Cập nhật: 17/07/2016 09:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Văn hóa dòng họ từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc tiêu biểu đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Những sinh hoạt trong dòng họ đã trở thành cây cầu kết nối giữa truyền thống và hiện đại, gắn kết giữa các gia đình trong các dòng họ. Trải qua bao thế hệ, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước hôm nay, những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dòng họ vẫn được người dân trong huyện Yên Lạc bảo tồn và phát huy, trở thành di sản văn hóa quý báu của các làng xã, của quê hương, góp phần tạo dựng và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Lãnh đạo Đảng ủy, UBND Thị Trấn Yên Lạc tặng hoa chúc mừng

HĐGT họ Nghiêm (TTYL) nhân dịp dòng họ Khánh thành Nhà thờ tổ

Yên Lạc là vùng đất cổ, được các nhà khảo cổ xác định là nơi cứ trú lâu dài của người Việt cổ và là vùng đất đánh dấu sự phát triển rực rỡ của văn hóa 4 thời kỳ: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Là nơi phát tích của người Việt cổ nên nhiều làng và nhiều dòng họ đã xuất hiện khá sớm ở vùng đất này. Và cùng với lịch sử hình thành và phát triển của mỗi làng xã, truyền thống văn hóa của các dòng họ đã trực tiếp góp phần tạo nên sắc thái văn hóa riêng của mỗi làng quê.

Hiện nay trên địa bàn huyện Yên Lạc có trên 600 dòng họ. Mỗi dòng họ tuy có khác nhau nhưng phần lớn sống dựa vào ruộng đất, một số ít tham gia nghề thủ công, một số ít thì tham gia thương nghiệp kèm với nghề nông chăn nuôi, nhưng tất cả họ đều gắn bó với nhau, noi gương các gia đình, cá nhân tiêu biểu trong dòng họ và đều chung một truyền thống tốt đẹp là luôn ý niệm về gốc gác tổ tiên để thành tâm thờ kính. Những gia đình, cá nhân tiêu biểu được các dòng họ noi theo đều có ảnh hưởng to lớn đối với làng xã và thường là chỗ dựa và là niềm từ hào của cả dòng tộc. Dòng họ Dương ở Thị trấn Yên Lạc mà cụ tiền tổ là Tiến sỹ Hán học Dương Tĩnh và cụ thủy tổ là Tiến sỹ Hán học Dương Đôn Cương hàng năm vào ngày Chạp họ, con cháu nội ngoại từ khắp nơi hội tụ về từ đường để tưởng nhớ và tri ân công đức ông bà tổ tiên, truyền cho nhau nghe về lịch sử dòng tộc, nhắc nhở con cháu về mối quan hệ thiêng liêng gắn bó với họ hàng, chọn nêu những gia đình tiêu biểu nhất làm tấm gương về đạo đức, nhân cách cho dòng họ noi theo.

 

Cắt băng khánh thành nhà thờ tổ họ Nghiêm (Thị trấn Yên Lạc)

Với mỗi dòng họ ở huyện Yên Lạc, nhà thờ họ hay từ đường luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi thành viên trong họ. Nhà thờ hay Từ đường của mỗi dòng họ thường là nơi thờ các cụ tổ tiên, các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước và làm rạng danh dòng họ. Đồng thời cũng là nơi để con cháu tề tựu trong ngày giỗ họ được bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên và cũng là nơi bàn bạc những công việc chung của dòng họ. Thông thường trong mỗi dòng họ, người trưởng họ thường được coi là người thừa hưởng hương hỏa của tổ tiên, có vinh dự và trách nhiệm thờ cúng Tổ tiên và dòng tộc, gìn giữ nề nếp gia phong và đứng đầu trong các sự kiện và nghi thức của dòng họ. Đây cũng là truyền thống văn hóa vốn có bao đời của các dòng họ. Mặc dù cách thức tổ chức cúng giỗ tổ trong mỗi dòng họ tuy có đôi chút khác nhau, song đều mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ sau này. Trong ngày giỗ họ, con cháu trong dòng họ dù ở đâu cũng tìm về thắp hương, dâng lễ tạ ơn tiên tổ, trời đất. Đây cũng là dịp để các chi xa, chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống. Dòng họ Tạ ở thôn Yên Tâm, xã Yên Đồng vốn có gốc tích từ cụ thủy tổ Tạ Thế Tướng từ vùng đất Tản viên Ba Vì di cư đến sinh cơ lập nghiệp, tính đến nay đã được hơn 600 năm. Dòng họ Tạ cho đến nay vẫn còn giữ nguyên được nghi thức cúng giỗ của người xưa truyền lại, nhất là nghi thức tế lễ. Đây là nghi thức thể hiện sự bài bản và uy nghi, thể hiện sự tôn nghiêm dành cho Tiên tổ. 

Hiện nay, nhiều dòng họ trên địa bàn huyện Yên Lạc hiện vẫn còn lưu giữ được những cuốn gia phả, bia đá và các đạo sắc phong có niên đại hàng trăm năm. Đây chính là tài liệu, là báu vật quý giá ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ và những điều dăn dạy của tổ tiên với con cháu đời sau. Nhà thờ dòng họ Hoàng xã Đại Tự được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Hiện tại nhà thờ của dòng họ còn lưu giữ được cuốn gia phả ghi danh 13 đời dòng tộc bằng chữ hán nôm. Theo ông Hoàng Thanh Phú – Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Hoàng xã Đại Tự, việc ghi rõ ngày sinh, ngày mất trong cuốn gia phả chính là những tài liệu quý giá cho con cháu đời sau biết được gốc tích, nề nếp gia phong cũng như biết được ngày mất của ông cha mình mà kính cẩn hành lễ.

Hiện nay, nhiều việc làm thiết thực như chắp nối gia phả, họp mặt nhận họ, tổ chức các hoạt động giỗ tổ, tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá công lao của tổ tiên và những cống hiến của các danh nhân dòng họ với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển văn hóa dân tộc vẫn đang được các Ban liên lạc hội đồng gia tộc nỗ lực thực hiện. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dòng họ vẫn tiếp tục được các dòng họ bảo tồn và phát huy. Ở mỗi địa phương, các dòng họ đang giữ vai trò quan trọng trong giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời là chủ thể giải quyết kịp thời và có hiệu quả các xích mích bất hòa và tham gia vào những công việc lớn như: cưới xin, tang lễ, hoạn nạn hay xây dựng nhà cửa của các thành viên trong dòng họ, qua đó tăng cường mối gắn kết trong dòng họ với cộng đồng làng xã, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các công trình thờ các danh nhân của các gia tộc, dòng họ. Ngày nay, bằng việc giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình dòng họ, nhiều loại quỹ được lập ra nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Từ những nguồn quỹ này, các dòng họ đã để kịp thời thăm hỏi các thành viên trong họ ốm đau, mừng thọ cho các cụ cao tuổi và khen thưởng các cháu có thành tích cao trong học tập.

Dòng họ Trần làng Đinh Xá, xã Nguyệt Đức là một trong 335 dòng họ trên địa bàn huyện Yên Lạc làm công tác khuyến học – khuyến tài từ nhiều năm nay và có số quỹ khuyến học lớn ở huyện Yên lạc. Với quy chế hoạt động rõ ràng, Hội đồng gia tộc họ Trần đã xây dựng được quỹ khuyến học đạt 150 triệu đồng, lập được sổ vàng ghi danh những người đỗ đạt cao. Đến nay dòng họ đã có 1 người được phong quân hàm cấp tướng, 23 người có bằng Thạc sỹ, 98 kỹ sư và cử nhân. Trong 10 năm qua, quỹ khuyến học của dòng họ đã tuyên dương được 54 em đỗ Đại học, 1 em đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia, 48 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và hơn 60 em đạt học sỉnh giỏi cấp huyện. Như đã thành thông lệ, cứ vào ngày 10 tháng chạp hàng năm, họ Trần làng Đinh Xá lại tổ chức trao thưởng cho con em mình có thành tích cao trong học tập tại nhà thờ họ. Năm 2014, dòng họ Trần làng Đinh Xá vinh dự có người con của dòng họ là Thiếu tướng – Tiến sỹ Trần Việt Khoa được phong quân hàm cấp tướng, cùng với tuyên dương khen thưởng cho các con em trong dòng họ có thành tích cao trong học tập, dòng họ đã tổ chức lễ đón Thiếu tướng về vinh quy bái tổ. Đây là nét đẹp văn hóa ít thấy ở các dòng họ khác.

Phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ đang phát triển rộng khắp ở các thôn, làng. Các chi họ, dòng họ làm công tác khuyến học đang trực tiếp góp phần cổ vũ, động viên phong trào học tập suốt đời trong nhân dân và tăng cường sự đoàn kết tương thân, tương ái trong dòng họ

Trong lịch sử văn hóa Việt Nam cũng như lịch sử văn hóa của các làng xã luôn có vai trò quan trọng của văn hóa gia tộc, dòng họ. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của dòng họ cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thiết thực góp phần xây dựng quê hương Yên Lạc ngày càng giàu đẹp, văn minh

ST

Tệp đính kèm