Cập nhật: 18/07/2016 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Con người sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận, nghịch cảnh con người âm thầm giết hại nhau đang diễn ra hằng ngày.

Người dân dễ dàng mua bất cứ loại thực phẩm nào ở chợ, nhưng chất lượng thì không thể biết có an toàn hay không (Ảnh minh họa)

Tại hội thảo “Nông nghiệp an toàn - Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” được tổ chức gần đây tại Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa TP Hà Nội thừa nhận: Thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là cái “u ác tính” cho cả dân tộc. Nếu không được cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, chúng ta hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa.

“Con người đang âm thầm giết nhau”

Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, chưa bao giờ cái ăn, cái uống lại mang đến nhiều nỗi lo; khiến người dân rùng mình, run tay, ớn lạnh, kinh hoàng, hãi hùng… Nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết? Đây là câu hỏi khó nhất vào lúc này, bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận, nghịch cảnh con người đang âm thầm giết hại nhau diễn ra hằng ngày.

TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) dẫn chứng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 600 triệu người, tức là khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó 420.000 người bị chết. 40% số người ngộ độc thức ăn là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó 125.000 trẻ bị chết. Hàng năm, có 550 triệu người bị bệnh tiêu chảy do thức ăn ô nhiễm, làm chết 230.000 người, phần lớn là trẻ em ở các nước đang phát triển.

Tại khu vực Đông Nam Á, mỗi năm có 150 triệu người bị ngộ độc thức ăn, trong đó 60 triệu là trẻ em; có 175.000 người chết, trong đó 50.000 là trẻ em. Ở Việt Nam, các bệnh về đường tiêu hóa đứng đầu trong nhóm bệnh nội khoa. Khoảng 70% người Việt có nguy cơ mắc những bệnh này do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (HP); số người nhiễm bệnh về tiêu hóa hiện lên đến gần 10% dân số.

Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa. Trung bình mỗi năm có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Một trong những nguyên nhân ung thư là do ảnh hưởng của các hóa chất độc hại trong thực phẩm như thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc…

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tiêu dùng thực phẩm ảnh hưởng tới sự phát triển nòi giống. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng trong vòng 15 năm từ 1985 - 2000, chiều cao trung bình của người Việt Nam chỉ tăng được 1,5cm; trong khi Việt Nam đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng bình quân cho người Việt Nam là khoảng 6cm trong 25 năm, còn ở Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 2cm trong 10 năm.

Chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện chỉ đạt 163,7cm, của nữ là 153cm. So với tầm vóc của dân cư các nước trong khu vực châu Á, người Việt Nam thấp bé hơn rõ rệt (chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản là 171,5cm, Hàn Quốc là 173,9 cm).

Cần truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Riêng tại Hà Nội, theo thống kê với có số dân 7,2 triệu người và thường xuyên có mặt khoảng 2,5 triệu lao động, học sinh sinh viên ngoại tỉnh cư trú và làm việc. Để đáp ứng cho gần 10 triệu người, thị trường Hà Nội tiêu thụ một ngày khoảng 1.000 tấn thịt các loại, 700 tấn cá, 2.500 tấn rau củ các loại.

Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thịt gia súc gia cầm, 32% cá, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại...  Còn lại là từ các tỉnh khác cung cấp cho thành phố, nhập khẩu và không rõ nguồn gốc, cho nên nguy cơ cao về an toàn thực phẩm đối với Hà Nội là rất lớn.

Hầu hết người dân có thói quen mua hàng ở chợ cho tiện, trong khi hàng hóa chẳng rõ xuất xứ, phương thức chế biến, chỉ bằng “niềm tin” từ lời người bán hàng. Nhiều người còn tặc lưỡi “khuất mắt trông coi”, vì nếu không ăn thì chẳng biết ăn gì.

Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh: Hầu hết các chợ đều có kinh doanh chế biến hàng thực phẩm như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau quả, đồ uống, thức ăn chín... Để đưa thực phẩm vào các chợ, cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và an toàn vệ sinh.

Bà Võ Ngân Giang, cán bộ Chương trình ATTP - Văn phòng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) Việt Nam cho biết, ở cấp độ toàn cầu, đến năm 2050, chúng ta sẽ cần một lượng thực, phẩm khổng lồ mỗi năm, đó là 1 tỷ tấn ngũ cốc, tỷ tấn thịt bò, 460 triệu tấn thịt…

Do đó, bà Võ Ngân Giang nhấn mạnh, điều quan trọng để có thực phẩm “sạch” chính là việc truy xuất nguồn gốc. Điều này giúp trả lời được những câu hỏi: Sản phẩm tôi sẽ mua này từ đâu đến? Đi qua các kênh phân phối nào? Sản phẩm có an toàn không? Có đạt các yêu cầu kỹ thuật và ATTP không? Sản phẩm của tôi có được kiểm soát chất lượng dọc theo chuỗi cung ứng từ sản xuất, tiêu thụ đến cung ứng?

Việc truy xuất nguồn gốc là nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng, của cơ quan quản lý nhà nước; cũng như các công ty, doanh nghiệp thực phẩm nhằm quản lý và chăm sóc khách hàng tốt hơn./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm