít, khó khăn trong việc canh tác nên thu nhập của người dân từ sản phẩm nông nghiệp  rất thấp. Đặc biệt, khi dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai được triển khai, xã có hơn 60ha đất nằm trong dự án bị thu hồi nên diện tích đất nông nghiệp của người dân càng hạn hẹp.

Trước thực trạng trên, chính quyền xã đã xác định và đưa ra mục tiêu tuyên truyền vận động người dân phát triển nghề thủ công và dịch vụ. Trong đó có nghề nón lá truyền thống của địa phương.

Theo người dân ở Sai Nga, để làm ra được một chiếc nón đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như chọn lá, làm vanh, giẽ lá, là lá, quay nón, nức, nhôi và sấy... Nguyên liệu làm nón thường là bằng lá cọ đây là nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Tuy nhiên, do lá cọ cứng nên đòi hỏi người khâu (hay còn gọi là may) nón phải thật khéo léo, bền bỉ và tinh tế. Ngày nay, nhiều hộ dân trong làng mua thêm lá thanh làm nguyên liệu thay thế lá cọ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của những người làm nghề lâu năm, nếu nón được làm bằng lá cọ sẽ bền và đẹp hơn rất nhiều.

Chị Đinh Thị Hanh (ở khu 5, xã Sai Nga) chia sẻ sau khi chọn được nguyên liệu, chúng tôi xếp từng lá vào vòng nón, một lớp mo tre và một lớp lá nữa rồi khâu bằng kim; khâu là công đoạn rất khó bởi nếu không khéo tay thì dẫn đến lá bị rách, nón sẽ hỏng. Người nào khâu mau tay và chắc tay chiếc nón sẽ bền và đẹp hơn. Sau khi đã khâu xong thì bắt đầu nhôi. Đây cũng là công đoạn rất khó, vì nếu nhôi kỹ và chặt chiếc nón sẽ không bị sổ hoặc bung ra. Đó cũng là bí quyết làm nghề của những người dân Sai Nga. Sau khi khâu xong chiếc nón, người thợ hơ bằng diêm sinh làm cho màu nón trở nên trắng và không bị mốc.

“Trung bình mỗi ngày một người có thể làm được 2-3 cái nón, nếu làm giỏi có thể được 4-5 nón. Giá mỗi chiếc nón đẹp trung bình được bán với giá 40.000-50.000 đồng, trừ chi phí mua nguyên liệu mỗi chiếc nón cũng lãi được khoảng 30.000 đồng…,” chị Hanh cho biết

Nếu làm phép tính đơn giản, trung bình mỗi ngày một người làm nón ở Sai Nga có thể kiếm được khoảng 100.000 đồng, tính thu nhập cả tháng đối với người nông dân thì nghề phụ cũng đem lại thu nhập khá và ổn định. Nhiều gia đình đã có của ăn, của để nhờ làm nón.

Chị Đinh Thị Toàn (khu 4, xã Sai Nga) cho biết nhà chị có vài sào ruộng, nếu làm nông nghiệp trừ chi phí đi chẳng đáng là bao. Nghề nón là nghề thu nhập chính trong gia đình. Ngoài giờ học các cháu còn phụ giúp thêm bố mẹ, lúc nông nhàn cả nhà làm nón, tính ra thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa.

Nón lá Sai Nga làm ra đến đâu được các thương đến tận nơi thu mua hoặc được bán tại chợ phiên của xã, và đã có mặt ở khắp các phiên chợ các tỉnh phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sai Nga Trần Văn Thảo cho biết năm 2012, Sai Nga đưa ra thị trường hơn 300.000 chiếc nón, tổng giá trị thu nhập từ nghề nón ước đạt hơn 3 tỷ đồng. Nghề làm nón đã góp phần quan trọng và là cú hích trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. Trong thời gian tới, chúng tôi tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu cho nón lá Sai Nga không chỉ ở trong tỉnh, các tỉnh lân cận mà ra toàn quốc. Theo người Sai Nga, thời gian này nón lá Sai Nga còn có mặt tại thị trường Trung Quốc.

Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Khê, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng triển khai việc đưa máy móc hiện đại để giảm công lao động cho người nông dân. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tổ chức cho đại diện các làng nghề là thợ sản xuất lâu năm có tay nghề giỏi, uy tín trong làng, lãnh đạo xã có làng nghề đi tham quan, học tập tại các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm phát triển nhân rộng, liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm./.

 

ST

Tệp đính kèm