Cập nhật: 18/07/2016 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện tượng cá chết bất thường xảy ra trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất kinh doanh trước mắt cũng như lâu dài của người dân vùng biển tỉnh Quảng Trị. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp và gây nhiều khó khăn nhất về đời sống của hơn 8.000 hộ gia đình, với hơn 44.000 người dân ở 16 xã ven biển, thuộc bốn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.

Cây đậu xanh phát triển tốt ở xã vùng biển Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Những chuyển biến bước đầu

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống, sản xuất. Sau một thời gian thực hiện, việc phát triển nông nghiệp vùng biển, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân cho thấy những tín hiệu tích cực.

Tỉnh Quảng Trị đã trích gần 4 tỷ đồng từ Chương trình nông thôn mới, hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho 1.700 hộ ngư dân vay vốn làm ăn, chuyển đổi nghề. Để việc giải quyết sinh kế có tính bền vững, lâu dài cho người dân vùng biển, tỉnh Quảng Trị khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát, thành lập những tổ hợp tác, vay tiền đóng thuyền công suất lớn hơn vươn ra ngoài 20 hải lý đánh bắt và tập trung cho vay, giải quyết lao động vùng biển.

Xã bãi ngang Triệu Vân có 140 hộ làm nghề đánh bắt cá và dịch vụ hậu cần nghề biển. Qua quá trình thực hiện chương trình chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân, đến nay toàn xã Triệu Vân đã xây dựng được 5 mô hình trang trại và hơn 90 mô hình gia trại. Chính quyền và ban ngành các cấp đã kịp thời quan tâm và có biện pháp hỗ trợ cho bà con trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả bước đầu trong phát triển sản xuất. Để người dân nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và phát triển trang trại tổng hợp, chính quyền địa phương đã mở nhiều lớp đào tạo nghề lao động nông thôn như lớp nề dân dụng, lớp chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, lớp trồng trọt...

Anh Nguyễn Thanh Phấn, ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong có hơn 20 năm làm nghề biển, sau hiện tượng cá chết bất thường xảy ra trong thời gian qua, gia đình anh tạm ngừng việc đi biển đánh bắt cá. Anh Phấn đã chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày và đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi để tạo nguồn thu, giúp ổn định kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Thanh Phấn cho biết: "Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề đi biển. Giờ đây biển thất thu, tôi chuyển qua khai thác đất đai trồng cây đậu xanh lòng, trồng xen canh cây dưa quả và vay vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn cho thu nhập ổn định, đủ để nuôi con ăn học”.

Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Hồ Xuân Đức cho biết: “Huyện Triệu Phong đã chỉ đạo hỗ trợ người dân chuyển đổi đất sang trồng đậu, mỗi sào 120 nghìn đồng. Bên cạnh, cán bộ khuyến nông huyện còn hỗ trợ về tư vấn lao động, việc làm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, UBND xã Triệu Vân đã có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề chăn nuôi lợn vì nhu cầu của bà con rất lớn”.

 

Đàn bò của anh Nguyễn Luật, ở thôn 5, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Anh Nguyễn Luật, 46 tuổi, ở thôn 5, xã Triệu Lăng (Triệu Phong), trước đây đi biển, mỗi ngày kiếm được hơn 300 nghìn đồng, thậm chí khi được mùa thu nhập còn cao hơn. Nay không thể ngồi chờ biển hồi sinh trở lại nên đã mạnh dạn vay 150 triệu đồng đầu tư nuôi bò, gia cầm và làm vườn.

Nhờ lựa chọn hướng đi phù hợp, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và biết cách tận dụng lợi thế đồng cỏ, bãi chăn thả nên năm con bò của gia đình anh lớn rất nhanh. Bên cạnh đó, gia đình anh đã cải tạo mở rộng đất vườn để trồng sắn, đậu xanh nhằm tận dụng làm thức ăn chăn nuôi và tăng thêm thu nhập.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân tạo sinh kế

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Thời gian qua, địa phương đã có nhiều biện pháp kịp thời, trọng tâm, trọng điểm để ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại các xã vùng biển. Tuy vậy, đây là sự ảnh hưởng rất nghiêm trọng và có tính lâu dài, không thể giải quyết chỉ trong ngày một ngày hai. Do đó, tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt và sâu rộng hơn. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế và trả lại môi trường tự nhiên ven biển để cho người dân sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các địa phương tập trung trồng và chăn nuôi các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao và hỗ trợ cho bà con về giống, khâu làm đất, công tác kỹ thuật cũng như công tác khuyến nông.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với bà con ngư dân vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị là thiếu vốn để đầu tư và thiếu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để việc chuyển đổi sinh kế cho bà con mang lại hiệu quả bền vững, các cấp chính quyền cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp để bà con yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khuyến khích việc cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ để vươn khơi, bám biển trong thời gian tới.

Trong khi chờ đợi tình hình khai thác thủy hải sản ổn định trở lại, mong muốn lớn nhất của các hộ gia đình ở vùng biển là được chuyển đổi ngành nghề phù hợp để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.

Hiện nay, ở một số địa phương vùng biển đã có phương án chuyển đổi lực lượng lao động nghề biển sang các ngành nghề khác như: đan lát, đào ao nuôi cá nước ngọt, phát triển trồng cỏ để nuôi bò, trồng cây dược liệu và xây dựng vùng chuyên canh rau sạch trên cát... Vì vậy, các bộ, ngành và chính quyền địa phương sớm xây dựng phương án chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển trước mắt và lâu dài phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như thành lập các hợp tác xã, xây dựng các mô hình trang trại; ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp nhân dân chuyển đổi nghề phù hợp.

Ngoài ra, có phương án hỗ trợ đào tạo, giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các nhà máy dệt may đang đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng biển...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HAI

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm